Từ những vụ cháy, nổ xảy ra trên cả nước, cũng như tại Bình Thuận thời gian gần đây cho thấy vai trò, trách nhiệm của từng hộ gia đình, mỗi tổ chức, cá nhân là đặc biệt quan trọng trong công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC)…

 


Số vụ cháy, nổ đều tăng

Để hạn chế thấp nhất xảy ra cháy, nổ và làm giảm thiệt hại khi xảy ra cháy, Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh đã xây dựng 14 kế hoạch kiểm tra công tác PCCC. Theo đó, hơn 1.600 cơ sở có nhiều nguy cơ về cháy, nổ đã được kiểm tra. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện và kiến nghị khắc phục hơn 3.400 thiếu sót về PCCC; lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 294 vụ (cảnh cáo 1 vụ, phạt tiền 293 vụ với tổng số tiền hơn 540 triệu đồng).

Tuy nhiên, tình hình cháy, nổ trên địa bàn tỉnh lại có biểu hiện gia tăng. Từ ngày 16/11/2013 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 44 vụ cháy và 2 vụ nổ làm 1 người chết, 3 người bị thương, thiệt hại về tài sản hơn 5 tỷ đồng. So với cùng kỳ, số người chết và bị thương do cháy, nổ gây ra không tăng không giảm, thiệt hại về tài sản tuy giảm nhưng số vụ cháy lại tăng 8 vụ, số vụ nổ tăng 2 vụ. Nguyên nhân các vụ cháy, nổ chủ yếu do rò rỉ khí gas, sự cố hệ thống điện, sơ suất khi sử dụng lửa, điện. Gần đây nhất là vụ cháy xảy ra ngày 5/8/2014, tại một xưởng chế biến cá khô ở phường Phước Hội (thị xã La Gi) làm thiệt hại hơn 100m2 nhà xưởng, 5,5 tấn cá khô, cùng nhiều vật dụng có giá trị khác. Nguyên nhân vụ cháy được xác định do sơ suất trong quá trình sấy cá bằng than tổ ong, tàn than bay vào các vỉ phơi cá gây cháy.

Khu dân cư, hộ gia đình là  nơi dễ xảy ra cháy, nổ

Có thể khẳng định: Công tác PCCC tuy đã được các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả, nhưng vẫn còn một số địa phương, cơ quan, doanh nghiệp và người dân chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của PCCC. Công tác tuyên truyền, kiểm tra về PCCC chưa được tiến hành thường xuyên, chưa quyết liệt và triệt để.

 Thiếu tá Phạm Văn Toán – Đội trưởng Đội Hướng dẫn – Kiểm tra an toàn PCCC (Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh) cho biết: Trên thực tế, các khu dân cư và hộ gia đình là những nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy, nổ nhất. Vì vậy, trong công tác PCCC thì người dân phải là chủ thể. Để hạn chế xảy ra cháy, nổ, khi sử dụng các thiết bị nhiệt, gas mỗi người dân cần tuân thủ đầy đủ các quy định về PCCC; khi xây dựng nhà ở (cao tầng) nên có lối thoát hiểm. Tại các doanh nghiệp thì người đứng đầu phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, cần tự giác tổ chức kiểm tra công tác PCCC tại doanh nghiệp mình. Song song đó, Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức kiểm tra PCCC, trong đó trọng tâm là những cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao. Đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm, tập trung làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu mỗi cơ quan, tổ chức khi có những vi phạm nghiêm trọng về PCCC…

 

Theo Báo Bình Thuận

.