"Về độ tuổi kết hôn từ đủ 18 tuổi trở lên với nữ là không thích hợp, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa thì “tròn 17 tuổi + 1 ngày có khi đã ế lắm rồi”, cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) Lê Hồng Sơn.
Dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi vừa được Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 6 thảo luận và đã thu hút sự quan tâm của nhiều Đại biểu Quốc hội.
Nên cho phép sống chung có đăng ký
Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 cấm kết hôn giữa hai người cùng giới tính. Tuy nhiên, Dự thảo Luật Sửa đổi đã bãi bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người đồng tính của Luật năm 2000 và thay bằng quy định mới, theo đó “Nhà nước không thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính”. Ngoài ra, Dự thảo còn bổ sung thêm các quy định nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh từ quan hệ chung sống giữa họ với nhau.
Giải thích về sự thay đổi trên, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) Dương Đăng Huệ cho rằng, cách xử lý như Dự thảo Luật là đi theo xu hướng chung của thế giới, với kinh nghiệm về tiến trình giải quyết vấn đề hôn nhân đồng tính mà nhiều nước trên thế giới đã trải qua.
|
Ông Hoàng Thế Liên, thứ trưởng Bộ tư pháp. |
Thực tiễn cho thấy, đối với những nước đã thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính (hiện mới có 16 nước công nhận) thì việc giải quyết cũng được thực hiện bằng một lộ trình với những bước đi phù hợp. Cụ thể là trước hết, Nhà nước bỏ quy định cấm, bỏ áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đối với quan hệ đồng tính, rồi sau đó mới thừa nhận việc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính dưới các hình thức pháp lý khác nhau và cuối cùng mới thừa nhận hôn nhân giữa họ.
Tại Hội thảo “Một số vấn đề về Dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi” do Bộ Tư pháp tổ chức vào chiều qua - 29/11 nhằm tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật này sau khi đã được Quốc hội cho ý kiến, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên cho biết, ban đầu ông cũng rất phản đối nếu thừa nhận quan hệ hôn nhân đồng giới. Tuy nhiên, qua tìm hiểu ông thấy rằng việc chung sống như vợ chồng giữa họ không phải là một “trò chơi ngông cuồng”, nó thực sự là một cách thức giải quyết nhu cầu của những con người mà tạo hóa đã tạo ra như vậy.
Trong khi đó, Luật Hôn nhân và Gia đình là một đạo luật liên quan trực tiếp đến quyền con người, và Hiến pháp sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua thì đặc biệt nhấn mạnh đến quyền con người. Vì vậy, Thứ trưởng Liên nhấn mạnh, đã đến lúc không thể cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính, không dùng biện pháp hành chính can thiệp vào quyền được sống chung của họ.
Đánh giá cao sự tiến bộ trong việc bãi bỏ quy định cấm, song ông Trương Hồng Quang (Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp) kiến nghị Dự thảo Luật nên có một điều riêng quy định về quyền kết hợp dân sự (sống chung có đăng ký) của cặp đôi đồng tính với những điều kiện nhất định về độ tuổi, có đầy đủ năng lực dân sự, đã sống chung với nhau ổn định trong một số năm nhất định.
“Việc cho phép sống chung có đăng ký sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Nhà nước xem xét, đánh giá quan hệ đồng giới một cách chính xác, có cơ sở hơn so với việc chỉ đưa ra quy định giải quyết hậu quả do việc sống chung không có đăng ký”, ông Quang lý giải.
Lo ngại tảo hôn nếu "siết" tuổi kết hôn của nữ
Một nội dung khác được nhiều đại biểu tham dự Hội thảo đề cập chính là việc sửa đổi quy định về độ tuổi kết hôn. Luật hiện hành quy định nam phải từ 20 tuổi trở lên, nữ phải từ 18 tuổi trở lên mới được quyền kết hôn, còn Dự thảo Luật sửa đổi theo hướng không phân biệt độ tuổi kết hôn tối thiểu của nam và nữ - đó là nam, nữ đủ 18 tuổi có quyền kết hôn.
Bà Bùi Thị Dung Huyền (Viện Khoa học xét xử, TANDTC) nhận xét, quy định như Dự thảo Luật đã khắc phục được khó khăn, vướng mắc của Luật năm 2000. Cụ thể, Điều 9 Luật năm 2000 quy định điều kiện về độ tuổi kết hôn của nam là từ 20 tuổi trở lên (tức tròn 19 tuổi + 1 ngày), nữ từ 18 tuổi trở lên (tức tròn 17 tuổi + 1 ngày).
Có điều, khi giải quyết những vụ việc ly hôn mà người vợ chưa đủ 18 tuổi thì quy định về độ tuổi kết hôn của Luật năm 2000 mâu thuẫn với quy định của pháp luật tố tụng dân sự về khả năng tham gia tố tụng của người vợ chưa đủ 18 tuổi này. Bởi về nguyên tắc, người chưa đủ 18 tuổi là người chưa thành niên, khi tham gia tố tụng phải có người đại diện, mà đối với vụ việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng, ảnh hưởng đến quyền lợi của họ và cả những người liên quan.
Tuy nhiên, bà Huyền mong muốn không quy định độ tuổi kết hôn của nam là từ đủ 18 tuổi trở lên mà nên giữ nguyên như quy định hiện hành. “Quy định độ tuổi kết hôn của nam, nữ hiện tại đang được thực thi ổn định và phù hợp với cuộc sống. Việc đảm bảo bình đẳng không có nghĩa là tuổi kết hôn của nam, nữ phải như nhau. Hiện nay, chưa có tài liệu khoa học nào chứng minh độ phát triển của hai giới khi ở độ tuổi thành niên là như nhau”, bà Huyền phân tích.
Đồng tình với bà Huyền, cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) Lê Hồng Sơn cho rằng, từ đủ 18 tuổi trở lên với nữ là không thích hợp, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa thì “tròn 17 tuổi + 1 ngày có khi đã ế lắm rồi”.
Ông Sơn dẫn chứng: Rất nhiều trường hợp đau xót là hai vợ chồng đang sống yên lành, bỗng một ngày người vợ phải bồng con đến nghe Tòa bỏ tù người chồng của mình về tội hiếp dâm trẻ em hay tội giao cấu với trẻ em. “Tuổi kết hôn của nữ kéo lên từ đủ 18 tuổi trở lên, thậm chí còn khiến gia tăng nạn tảo hôn”, ông Sơn lo ngại.
Theo Pháp luật Việt Nam