(BVPL) - Góp ý về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi), tại nhiều tổ, nhiều đại biểu (ĐB) đều bày tỏ không đồng ý với hình thức tố cáo nặc danh.
ĐB Đào Tú Hoa (Hà Nội) chỉ đồng ý hình thức tố cáo bằng đơn hoặc trực tiếp vì nó xác định được trách nhiệm pháp lý của người tố cáo, tránh tình trạng tố cáo tràn lan hay lợi dụng tố cáo để cung cấp thông tin sai sự thật, ảnh hưởng đến danh dự của người bị tố cáo. Các hình thức tố cáo khác như qua điện thoại, thư điện tử, bà Hoa đề nghị chỉ nên coi là kênh tiếp nhận thông tin để tham khảo.
Riêng với tố cáo nặc danh, ĐB Hoa cho rằng đồng tình với dự thảo Luật là không nên xem xét. Dẫn báo cáo của Thanh tra Chính phủ, ĐB Hoa cho rằng, trong tổng số hơn 90% số đơn thư có danh, qua giải quyết cho thấy gần 60% trong số này là đơn tố cáo sai. “Việc chấp nhận đơn tố cáo nặc danh sẽ tạo tiền lệ xấu cho những đối tượng thiếu tinh thần xây dựng, tiếp diễn tình trạng tố cáo tràn lan. Chưa biết đúng sai thế nào nhưng đơn tố cáo nặc danh làm ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, danh dự cá nhân, gây mất đoàn kết trong đơn vị, bởi thông thường đơn nặc danh thường được tung ra vào thời điểm nhạy cảm, ảnh hưởng xấu đến cá nhân, tổ chức, xã hội”- bà Hoa bày tỏ.
ĐB Nguyễn Chiến (Hà Nội), Phó Chủ nhiệm Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cũng đồng ý hình thức tố cáo bằng đơn và trực tiếp để tránh tình trạng lợi dụng tố cáo tràn lan, sai sự thật, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của người bị tố cáo, cơ quan bị tố cáo.“Nếu đồng ý gửi đơn tố cáo qua thư điện tử, điện thoại thì sẽ khó khăn trong việc giải quyết, vì vậy không nên đưa vào luật”- ông Chiến nói.
Về tố cáo nặc danh, vị đại biểu đồng thời là luật sư cho rằng trong thực tiễn, có rất nhiều tố cáo nặc danh làm ảnh hưởng uy ín của nhiều tập thể, cá nhân. “Người bị tố cáo thì có danh, người đi tố cáo thì không có danh. Do đó, người tố cáo phải có danh chính và phải chịu trách nhiệm với đơn tố cáo của mình. Còn tố cáo nặc danh có cơ sở, kèm theo chứng cứ thì có thể coi đó là tin báo tội phạm để xem xét của cơ quan có thẩm quyền chứ không nên đưa vào luật này”- ĐB Nguyễn Chiến bày tỏ. ĐB Chiến cũng đồng ý với việc cần phải có quy định rõ ràng để có cơ chế bảo vệ người tố cáo nhằm bảo đảm được an toàn tính mạng, tinh thần của người tố cáo và gia đình họ.
Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Hữu Chính, Chánh án Tòa án nhân dân TP Hà Nội, cho rằng hình thức tố cáo có thể bằng nhiều con đường như: trực tiếp, bằng đơn, qua fax, email, qua điện thoại đều hợp pháp. Điều này phù hợp với một số luật như: Luật phòng, chống tham nhũng...
Về tố cáo nặc danh, ĐB Chính cho rằng, về nguyên tắc không xem xét đơn tố cáo nặc danh. Tuy nhiên, nếu tố cáo nặc danh mà có những nội dung, chứng cứ xác đáng (hình ảnh, ghi âm…) thì nên được xem xét bởi nhiều khi họ sợ bị trả thù, sợ không được đảm bảo về quyền lợi hoặc bị đe doạ tính mạng, sức khoẻ nên họ phải nặc danh.
Về bảo vệ người tố cáo, ĐB Chính cho rằng dự thảo còn nói rất chung chung, chưa xác định cơ quan nào chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ người tố cáo; chưa làm rõ cơ chế phối hợp. “Tôi cho rằng đây là điều quan trọng nhất. Chúng ta muốn người ta tố cáo để tìm ra sự thật khách quan thì điều đầu tiên phải bảo vệ người tố cáo. Nếu không có quy định rõ ràng thì sẽ có thể nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ của người tố cáo”- ĐB Chính bày tỏ, đồng thời đề nghị để cơ quan Công an là lực lượng bảo vệ người tố cáo.
Theo ĐB Bùi Đặng Dũng (Kiên Giang), điều mà mọi người tố cáo mong muốn nhất là những vấn đề mà họ tố cáo có đến được đến cơ quan xử lý và đối tượng bị tố cáo bị đưa ra ánh sáng. Người tố cáo đều nơm nớp lo lắng sợ hãi bị trả thù. “Trong dự thảo Luật này, rất mừng vì đặt vấn đề bảo vệ, chế độ cho người ta nhưng xong tất cả tôi lại thấy rất lo lắng, bởi đọc như vậy thôi nhưng tính khả thi còn nhiều vấn đề. Một vấn đề tôi xin trao đổi là bây giờ nhìn lại những người tố cáo, điểm mặt chỉ tên lại những người có công tố cáo sai phạm hiện nay thì đều có cuộc sống không ổn định, yếu tố tác động, tâm lý, tư tưởng, tình cảm, gia đình, vợ con họ đều chịu sức ép dư luận rất lớn.
Ở cơ quan, đơn vị thì người tố cáo đó luôn luôn có nỗi ám ảnh của đồng nghiệp là coi chừng vị này chuyên tố cáo, về bà con, làng xã bị lãnh đạo xã, thôn, bản, ấp coi chừng là đối tượng có vấn đề chuyên thưa kiện. Những người này không chơi được với ai và gần như bị cô lập. Dư luận xã hội làm thế nào để tôn vinh người có công này thì chưa làm được.
Vụ đất đai ở Hải Phòng, đại tá về hưu tố cáo giờ thế nào, hay gần đây nhất, hai cụ Nguyễn Công Uẩn, Nguyễn Tiến Lãng ở Bắc Ninh phát hiện giúp cơ quan chức năng gần 3.000 bộ hồ sơ thương binh giả, đang đề nghị khen tặng nhưng mãi vẫn chưa khen tặng. Hai cụ này đều là cựu chiến binh, hơn 80 tuổi và nếu đọc bài báo sẽ rớt nước mắt vì cuộc sống bị đầy đọa bởi chính quyền xã, các đối tượng thương binh giả đánh đập, tra tấn, gia đình phải đi trốn vì bị đe dọa. Ngay tại Bắc Ninh sát Hà Nội mà việc sờ sờ như vậy, các cựu chiến binh thực sự còn bị đe dọa như thế thì những người khác sẽ như thế nào. Cho nên cơ chế bảo vệ người tố cáo là rất quan trọng”.
Ngọc Đức