Rất cương quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển phân tích: “Phế gọi là bỏ. Người ta đã bỏ đi rồi, vậy thì chúng ta nhập về làm gì; cả những phế liệu không tiêu hủy được”! Theo ông, Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) lần này cần cân nhắc trước nguy cơ “chúng ta sẽ biến thành bãi rác thải của thế giới”.
 
 
Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được đưa ra lấy ý kiến tại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hôm qua, đã đưa ra tới 17 hành vi bị nghiêm cấm, từ việc cấm chôn lấp chất độc, chất phóng xạ cho đến cấm nhập khẩu, quá cảnh chất thải từ nước ngoài dưới mọi hình thức. Tuy nhiên, xung đột lợi ích giữa một bên là nhu cầu nguyên liệu giá rẻ và một bên là bảo vệ môi trường trong các quy định cho phép nhập phế liệu đã làm đau đầu các nhà làm luật.
 
Theo dự thảo, phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất bao gồm: Kim loại và hợp kim, giấy, thủy tinh và nhựa. Dự luật cũng đưa ra yêu cầu phế liệu nhập khẩu phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường; có quy định chặt chẽ về danh mục phế liệu được nhập khẩu và điều kiện kinh doanh, nhập khẩu phế liệu.
 
Là người phát biểu đầu tiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển rất cương quyết: "Người ta đã bỏ đi rồi, vậy thì chúng ta nhập về làm gì”. Dẫn một số quy định trong luật, ông Hiển cho rằng, luật đang nói “rất rộng” tới nguyên phế liệu, trong đó có cả những phế liệu không tiêu hủy được.
 
Không phải trước nay không có quy định cấm nhập đối với một số phế liệu, nhưng theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, vẫn còn tình trạng các DN cứ nhập về, bị phát hiện thì bỏ trốn và riêng việc xử lý thế nào với phế liệu, đặc biệt các chất nguy hại không thể chôn cất cũng là “rất phức tạp”.
 
“Cần cân nhắc, chứ không chúng ta sẽ biến thành bãi rác thải của thế giới”- ông Hiển nói.
 
Cần một "hàng rào" kỹ thuật
 
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu thì nêu quan điểm “không khuyến khích nhập”, nhưng “cần phải xem lại các cam kết hội nhập”. “Đó không phải là hàng quốc cấm”- Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nói. Hơn nữa, phế liệu nhập vào giá rẻ hơn chính liệu nên người ta mới nhập. Giải pháp - theo ông Giàu- là quy định rõ các hàng rào kỹ thuật để một mặt bảo vệ được môi trường, mặt khác vẫn tuân thủ các cam kết quốc tế, đồng thời đáp ứng nhu cầu nguyên liệu giá rẻ cho nền kinh tế.
 
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH Ksor Phước - ngay trong câu phát biểu đầu tiên - đã cho rằng “Luật nói đến biển, đến nước, nhưng không nói gì đến bảo vệ môi trường rừng”. Ông kể lại chuyến công tác Kon Tum “có những xã 158.000ha, rộng gấp đôi Bắc Ninh", đúng là cần phải chia tách, nhưng nếu không khéo sẽ mất luôn rừng nguyên sinh cũng như không gian văn hóa tự nhiên, trong khi môi trường rừng liên quan trực tiếp đến việc làm suy thoái đất. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng lưu ý tới những quy định về tiếng ồn như là một yếu tố xâm hại môi trường.
 
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thì lại băn khoăn về quy định kỳ hạn 10 năm. “Trong khi vòng đời của các dự án lớn thường dài hơn nhiều. Các quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển đô thị cũng có kỳ hạn 20 năm, tầm nhìn tới 30 năm mà quy hoạch bảo vệ môi trường lại chỉ có kỳ hạn 10 năm thì việc đánh giá tác động môi trường tính như thế nào?” - ông nêu vấn đề.
 
Ngày mai, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về báo cáo đánh giá, rút kinh nghiệm việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/2012/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
 
Theo Lao động