leftcenterrightdel
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30, khai mạc ngày 13/8/2018 tại Hà Nội. 

Kiến tạo cơ hội hợp tác cụ thể cho các địa phương

Một ngày đầu tháng 6/2018, tại Trụ sở Bộ Ngoại giao, diễn ra cuộc làm việc giữa Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, đại diện nhiều đơn vị của Bộ với Lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Thái Nguyên về công tác đối ngoại và nhất là phối hợp tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư lần đầu tiên tại Thái Nguyên.

Cuộc họp đặc biệt vì đây là lần đầu tiên nhiều đơn vị của Bộ Ngoại giao cùng lúc tham gia hỗ trợ một địa phương tổ chức sự kiện nhằm quảng bá tiềm năng, thế mạnh và chính sách thu hút đầu tư; đồng thời thể hiện sự cầu thị, cách làm bài bản của một trong những địa phương đang vươn lên mạnh mẽ, hướng tới sớm tự cân đối ngân sách.

Những cuộc gặp gỡ, trao đổi, đào tạo giữa Bộ Ngoại giao và các địa phương như trên là một phần nhiệm vụ không thể thiếu của các nhà ngoại giao hiện đại trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, trong đó các địa phương và doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng và là trung tâm của hoạt động hỗ trợ.

Theo Cục trưởng Cục Ngoại vụ Nguyễn Hoàng Long, quán triệt tinh thần “hứa là phải làm, không hứa suông”, Bộ Ngoại giao đã hết sức đồng hành, phối hợp, kết nối hiệu quả trong tiến trình hội nhập quốc tế của các địa phương.

Trong thời gian vừa qua, các đơn vị trong Bộ đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương tổ chức hàng chục hội nghị, tọa đàm trong chuỗi hoạt động “Gặp gỡ Đại sứ - Meet Ambassador”, “Quảng bá địa phương – Viet Nam Provincial Roadshow”, “Giới thiệu địa phương – Province Presentation” cũng như các hoạt động tham dự diễn đàn đa phương dành cho địa phương; các hoạt động quảng bá địa phương tại nước ngoài nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm hiệu quả, thiết thực trong công tác tổ chức các đoàn đi công tác nước ngoài.

Bên cạnh đó, Cục Ngoại vụ và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã thu xếp, hỗ trợ nhiều đoàn địa phương sang tìm hiểu thị trường, tìm kiếm đối tác, thiết lập quan hệ hợp tác, kết nghĩa, xúc tiến đầu tư - thương mại với các địa phương sở tại; hỗ trợ địa phương thẩm định năng lực các đối tác dự định hợp tác làm ăn với địa phương.

Từ sau Hội nghị Ngoại vụ địa phương lần thứ 18 năm 2016, các địa phương đã ký kết trên 420 thỏa thuận quốc tế cấp độ địa phương với các địa phương, đối tác và doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các thỏa thuận với các địa phương nước ngoài.

Trong khuôn khổ các chuyến thăm cấp cao, Việt Nam đã đẩy mạnh lồng ghép các nội dung hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, lao động, du lịch… ký kết nhiều thỏa thuận, hợp đồng kinh tế trực tiếp, đồng thời trực tiếp xử lý và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tiếp tục vận động các nước công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, đưa tổng số  đối tác công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường lên con số 71.

Lần đầu tiên trong lịch sử 30 kỳ Hội nghị Ngoại giao, Bộ Ngoại giao đã tổ chức tọa đàm giữa trưởng các cơ quan đại diện với cộng đồng doanh nghiệp (tháng 7/2018) để nắm bắt nhu cầu và tìm giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp một cách thiết thực, trực tiếp và hiệu quả nhất.

Ngành ngoại giao cũng đã tích cực tư vấn, thông tin tới nhiều địa phương trong nước về chính sách kinh tế, thương mại và đầu tư của các nước, các doanh nghiệp nước ngoài; thúc đẩy địa phương, doanh nghiệp và các nước thăm, tìm hiểu cơ hội hợp tác tại các địa phương của Việt Nam…

Đất nước hội nhập sâu rộng và toàn diện đồng nghĩa với việc các địa phương, doanh nghiệp có thể nắm bắt và hiện thực hóa một cách tối ưu những cơ hội bằng cách tiếp cận chuyên nghiệp, bài bản và năng động. Trong tiến trình ấy, cán bộ ngành ngoại giao nắm rõ lợi ích dân tộc và vị thế đất nước, cùng với các địa phương chủ động tìm ra mẫu số chung giữa nước ta với các đối tác để tập trung tận dụng, khai thác, mang lại những lợi ích thiết thực.

Kiến tạo môi trường hòa bình cho phát triển

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng chỉ rõ: “Ngoại giao phải đi trước, giữ nước từ xa, bảo vệ hòa bình từ ngoài biên giới và không mơ hồ, chủ quan, mất cảnh giác”.

Thấm nhuần những quan điểm đó, ngành ngoại giao đã hết sức chủ động trong các mối quan hệ bang giao, từ song phương cho đến đa phương, một cách bài bản, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần tạo dựng cục diện đối ngoại ngày càng thuận lợi cho đất nước phát triển.

Ở khía cạnh song phương, Việt Nam tiếp tục hoàn tất khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với các nước có vai trò, vị thế quan trọng trên thế giới. Trong đó, Australia và Hungary đã lần lượt trở thành đối tác chiến lược, đối tác toàn diện mới nhất của Việt Nam, nâng tổng số đối tác ở cấp độ này lên con số 28, đáng chú ý, 2/3 số quan hệ đối tác chiến lược được thiết lập sau Đại hội Đảng lần thứ XI.

Về biên giới trên bộ, Việt Nam đã phối hợp triển khai hiệu quả công tác quản lý biên giới và cửa khẩu theo các Hiệp định, thỏa thuận đã ký với Trung Quốc, Lào và Campuchia; thúc đẩy hợp tác biên giới, liên cửa khẩu và thể chế hóa hơn nữa công tác quản lý đường biên giới.

Đẩy mạnh các cơ chế trao đổi, làm việc với Trung Quốc để triển khai Hiệp định hợp tác khai thác và bảo vệ tài nguyên du lịch thác Bản Giốc, đồng thời mở và nâng cấp cửa khẩu biên giới, thúc đẩy xây dựng các công trình kết nối giao thông qua biên giới.

Việt Nam đã cùng với Lào đẩy mạnh triển khai Thỏa thuận cấp Chính phủ về người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới; cùng Campuchia tập trung xử lý các vấn đề liên quan nhằm bảo đảm xây dựng và hoàn thiện 2 văn kiện pháp lý hóa 84% thành quả công tác phân giới cắm mốc đã đạt được, phối hợp chặt chẽ về quy hoạch và phát  triển hệ thống cửa khẩu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư và thương mại giữa hai nước.

Về biên giới trên biển, Việt Nam đã  đẩy mạnh trao đổi và làm việc ở các cấp và các cơ chế về phân định vùng đặc quyền kinh tế với Indonesia; báo cáo chung ranh giới thềm lục địa quá 200 hải lý với  Malaysia; tiếp tục triển khai các cơ chế họp Nhóm công tác ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, Nhóm công tác hợp tác cùng phát triển và Nhóm công tác về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm giữa Việt Nam và Trung Quốc…

Trên khía cạnh đa phương, ngành ngoại giao đã khẳng định năng lực của mình qua việc Việt Nam trúng cử và đảm nhận những trọng trách tại các cơ chế đa phương quan trọng như đảm nhiệm vai trò Tổng Thư ký, Phó Tổng Thư ký ASEAN; Chủ tịch Đại hội đồng Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới; Tổng Thư ký thứ 7 của Kế hoạch Colombo; thành viên Ủy ban Luật Thương mại quốc tế của Liên Hợp Quốc…

Đặc biệt, Việt Nam đã là chủ nhà của một loạt các sự kiện đa phương được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, trong đó có Tuần lễ cấp cao APEC 2017 và Diễn đàn Kinh tế thế giới về Việt Nam năm 2018…. Chỉ nhìn qua những con số thống kê của Năm APEC 2017 và Năm APEC 2018 cũng đủ thấy mức độ thành công của Năm APEC Việt Nam 2017.

Việt Nam cũng đã và đang tham gia tích cực vào các hoạt động gìn giữ hòa bình và trở thành ứng viên duy nhất của Nhóm châu Á-Thái Bình Dương vào vị trí thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021, qua đó khẳng định mong muốn cháy bỏng muốn đóng góp vào việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định trên phạm vi toàn cầu.

Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, khi trở thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, “có nghĩa chúng ta không chỉ quan tâm tới vấn đề của chúng ta, vấn đề của khu vực mình mà đã tham gia vào vấn đề toàn cầu, có trách nhiệm với các vấn đề toàn cầu, nhất là với an ninh, hòa bình, chiến tranh của các nước trên thế giới”.

Những thành công nối tiếp thành công trên mặt trận ngoại giao đa phương phản ánh sự trưởng thành vượt bậc của ngành ngoại giao, đồng thời phản ánh vị thế của một Việt Nam được cộng đồng quốc tế coi trọng-nói cách khác đó là tín nhiệm quốc gia.

Gần đây nhất, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã thông báo sự kiện Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần thứ hai dự kiến sẽ diễn ra tại Việt Nam vào cuối tháng 2/2019. Có thể coi đây là một minh chứng rõ nét về vai trò, vị thế của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Cháy bỏng khát vọng Việt Nam

 Nếu như các bậc tiền nhân luôn duy trì khát vọng không cam chịu sống kiếp nô lệ thì ngày nay mỗi con người Việt Nam, trong đó có các nhà ngoại giao, cũng mong muốn chứng tỏ khát vọng cùng chung tay xây dựng quốc gia cường thịnh trên nguyên tắc bất di bất dịch là lợi ích quốc gia dân tộc.

Để làm được điều đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng đúc kết hành trang của nhà ngoại giao ngày nay trong 10 chữ:  “Đúng vai, thuộc bài, bản lĩnh, trí tuệ, khôn khéo”.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng, “đúng vai” là làm đúng chức trách nhiệm vụ, đúng chức năng quyền hạn, đúng phận sự của mình. Cụ thể là phải làm gì, ứng xử thế nào trong đối nội, đối ngoại, xây dựng nội bộ cơ quan, giữ gìn cộng đồng.

“Thuộc bài” là phải có kiến thức, hiểu biết, nắm cho vững, cho chắc, cho nhuần nhuyễn đường lối, quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước một cách toàn diện, đặc biệt là về đối ngoại.

Bên cạnh đó, còn phải nắm rất chắc đặc điểm, tình hình thực tế, địa lý, lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán của địa bàn để luôn ứng xử  ở tư thế chủ động, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước căn dặn. Đồng thời, cần hiểu rõ trong nước đang cần gì, bên ngoài có gì, từng năm công tác trong nhiệm kỳ sẽ làm gì, trọng tâm thế nào.

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, có kiến thức rồi sẽ có bản lĩnh để không bị lung lạc, không bị mua chuộc, để kiên định đường lối độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội, vì lợi ích quốc gia dân tộc, vì lợi ích của nhân dân.

Những thành tựu của đất nước nói chung, của ngành ngoại giao nói riêng sẽ là cơ sở quan trọng, tiếp thêm động lực để mỗi cán bộ ngoại giao thêm tin tưởng sâu sắc vào tiền đồ của đất nước, nỗ lực góp sức đưa đất nước vươn lên sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong ước.

Theo Hải Minh/Chinhphu.vn