leftcenterrightdel
Phó Thủ tướng cho biết, đối với vốn ngân sách địa phương, Chính phủ không chậm trễ, mà phải có đủ căn cứ mới có thể phân bổ được. Ảnh:VGP

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh vấn đề này tại cuộc họp với các Bộ, ngành về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 còn lại chưa phân bổ, giao chi tiết của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương ngày hôm nay (15/8).

Cụ thể, theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Chính phủ đã trình Quốc hội kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 ngay từ kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XV theo đúng quy định và Quốc hội đã quyết nghị tổng mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 2.870.000 tỉ đồng, gồm: vốn ngân sách trung ương là 1.500.000 tỉ đồng, vốn ngân sách địa phương là 1.370.000 tỉ đồng.

Đến thời điểm hiện tại, về cơ bản, Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 bao gồm cả danh mục các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương, trong đó, phần lớn các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư, đã giao chi tiết cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Hiện chỉ còn lại khoảng hơn 40.000 tỉ đồng vốn nước ngoài chưa trình danh mục cụ thể do đang phối hợp với các nhà tài trợ để lập dự án; sau khi chủ trương đầu tư các dự án này được phê duyệt theo quy định, Chính phủ sẽ tiếp tục báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh:VGP

Cũng theo Phó Thủ tướng, qua rà soát của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, trong tổng số vốn kế hoạch trung hạn phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi giao chi tiết có hơn 218.483 tỉ đồng vốn ngân sách trung ương và 137.000 tỉ đồng vốn cân đối ngân sách địa phương.

Cụ thể, đối với khoản 137.000 tỉ đồng vốn ngân sách địa phương, việc phân bổ số vốn này phụ thuộc vào mức bội chi, khả năng thu ngân sách trong giai đoạn 2021-2025 của các địa phương và sẽ phân bổ theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và Nghị quyết của Quốc hội.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, đây là năm thứ 2 thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 -2025, Bộ Tài chính báo cáo căn cứ quy định tại Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021, các địa phương đã giao vượt kế hoạch khoảng 100.000 tỉ đồng để đầu tư từ nguồn vượt thu ngân sách địa phương hằng năm (năm 2021 khoảng 54.000 tỉ đồng, dự kiến năm 2022 khoảng 46.000 tỉ đồng).

Như vậy, đối với vốn ngân sách địa phương, Chính phủ không chậm trễ, mà phải có đủ căn cứ mới có thể phân bổ được và cho biết, theo đề nghị của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, tới tháng 10/2023, khi báo cáo đánh giá giữa kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 sẽ báo cáo Quốc hội cụ thể về việc phân bổ khoản 137.000 tỉ đồng này.

Đối với khoản 218.000 tỉ đồng vốn ngân sách trung ương, có khoảng 74.000 tỉ đồng của các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định, có thể giao kế hoạch trung hạn được ngay sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

Còn khoảng hơn 144.000 tỉ đồng của các dự án chưa đủ thủ tục đầu tư theo quy định cần phải tiếp tục thúc đẩy sớm hoàn thiện phê duyệt chủ trương đầu tư báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi giao chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Ngoài ra, đối với số vốn 7.942 tỉ đồng, vốn còn lại của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn; Bộ Lao động, Thương binh và xã hội và Ủy ban Dân tộc phải cố gắng hoàn thiện phương án phân bổ nguồn vốn này theo đúng chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (trước ngày 01/9/2022).

Từ phân tích trên, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư sớm hoàn thiện dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đôn đốc các Bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương tiếp tục khẩn trương phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án theo đúng quy định, đáp ứng tiến độ theo yêu cầu.

Riêng đối với khoản 137.000 tỉ đồng vốn ngân sách địa phương, Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu để có phương án đề xuất trong báo cáo đánh giá giữa kỳ Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, bảo đảm hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi trong việc phân bổ vốn.

Đồng thời nhấn mạnh, kế hoạch đầu tư công trung hạn được thực hiện trong 5 năm; căn cứ tình hình, mục tiêu, nhu cầu của dự án để cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng, hợp lý, hiệu quả trong việc triển khai thực hiện.

Minh Nhật