Phối hợp liên ngành giải quyết tốt các vụ án trọng điểm, phức tạp

Nội dung báo cáo hai ngành thể hiện công tác phối hợp liên ngành giải quyết tốt các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo TW, Thường trực Thành ủy Hà Nội theo dõi, chỉ đạo vụ án hình sự trọng điểm, nhạy cảm, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm, đặc biệt là các vụ án tham nhũng lớn đã được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, được dư luận đồng tình ủng hộ.

Theo Viện trưởng Viện KSND TP Nguyễn Duy Giảng, năm 2018, Viện KSND hai cấp thành phố Hà Nội đã phê chuẩn quyết định khởi tố 10.199 bị can, tăng 297 vụ (4,6%), 293 bị can (2,96%) so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, khởi tố 2.733 vụ với 3.233 bị can về tội phạm về ma túy; 22 vụ/51 bị can về tham nhũng và chức vụ; 105 vụ/163 bị can vi phạm về kinh tế và môi trường…

VKS hai cấp Thành phố đã nghiêm túc, chủ động triển khai các yêu cầu công tác của ngành, của địa phương. Kết quả ở một số chỉ tiêu có sự chuyển biến tích cực và cao hơn so với cùng kỳ năm 2017 như tỷ lệ yêu cầu xác minh, yêu cầu điều tra, tỷ lệ kiểm sát các vụ việc đều đạt 100%; tỷ lệ bắt giữ chuyển khởi tố hình sự đạt 99,4%; tỷ lệ truy tố đúng thời hạn đạt 100%, truy tố bị can đúng tội đạt 99,8%; tỷ lệ giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của VKS đạt 94,5%.

Tỷ lệ trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm của VKS chỉ chiếm 0,98%, ít hơn 4,02% so với chỉ tiêu của ngành. Tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm hình sự được chấp nhận đạt 94,2%, kháng nghị phúc thẩm án dân sự, hành chính được chấp nhận 100% (tăng 4,2% so với cùng kỳ)...

leftcenterrightdel
Ông Nguyễn Duy Giảng, Viện trưởng VKSND TP. Hà Nội báo cáo tại cuộc họp HĐND TP. Hà Nội 

Viện KSND Thành phố đã phối hợp liên ngành giải quyết tốt các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo TW, Thường trực Thành ủy Hà Nội theo dõi, chỉ đạo. Đặc biệt, không có trường hợp nào CQĐT, VKS hai cấp phải đình chỉ điều tra vì không phạm tội; không có trường hợp nào HĐXX tuyên bị cáo không phạm tội; VKS hai cấp đã ban hành được 200 kiến nghị vi phạm trong lĩnh vực hình sự, 24 kiến nghị phòng ngừa trong lĩnh vực hình sự, 135 kiến nghị vi phạm trong lĩnh vực dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại, các kiến nghị của VKS đều được tiếp thu, khắc phục.

Trong năm 2019, VKS sẽ đề ra các biện pháp, giải pháp để quản lý, chỉ đạo, điều hành và tổ chức cho Viện KSND hai cấp Thành phố khắc phục những tồn tại, hạn chế. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tư pháp ở địa phương, nắm chắc tình hình để tham mưu kịp thời với cấp ủy địa phương triển khai biện pháp đấu tranh, phòng ngừa vi phạm, giảm nguy cơ xảy ra các điểm nóng, phức tạp trên địa bàn. Phối hợp giải quyết tốt những vụ án, vụ việc phức tạp được dư luận xã hội quan tâm; tập trung giải quyết tốt các vụ án lớn về tham nhũng, kinh tế, chức vụ do Ban chỉ đạo TW về phòng chống tham nhũng, Ban Nội chính Trung ương, Ban Nội chính Thành ủy theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc.

Bên cạnh đó, chủ động rà soát đánh giá, lựa chọn đội ngũ lãnh đạo quản lý để chuẩn bị nhân sự đủ điều kiện, tiêu chuẩn đảm bảo uy tín chất lượng để điều động kiện toàn các đơn vị VKSND cấp huyện tham gia cấp ủy địa phương nhiệm kỳ 2020-2025.

Hoàn thành công tác xét xử nhiều vụ án tham nhũng lớn

 Chánh án TAND thành phố Hà Nội Nguyễn Hữu Chính đã báo cáo kết quả công tác năm 2018. Theo đó, từ ngày 1-10-2017 đến ngày 31-10-2018, TAND hai cấp Thành phố Hà Nội đã thụ lý 36.472 vụ án; giải quyết 30.001 vụ, đạt tỷ lệ 82,25%, số thụ lý tăng 5.695 vụ so với năm 2017. Trong năm 2018, nhiều vụ án hình sự trọng điểm, nhạy cảm, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm, đặc biệt là các vụ án tham nhũng lớn đã được Tòa án khẩn trương nghiên cứu hồ sơ để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh đáp ứng yêu cầu chính trị của địa phương, được dư luận đồng tình ủng hộ.

Tòa án đã áp dụng hình phạt đảm bảo nghiêm minh, nghiêm khắc trừng trị kẻ chủ mưu, cầm đầu, phạm tội có tổ chức, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản hoặc làm thất thoát số lượng lớn tài sản của Nhà nước, khoan hồng với những bị cáo phạm tội lần đầu, thật thà khai báo, ăn năn, hối cải.

leftcenterrightdel
 Ông Nguyễn Hữu Chính, Chánh án TAND TP. Hà Nội báo cáo tại kỳ họp 

Điển hình như vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm bị truy tố về các tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty cổ phần xây lắp đặt dầu khí Việt Nam (PVC); vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm bị Viện KSND tối cao truy tố về tội “Tham ô tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần bất động sản Điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land); vụ án Đinh La Thăng và đồng phạm bị truy tố về các tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” liên quan đến việc góp vốn 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương…

Trong năm 2018, TAND hai cấp thành phố Hà Nội vẫn còn một số vụ án bị hủy, sửa, để quá thời hạn xét xử, trong đó đặc biệt là án hành chính.  Đồng thời, dư luận quan tâm về việc giám định tâm thần đối với bị can, bị cáo hiện vẫn chưa có cơ chế kiểm soát dẫn đến việc vi phạm trong hoạt động giám định thực tiễn gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố và xét xử.

Chánh án TAND TP Hà Nội đã nêu một số kiến nghị, đề xuất với HĐND và UBND Thành phố Hà Nội: Tiếp tục hỗ trợ đầu tư trang thiết bị làm việc và kinh phí thực hiện công tác xét xử; hỗ trợ toàn bộ kinh phí, cơ sở vật chất thành lập và triển khai hoạt động của Trung tâm hòa giải, đối thoại tại tòa án hoạt động có hiệu quả; kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền ban hành, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với thực tế công tác xét xử, đời sống xã hội; kiến nghị các cơ quan quản lý về y tế tập trung chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và có biện pháp xử lý đối với các cán bộ y tế lạm quyền, ra những kết luận giám định y tế không đúng, gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng….

Nhóm PV