(BVPL) - Dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương (BCĐCCTPTW), vừa qua tại Hà Nội, BCĐCCTPTW đã tổ chức phiên họp thứ 12 để thảo luận, cho ý kiến về Đề án tổ chức lại hệ thống Cơ quan điều tra (CQĐT) theo hướng thu gọn đầu mối. Cùng tham dự Phiên họp có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo. Về phía VKSNDTC tham dự Phiên họp có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSNDTC và đồng chí Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng VKSNDTC.
 

 Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng BCĐCCTPTW phát biểu tại phiên họp.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng BCĐCCTPTW phát biểu tại phiên họp.


Theo đánh giá, trong những năm qua, các CQĐT và các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đã có nhiều cố gắng trong phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm góp phần quan trọng bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định, thuận lợi phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả trên, hoạt động điều tra cũng bộc lộ một số hạn chế, thiếu sót mà nguyên nhân là những tác động của mặt trái kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế khiến tình hình tội phạm có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp với mức độ và tính chất ngày càng nghiêm trọng. Cùng với đó, nhận thức về vị trí, vai trò của CQĐT chưa đầy đủ, tương xứng; việc xây dựng pháp luật, mô hình tổ chức, cơ chế quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ và các điều kiện bảo đảm khác cho hoạt động điều tra tuy được chú ý tăng cường nhưng vẫn chưa thật đồng bộ… Chính vì thế, việc nghiên cứu sắp xếp, củng cố các CQĐT để khắc phục thiếu sót và đáp ứng yêu cầu thực tế trước mắt cũng như lâu dài là yêu cầu khách quan.

Theo đó, việc tổ chức lại hệ thống CQĐT theo hướng thu gọn đầu mối nhằm đảm bảo bộ máy điều tra gọn, hoạt động có hiệu quả, không gây xáo trộn lớn về tổ chức và bộ máy phục vụ hoạt động điều tra; bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, tính đồng bộ của hệ thống pháp luật; kế thừa kinh nghiệm và các quy định đang phát huy tác dụng tốt; đưa ra luận cứ khoa học để tổ chức CQĐT phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị và truyền thống pháp luật về điều tra hình sự của Việt Nam; tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm tổ chức CQĐT của các nước phù hợp điều kiện của Việt Nam… Mặt khác, việc đổi mới tổ chức, hoạt động của các CQĐT nhằm tạo lập một cơ chế pháp lý hữu hiệu, kiểm soát sự tuân thủ pháp luật và xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền tự do dân chủ của công dân, bảo đảm an toàn trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Tại phiên họp, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp ý kiến về nhiều nội dung liên quan đến Đề án tổ chức lại hệ thống CQĐT theo hướng thu gọn đầu mối, như thực tiễn tổ chức và hoạt động điều tra hình sự của Việt Nam; phương án tổ chức lại hệ thống CQĐT và giải pháp tổ chức thực hiện Đề án; về các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; về quản lý nhà nước đối với công tác điều tra hình sự… Nhìn chung, đa số ý kiến các đại biểu cho rằng việc xây dựng Đề án là cần thiết nhằm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, nâng cao hiệu quả hoạt động điều tra hình sự, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, phục vụ  nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao sự chuẩn bị của Ban soạn thảo Đề án và những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Phiên họp. Chủ tịch nước cho rằng, việc xây dựng Đề án là cần thiết và mục đích của việc xây dựng Đề án nhằm khắc phục được cơ bản những nhược điểm, hạn chế của mô hình tổ chức CQĐT hiện nay, hình thành một tổ chức CQĐT gọn nhẹ, có hiệu lực, hiệu quả cao. Chủ tịch nước nhấn mạnh, một hệ thống tố tụng trong đó CQĐT được kiện toàn và đổi mới phương thức hoạt động sẽ góp phần giúp cho việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ án hình sự được nhanh chóng, kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, nhằm bảo vệ Đảng, chế độ và Nhà nước XHCN, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân... Chủ tịch nước đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, tiếp thu những nội dung phù hợp, cân nhắc để kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện Đề án báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
 

Văn Tình

.