(BVPL) - Nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất, chúng tôi vội vã về nơi đã sinh ra Người. Từ sáng ngày 5/10, làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình)- quê hương của Đại tướng đã chìm trong đau thương. Cả Quảng Bình đang khóc thương Người.
 


Các em học sinh làng An Xá mới đi học về, cũng vội vã vào ngay nhà Đại tướng để thăm viếng, khuôn mặt các em buồn trĩu nặng. Nhiều em cầm di ảnh của Đại tướng trên tay, đôi mắt đỏ hoe!

Luôn khắc ghi lời dặn của Đại tướng

Xen lẫn trong đau thương, buồn bã, con cháu của Đại tướng và nhiều người dân ở làng An Xá đã kể lại cho chúng tôi nghe nhiều ký ức đẹp về vị Tướng của nhân dân. Trong đó, ấn tượng nhất là ngày Đại tướng về thăm quê lần cuối cùng cách đây 9 năm.

“Lần ấy, Tướng Giáp về chừng 8 giờ sáng ngày 06/11/2004, mang theo 2 cây thuốc quý là cây thuốc sâm đắng và cây đào phỏng, rồi tự tay Người trồng một cây trước nhà, một cây bên hiên nhà trước gian bếp”, ông Võ Đại Hàm, 70 tuổi- cháu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp- người đang trông coi khu nhà lưu niệm của Đại tướng ở quê nhà (thôn An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy) nhớ lại. Theo ông Hàm, thì buổi sáng hôm ấy trời xanh nắng đẹp, Đại tướng cùng đoàn cận vệ và cán bộ chính quyền về thăm quê nhà. Sau khi trồng cây thuốc ở vườn nhà xong, Đại tướng đã sang thăm nhà thờ chi phái đang xây dở kế bên vườn, cùng ngắm nghía, chụp ảnh và trò chuyện với bà con hàng xóm rồi đi lên huyện và tỉnh.

Đưa chúng tôi trực tiếp xem 2 cây thuốc quý, ông Hàm xúc động kể lại: mỗi lần về thăm quê, thì việc đầu tiên là Đại tướng Võ Nguyên Giáp dạo một vòng quanh vườn nhà, sau đó tranh thủ đi bà con chòm xóm, không quên căn dặn bà con trong làng duy trì nghề truyền thống sản xuất chiếu lác. Đặc biệt, Đại tướng nhấn mạnh đến đức hi sinh, tự lực, tự cường, chịu khó đi lên, không được ỉ lại mà tự thân mình phấn đấu. “Đại tướng khuyến khích làm giàu, nhưng phải làm giàu một cách chính đáng. Cán bộ thì phải đoàn kết, luôn phải coi trọng và lắng nghe nhân dân, không được bảo thủ. Sau lần về thăm quê này, tôi nghe nói Đại tướng Giáp đi lên huyện nói chuyện với cán bộ, rồi ra Đồng Hới nói chuyện với cán bộ tỉnh và đi gặp mẹ Ngèng, người trồng cây phi lao trên cát ở Quảng Bình. Sau đó, Đại tướng Giáp đi ra Hà Nội, từ đó đến nay không về.”- ông Hàm nhớ lại.

Điều ông Hàm khắc cốt, ghi tâm là lời dặn của Đại tướng: “Cháu trông coi ở đây nên trở thành người quan trọng, được nhiều người quan tâm. Vì vậy, cháu phải hiểu biết, phải thật thà, cái gì biết thì trung thực trả lời, không biết thì  nói chưa rõ, chứ đừng trả lời tùy tiện…”

Cũng theo nhiều bậc cao niên ở làng An Xá, thì lần cuối cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm quê là tháng 11/2004. “Lần đó, ông Giáp về vội vàng hơn trước. Dẫu tuổi đã cao nhưng bước đi vẫn hoạt bát, nhanh nhẹn, theo ông có nhiều cán bộ chính quyền và cán bộ bảo vệ. Ông đến thăm chúng tôi và căn dặn những lời nghĩa tình, sâu sắc. Từ bấy đến nay, ông không về lại…”- bà Võ Thị Lài, một người cháu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp rơi nước mắt cho biết.

Trưởng thôn An Xá, ông Bùi Hữu Sơn cũng còn ghi nhiều dấu ấn sâu sắc về vị Tướng của nhân dân. “Lần về thăm cách đây 9 năm, bác Giáp không câu nệ khi tôi đang quần xắn cao gối, mặc bộ quần áo lao động đã cũ sờn, mà chủ động nắm lấy tay tôi, dặn dò hãy quan tâm đến bà con, động viên họ chăm chỉ, cố giữ nghề truyền thống của làng là chiếu lác….”.

Theo ông Phạm Hữu Thảo- Phó chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, thì mỗi lần về thăm quê, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn quan tâm đến đời sống của người dân, đề cao tinh thần đoàn kết trong cán bộ và nhân dân. Đặc biệt, Đại tướng rất quan tâm đến việc duy trì và phát triển các nghề truyền thống của địa phương, căn dặn cán bộ phải gần gũi và sát cánh cùng nhân dân, đồng cam cộng khổ cùng nhân dân, vượt mọi khó khăn để cùng nhân dân hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội.

“Giờ đây, Đại tướng đã mất đi, nhưng hình ảnh và những lời căn dặn của Đại tướng luôn khắc ghi trong lòng mỗi người dân chúng tôi. Trước vong linh của Đại tướng, chúng tôi hứa luôn phấn đấu, vượt mọi khó khăn, gian khổ để xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, xứng đáng là quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp- một trong mười vị Tướng huyền thoại của thế giới”- ông Phạm Hữu Thảo xúc động cho biết.
 

Bùi Tiến

.