Một trong những điểm mới tại kỳ họp thứ 10-Quốc hội khóa XIII (sẽ chính thức khai mạc vào ngày mai, 20-10), là đổi mới hoạt động chất vấn. Theo đó, Quốc hội sẽ không chất vấn theo chủ đề riêng như trước mà các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) có thể chất vấn bất cứ một thành viên Chính phủ nào.
 

1
Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo công bố chương trình và nội dung kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII


Sáng nay, 19-10, Văn phòng Quốc hội đã họp báo công bố chương trình và nội dung kỳ họp thứ 10 – Quốc hội khóa XIII. Theo đó, kỳ họp thứ 10 sẽ chính thức khai mạc vào ngày mai, 20-10 và dự kiến kéo dài trong 31 ngày làm việc.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội dự kiến sẽ thông qua 18 luật và 14 nghị quyết quan trọng gồm: Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi), Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Luật trưng cầu ý dân, Luật về phí, lệ phí…

Ngoài ra, Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến vào 8 dự án luật khác như: Luật về hội, Luật báo chí (sửa đổi), Luật tiếp cận thông tin, Luật tín ngưỡng tôn giáo, Luật bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi)…

Đặc biệt, Quốc hội dành 12 ngày để thảo luận, xem xét kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước năm 2015, dự toán ngân sách và phương án phân bổ ngân sách năm 2016; đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015; cho ý kiến về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020… Một điểm đáng chú ý khác là Quốc hội sẽ bầu Hội đồng bầu cử Quốc gia và quyết định ngày bầu cử toàn quốc.

Đặc biệt, phiên chất vấn tại kỳ họp này sẽ có sự đổi mới toàn diện. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, thay vì chất vấn riêng từng lĩnh vực như các kỳ họp trước, lần đầu tiên Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn tổng thể tại phiên họp.

 

2
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời các câu hỏi tại buổi họp báo


Theo đó, Quốc hội sẽ nghe Chính phủ trình bày báo cáo thực hiện các Nghị quyết về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII tới nay, xem xét thực hiện các cam kết của các bộ trưởng, tư lệnh ngành và trên cơ sở đó các ĐBQH sẽ chất vấn trực tiếp với bất kỳ một Bộ trưởng, thành viên Chính phủ nào ngay tại phiên họp để làm rõ.

Với sự thay đổi này, trong 2,5 ngày chất vấn, tất cả các thành viên Chính phủ đều phải dự đầy đủ và sẵn sàng trả lời các câu hỏi chất vấn của ĐBQH. Thủ tướng Chính phủ cũng sẽ dự và có thể trả lời, bao quát lại tất cả các lĩnh vực chất vấn mà các thành viên Chính phủ đã trả lời.

Trên cơ sở đó, Quốc hội có thể ra nghị quyết về vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn để truyền đạt lại cho Quốc hội khóa sau để tiếp tục giám sát. “Đây là điểm rất mới, với mục đích đảm bảo giám sát đến cùng của Quốc hội” – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh.
 

Theo ANTĐ

.