(BVPL) - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình thay mặt Thủ tướng Chính phủ báo cáo, làm rõ thêm những vấn đề thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trả lời chất vấn thuộc lĩnh vực phụ trách.

 


Phát huy trách nhiệm người đứng đầu

Trước câu hỏi của ĐB Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, Chính phủ sẽ có giải pháp và chỉ đạo như thế nào để tăng cường hơn nữa các hoạt động tư pháp, bổ trợ tư pháp, nhất là công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án để góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ hội nhập quốc tế của nước ta trong thời gian tới. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết: Trung ương đã có chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, trong đó có chỉ đạo nhiều giải pháp để tăng cường công tác cải cách tư pháp, xây dựng các cơ chế, thiết chế về hỗ trợ và bổ trợ tư pháp. Chúng ta đã tiến hành tổng kết 10 năm và đang triển khai tiếp. Đối với việc điều tra, truy tố, xét xử được quy định theo pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và cơ quan điều tra. Các bộ luật về tố tụng hình sự và hình sự đang được Quốc hội sửa đổi để ban hành. Ngoài ra, có các cơ chế bổ trợ khác như luật sư, chế định về Luật phá sản, quản tài viên, giám định..., nhiều cơ chế bổ trợ tư pháp.

Riêng đối với việc nâng cao chất lượng điều tra, truy tố, xét xử, trên tinh thần cơ bản phải làm đúng theo quy định của pháp luật, không làm oan người vô tội, cũng không để lọt tội phạm. Khi có hoạt động phạm tội xảy ra thì phải khởi tố điều tra làm rõ. Khi đã làm rõ thì áp dụng pháp luật theo quy định của các điều luật, nhưng đồng thời cũng có chính sách khoan hồng đối với người "cải tà quy chính", thành khẩn tự thú coi như lập công chuộc tội và trừng trị đối với những kẻ cầm đầu, chủ mưu. Tinh thần chung là như vậy, còn chất lượng điều tra có được nâng cao hay không thì cũng dựa trên cơ sở xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, vững mạnh.

Đội ngũ cán bộ điều tra, kiểm sát, thẩm phán phải là những người trên tinh thần được đào tạo một cách căn cơ, được giáo dục, rèn luyện về phẩm chất đạo đức, tư tưởng, lối sống và phải là những người đặt tinh thần phục vụ nhân dân, phụng công, thủ pháp, trung thực, khách quan, vô tư, liêm chính để thực thi công vụ đặc biệt của mình. Đây là công vụ đặc biệt liên quan đến quyền con người, quyền công dân, bảo vệ pháp luật, bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ Hiến pháp nên phải được đào tạo hết sức kĩ càng, căn cơ, bài bản và phải được rèn luyện trong môi trường kỉ luật, kỉ cương. Người đứng đầu ở các cơ quan phải phát huy trách nhiệm của mình và phải chịu trách nhiệm đối với các cán bộ tư pháp thực thi công vụ.

Trách nhiệm của chính quyền địa phương để khiếu kiện kéo dài

Trả lời câu hỏi của ĐB Ngọ Duy Hiểu (đoàn TP. Hà Nội) về giải pháp giảm khiếu kiện đông người và đơn thư khiếu nại, tố cáo, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhận xét: Có thể nói, tình hình khiếu kiện đông người kéo dài trong năm 2016 có giảm nhưng đầu năm 2017 có tăng nhẹ và tập trung chủ yếu là khiếu kiện về đất đai, về quy hoạch treo, rồi những vấn đề khác trong số nguyên nhân chính bà con khiếu kiện đông người là giải quyết về đất đai.

Việc khiếu kiện này cũng có một thời gian rất dài, có việc tồn tại hàng 20, 30 năm về trước, có những việc mới đây và chính quyền các cấp nhìn chung đã nỗ lực rất lớn để giải quyết. Tuy nhiên, còn một số vụ việc khi kéo dài, số này tỷ lệ chiếm không nhiều nhưng cứ dai dẳng và giải quyết không dứt điểm, một phần là trách nhiệm của chính quyền địa phương, một phần do những quy định của pháp luật chưa rõ ràng cho nên khó áp dụng, một phần nữa cũng có liên quan tới giải phóng mặt bằng, thu hồi làm các công trình liên quan tới quốc phòng, an ninh, không khiếu kiện nhiều nhưng liên quan đến các dự án xây dựng đô thị, các dự án kinh tế thì giá cả đền bù không phù hợp nên bà con khiếu kiện.

Qua thanh tra giải quyết các vụ này thì thấy nổi lên một vấn đề là chưa giải quyết hài hòa lợi ích trong việc thu hồi đất giữa Nhà nước, người dân với nhà đầu tư, luật pháp cũng chưa có quy định đầy đủ, chưa rõ ràng. Những nhà đầu tư có lương tâm, có trách nhiệm đứng ra giải quyết với dân một cách sòng phẳng thì công trình rất thuận lợi, nhưng khi có những dấu hiệu chính quyền ưu ái cho nhà đầu tư, cuối cùng sẽ dẫn đến khiếu kiện đông người, đó là một vấn đề thực tế đã xảy ra. Có nhiều vụ việc khi đền bù cho người dân với giá rẻ, mục đích ban đầu để thu hồi đất sau đó chuyển đổi thành mục đích khác, giá trị gia tăng cao và nhà đầu tư hưởng lợi, người dân không đồng tình và người dân khiếu kiện. Nếu chính quyền giải quyết một cách hết sức công tâm thì xử lý được, nếu không công tâm thì không giải quyết được và phải qua thanh tra, kiểm tra, làm lên, làm xuống, giải quyết đi, giải quyết lại...

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ lấy ví dụ, người dân đã ở ổn định trước ngày 15/10/1993 thì được cấp giấy phép sử dụng nhưng không xác định để người dân được cấp giấy phép, thu hồi thì không bồi thường mà chỉ hỗ trợ. Một cái chợ dân sinh người dân đã sinh hoạt, buôn bán, làm ăn ở đây 20-30 năm nhưng khi giải tỏa thì không tính quyền lợi của người dân đã hình thành được quyền sử dụng đất và sạp chợ của mình. “Đấy là những vấn đề khi thanh tra làm rõ thì thấy rõ những vấn đề này và phải xử lý lại để đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân và lợi ích của nhà đầu tư thì tình hình giải quyết được”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngoài ra, về chính sách pháp luật, thể chế, phải tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Luật Đất đai và những quy định cụ thể, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, có chế tài xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, nếu không thực hiện đầy đủ Luật Tiếp công dân, rồi giải quyết khiếu nại, tố cáo và đùn đẩy, né tránh trách nhiệm để cho người dân bức xúc kéo dài thì phải xử lý trách nhiệm.

Xử lý nghiêm các trường hợp bổ nhiệm sai

Đối với câu hỏi của ĐB Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên) hỏi về sai phạm trong quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ là người nhà, người thân, việc xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển thì phải xử lý vấn đề này như thế nào? Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho biết, thời gian qua, báo chí đã phản ánh lãnh đạo một số địa phương tuyển dụng, bổ nhiệm người nhà vào những vị trí do đơn vị mình phụ trách, gây nên những phản ứng trong dư luận. Với quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phát triển, hành động, phục vụ người dân, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung làm tốt công tác, chức năng, nhiệm vụ được giao trên tinh thần phục vụ và giao cho Bộ Nội vụ căn cứ chức năng, nhiệm vụ kiểm tra các vụ việc báo chí đã phản ánh và tiến hành thanh tra công vụ. Bộ Nội vụ cũng đã khẩn trương thực hiện kiểm tra, rà soát tại 11 địa phương. Qua đó cũng đã phát hiện một số sai phạm trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức. Đối với vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo xử lý nghiêm, yêu cầu thu hồi những quyết định trái pháp luật, xem xét miễn nhiệm chức vụ hoặc chấm dứt hợp đồng đối với những trường hợp qua kiểm tra phát hiện đã có sai phạm. Kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý đối với các tổ chức, cá nhân sai phạm theo quy định của pháp luật.

Tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ là yêu cầu các bộ, ngành, các cấp tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức cán bộ, trước mắt tập trung vào việc thực hiện các quy định về tuyển dụng, nâng ngạch công chức, thăng hạng công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức, bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo quản lý và thanh tra, kiểm tra tối thiểu là 30% các đơn vị trực thuộc trong năm 2017. Trên tinh thần Chính phủ có những chỉ đạo hết sức quyết liệt, kiên quyết như thế.
 

Ngọc Đức

.