Chiều 19/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013 và dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi). Trong đó, nhấn mạnh đến việc cần quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra lãng phí và có chế tài xử lý đối với người có thẩm quyền.
 
Nhiều tồn tại chưa được làm rõ
 
Mặc dù khẳng định việc thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là "chuyển biến theo hướng tích cực", nhưng Báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình trước UBTVQH lại thừa nhận: Tình trạng lãng phí, chưa tiết kiệm còn tồn tại trên nhiều lĩnh vực, với mức độ khác nhau. Ngay trong quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước, thanh tra trong 6 tháng năm 2013, đã phát hiện và kiến nghị xử lý về tài chính trên 1.290 tỷ đồng, kiến nghị xử lý hành chính đối với 94 tập thể, 376 cá nhân...
 
Từ góc độ cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, Báo cáo của Chính phủ đã chỉ ra nhiều tồn tại trong thực hiện luật, nhưng vẫn có những tồn tại chưa được làm rõ. Từ lãng phí, thất thoát trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản, phê duyệt dự án vượt quá khả năng cân đối vốn, khởi công mới, bố trí vốn dàn trải, thi công kéo dài…, dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản lớn nhưng chưa được xử lý, khắc phục triệt để. Đó là chưa kể tới việc sử dụng tài sản công lãng phí, nhất là việc sử dụng hệ thống cảng biển, trung tâm hội nghị... vượt quá nhu cầu cần thiết.
 
Trong nhiều nguyên nhân được chỉ ra, Báo cáo của Chính phủ và cơ quan thẩm tra đều nhấn mạnh đến trách nhiệm của người đứng đầu chưa tốt, chưa nghiêm, thiếu cương quyết. Đồng thời đề nghị cần có quy định để xử lý nghiêm trách nhiệm. Các thành viên UBTVQH cho rằng, báo cáo liệt kê khá đầy đủ những mặt đã làm, nhưng lại chưa nêu rõ những điểm yếu cũng như giải pháp để khắc phục, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu.
 
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Báo cáo của Chính phủ về việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013. Ảnh: TTXVN
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Báo cáo của Chính phủ về việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013. Ảnh: TTXVN
 
Xây trụ sở quá lớn
 
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội K'sor Phước thẳng thắn:  Cần chỉ đích danh những cơ quan, địa phương nào còn lãng phí sử dụng đất đai, để cảnh báo người đứng đầu thấy rõ hơn trách nhiệm của mình. "Tôi đến nhiều địa phương, thấy xây trụ sở quá lớn, quá lộng lẫy trong khi dân còn nghèo. Rồi hiện tượng cán bộ nhà nước đi xe ô tô rất sang, đấy chính là lãng phí". Cũng theo ông K'sor Phước: Mặc dù thống kê cho thấy, tiết kiệm được hơn 17.000 tỷ đồng, nhưng lãng phí chưa tính được và tôi tin rằng lãng phí còn lớn hơn nhiều.
 
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, Bộ Tài chính nên cân nhắc thêm thực tế tình hình để hoàn thiện báo cáo. Phân tích thêm có lãng phí hay không và nếu có là bao nhiêu ở những dự án chậm tiến độ, chậm GPMB, đặc biệt công trình trọng điểm quốc gia. Tại sao năm nào cũng nói đến vấn đề này, nhưng không khắc phục được, có hay không hiện tượng nhũng nhiễu, tham nhũng của cán bộ ở đây? Lãng phí đất đai cũng cần có địa chỉ, ngành nào, cấp nào địa phương nào, xây dựng trụ sở có lãng phí hay không? và cần phải công khai để nâng cao việc giám sát của Quốc hội và người dân.
 
Dự án Luật dự kiến sẽ được trình và thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII.
 
Sáng 19/9, tại Phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Dự án Luật được đánh giá có nhiều nội dung mới, phù hợp với tình hình thực tế của công tác bảo vệ môi trường hiện nay.
 
Tuy được đánh giá là nhiều tính khả thi, nhưng theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K'sor Phước, nếu không phát huy nội lực của nhân dân, của hệ thống chính quyền cơ sở thì có xây dựng luật và đầu tư lớn cũng không thể đảm bảo thành công trong bảo vệ môi trường (BVMT). Bởi thực tế không thể cái gì cũng gọi cảnh sát môi trường, mà phải toàn dân tham gia BVMT.
 
Nhấn mạnh đến quy định trách nhiệm trong BVMT, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, Dự án Luật cần quy định rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước về đất đai, tài nguyên khoáng sản… dẫn đến ô nhiễm môi trường. Ví như việc cấp phép tràn lan để người ta phá hoại môi trường hay khi vi phạm thấy rõ mà không chịu giải quyết thì xử lý trách nhiệm đến đâu? Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, phải quy trách nhiệm cụ thể, người có trách nhiệm thì phải bồi thường, không thể có lợi nhuận thì hưởng, chỉ đóng một phần thuế cho Nhà nước, nhưng hậu quả thì người dân chịu và "không thể hòa cả làng được".
 
 
Theo KTĐT