(BVPL) - Phát biểu tại hội trường kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng: "lựa chọn cách quy định như Luật của các nước “không tính theo hàm lượng ma túy tinh chất” mới là phù hợp". Báo BVPL xin gửi tới độc giả nguyên văn phát biểu của ĐBQH Nguyễn Thị Thủy.
 
Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,
Kính thưa Quốc hội,
 
ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) phát biểu tại hội trường
ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) phát biểu tại hội trường
 
1. Trước hết, tôi bày tỏ sự đồng tình cao với quan điểm sửa luật được thể hiện trong Tờ trình của Chính phủ. Đó là, ngoài sửa những nội dung có sai sót, thì đối với những điều luật chưa rõ, dẫn đến cách nhận thức và cách áp dụng khác nhau thì cũng cần phải được. Trên tinh thần đó, tôi xin phát biểu trực tiếp vào vấn đề xác định hàm lượng ma túy tinh chất trong các tội phạm về ma túy.
 
2. Trong thời gian vừa qua, chúng ta đã chứng kiến nhiều vụ trọng án, thảm án có liên quan đến ma túy. Điển hình như: vụ Trần Tuấn Khương, đi trông chị gái tại bệnh viện, sau đó đã dùng dao cắt lìa chân của chị ruột mình; Hay, vụ Đỗ Đức Hùng (ở Nam Định) đã dùng dao giết chết cả bố mẹ đẻ với hàng chục nhát dao đâm vào cổ; Hay, gần đây nhất là vụ thảm án xảy ra tại Quảng Ninh cùng lúc sát hại cả 4 bà cháu v.v… Tất cả các đối tượng này, trước khi thực hiện hành vi phạm tội đều sử dụng ma túy.
 
Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, số lượng người nghiện ma túy ở   nước tăng nhanh trong thời gian qua. Nếu như vào cuối năm 2011, cả nước có trên 158 nghìn người nghiện ma túy, thì đến nay con số này là trên 202 nghìn người nghiện ma túy. Như vậy, sau 5 năm cả nước có thêm hơn 44 nghìn người nghiện ma túy mới. Cứ có thêm một người nghiện ma túy, là có thêm một gia đình bất hạnh, và có thêm một mối lo đối với toàn xã hội.
 
Do đó, chúng tôi cho rằng những gì “cần phải làm” và “có thể làm” để nghiêm trị tội phạm ma túy; “tháo gỡ vướng mắc cho các cơ quan tố tụng” cần phải được đặc biệt ưu tiên.
 
3. Báo cáo với Quốc hội, quá trình giải quyết các vụ án ma túy thời gian qua nảy sinh nhiều quan điểm và ứng với đó là nhiều cách áp dụng khác nhau. Tựu chung lại có 2 quan điểm chính:
 
Quan điểm thứ nhất thì cho rằng, sau khi thu giữ được vật nghi là bánh ma túy, thì chỉ giám định để xác định cái bánh đó có phải là ma túy không, nếu là ma túy thì lấy toàn bộ bánh ma túy đó nhân ra cân – ra lạng để xử lý.
 
Quan điểm thứ hai cho rằng, không chỉ giám định để xác định cái bánh đó có phải là ma túy hay không, mà còn phải giám định để xác định có bao nhiêu hàm lượng ma túy tinh chất chứa trong bánh ma túy đó, và lấy hàm lượng ma túy tinh chất này để nhân ra cân – ra lạng để xử lý.  
 
Dự thảo Luật xây dựng theo hướng áp dụng cả 2 cách tính nêu trên.
 
4. Qua nghiên cứu dự thảo luật, tôi nhận thấy, quy định bắt buộc phải giám định hàm lượng ma túy tinh chất khi thuộc khoản 4 các điều từ 248 đến 252 là không phù hợp và chứa đựng nhiều mâu thuẫn. Tôi xin làm rõ trên 4 vấn đề sau đây:
 
Thứ nhất, quy định như Dự thảo sẽ không bảo đảm tính thống nhất của pháp luật. Cùng là hành vi phạm tội về ma túy, nhưng nếu bị truy cứu theo khoản 1, khoản 2 và khoản 3 thì tính theo khối lượng ma túy thu giữ được để xử lý (tức là lấy toàn bộ bánh ma túy đó nhân ra cân, ra lạng để xử lý); nhưng nếu bị truy cứu theo khoản 4 (là có khoản có khung hình phạt tù 20 năm, chung thân, tử hình) thì lại tính theo hàm lượng ma túy tinh chất  (rút ra từ bánh ma túy đó để nhân ra cân, ra lạng xử lý) là không bảo đảm tính thống nhất của pháp luật.
 
Thứ hai, quy định như Dự thảo sẽ không bảo đảm tính công bằng trong xử lý giữa: các vụ án thu được ma túy và các vụ án không thu được ma túy. Hiện nay, các vụ án không thu được ma túy chiếm trên 20% tổng số án ma túy thụ lý. Tuy nhiên, qua đấu tranh với đối tượng, khai thác người làm chứng và khai thác các đồng phạm khác, các cơ quan tố tụng vẫn có đầy đủ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của đối tượng, và vẫn ứng với các khung, khoản tương ứng của BLHS để xử lý. Nếu quy định như Dự thảo, thì phải chăng tới đây chúng ta sẽ áp dụng 02 cách tính: đối với các vụ án không thu được ma túy thì tính theo khối lượng ma túy mà đối tượng khai nhận; còn đối với các vụ án thu được ma túy lại tính theo hàm lượng ma túy tinh chất rút ra từ số ma túy đã thu giữ được. Đây là mâu thuẫn rất lớn mà đến thời điểm hiện nay Dự thảo chưa tính tới.
 
Ví dụ: Vụ Nguyễn Bích Ngọc ở Quảng Ninh (Các cơ quan tố tụng chỉ thu giữ được 112 bánh Hêrôin, 1.100kg ma túy; nhưng qua đấu tranh, các đối tượng khai nhận đã buôn bán 22.700 bánh Hêrôin và 85.000 kg ma túy tổng hợp).
 
Thứ ba, 
 
Đánh tội phạm ma túy là đánh vào ý thức chủ quan của người phạm tội, đánh vào ý thức định gieo rắc hiểm họa cho toàn xã hội. Khi thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng không cần biết, không quan tâm đến ma túy tinh chất; các đối tượng chỉ quan tâm có bao nhiêu bánh ma túy, bao nhiêu tép ma túy. 
 
Tôi có thể lấy một ví dụ bất kỳ - Ví dụ: Tội vận chuyển trái phép chất ma túy (quy định tại Điều 250). Khi thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng chỉ quan tâm để thỏa thuận: vận chuyển bao nhiêu bánh ma túy? thời gian và địa điểm giao hàng? kinh phí được nhận. Mà không bao giờ có việc thỏa thuận vận chuyển bao nhiêu bánh ma túy – với hàm lượng ma túy tinh chất là bao nhiêu.
 
Vẫn báo cáo với Quốc hội, trên thực tế, ma túy tinh chất không thể có ở ngoài xã hội. Ma túy tinh chất chỉ có ở trong phòng thí nghiệm và trong các cơ sở giám định. Để có được ma túy tinh chất, phải do một tổ chức có thẩm quyền của Liên Hợp quốc cung cấp theo đề nghị của Việt Nam. Tất nhiên, hiện nay, chúng ta bắt đầu sản xuất thử ma túy tinh chất, nhưng trong 250 chất ma túy, thì chỉ mới bắt đầu làm thử được 8 mẫu và tất cả cũng đang chỉ là sự bắt đầu.
 
Thứ tư, về kinh nghiệm quốc tế
 
Chúng tôi chưa có điều kiện đọc hết BLHS của các nước trên thế giới, nhưng với những nước đã tiếp cận được, nghiên cứu được thì thấy rằng các nước đều quy định rõ trong luật là: “không tính theo hàm lượng ma túy tinh chất”. 
 
Tôi có thể lấy ví dụ quốc gia gần chúng ta đây – (là Trung Quốc), vừa ban hành BLHS vào năm 2015, tại Điều 357 quy định cụ thể như sau, tôi xin đọc nguyên văn: “Khối lượng ma túy được tính theo khối lượng thực tế buôn bán, vận chuyển, sản xuất, tàng trữ trái phép, mà không tính theo hàm lượng ma túy tinh chất”.
 
5. Kính thưa Quốc hội,
 
Với những vấn đề phức tạp nêu trên, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, các ngành tư pháp trung ương đã báo cáo Quốc hội tháo gỡ. Tại phiên họp thứ 36 của UBTVQH khóa XIII đã ban hành Thông báo kết luận số 804 trong đó nêu rõ “Giao cho các bộ, ngành chức năng sửa đổi các văn bản có liên quan nhằm bảo đảm yêu cầu đấu tranh triệt để và nghiêm khắc với tội phạm ma túy”.
 
Lựa chọn phương án nào, sẽ do Quốc hội thảo luận và quyết định Tuy nhiên, tôi xin đề nghị, đã đến lúc Quốc hội cần quy định rõ vấn đề này vào trong luật. Vì đây là vấn đề liên quan đến quyền sống, quyền chết của con người, liên quan đến sự an toàn của cả xã hội, mà bản thân giữa các ngành tư pháp đang không có sự thống nhất nhau. Đồng thời, trong bối cảnh Hiến pháp và Luật BHVBQPPL hiện nay không còn cho phép các cơ quan tư pháp trung ương hướng dẫn vấn đề này.
 
Quan  điểm cá nhân tôi: lựa chọn cách quy định như Luật của các nước “không tính theo hàm lượng ma túy tinh chất” mới là phù hợp.
 
Tôi xin hết, Xin cảm ơn Quốc hội!
 
ĐB. Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn)