(BVPL) - Dự thảo BLTTHS (sửa đổi) lần này có nhiều điểm mới, tiến bộ, được các chuyên gia và dư luận đánh giá cao. Xung quanh vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Nguyễn Thái Phúc (ảnh dưới) , nguyên Giám đốc Học viện Tư pháp, một trong những chuyên gia luật hàng đầu về hai nội dung: Những biện pháp cưỡng chế và giới hạn xét xử trong Dự thảo.
Đối với quy định về những biện pháp cưỡng chế, Dự thảo có nhiều đổi mới về biện pháp cưỡng chế như: thu hút toàn bộ các biện pháp cưỡng chế quy định trong các chương, các phần của BLTTHS để điều chỉnh chung trong chương VI nhằm bảo đảm tính thống nhất, chặt chẽ khi quy định về các biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân. Theo đó, đặt tên chương là Những biện pháp cưỡng chế tố tụng và bố cục thành hai mục (Mục I: Những biện pháp ngăn chặn và Mục II: Những biện pháp cưỡng chế khác, bao gồm: (1) Bắt buộc phải có mặt theo giấy triệu tập; (2) Áp giải; (3) Dẫn giải; (4) Kê biên tài sản; (5) Phong tỏa tài khoản). Trong đó, từng biện pháp cưỡng chế đều quy định đủ năm yếu tố: căn cứ áp dụng, thẩm quyền quyết định, trình tự, thủ tục và thời hạn tiến hành.
Với góc nhìn chuyên gia, PGS.TS Nguyễn Thái Phúc cho rằng, ông hoàn toàn ủng hộ cách giải quyết của dự thảo, nó thể hiện sự tiến bộ ở hai khía cạnh: Thứ nhất, về nhận thức: đã có bước phát triển. Trước kia là biện pháp cưỡng chế nhà nước nhưng không gọi đúng tên nó mà quy định rải rác ở những phần khác của BLTTHS nhưng giờ đã gọi đúng tên nó. Thứ hai, về mặt kỹ thuật lập pháp, trong phần đầu của dự thảo đã có hẳn 1 chương, trong đó chia làm hai loại. Điều này tạo thuận lợi khi theo dõi và dễ hiểu hơn so với BLTTHS hiện hành.
Đối với nội dung giới hạn xét xử, có thể nói, trong quá trình soạn thảo có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh vấn đề này.
Loại ý kiến thứ nhất cho rằng: để bảo đảm nguyên tắc có truy tố mới có xét xử và phán quyết của Tòa án phải trên cơ sở kết quả xét hỏi, tranh tụng và những chứng cứ đã được kiểm tra công khai tại phiên tòa, Dự thảo cần giữ nguyên quy định hiện hành: Tòa án xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố. Tòa án có thể xét xử bị cáo về tội danh khác bằng hoặc nhẹ hơn tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố. Đồng thời bổ sung quy định, trường hợp có căn cứ để xét xử bị cáo về tội danh khác nặng hơn tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại. Nếu Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn nhưng quá trình xét xử phải bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo và tuân thủ các quy định khác của BLTTHS.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng: Để bảo đảm nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập, chỉ tuân theo pháp luật, phán quyết của Tòa án phải trên cơ sở kết quả xét hỏi, tranh tụng tại phiên tòa, cần sửa giới hạn xét xử theo hướng: Tòa án chỉ xét xử những bị cáo và những hành vi mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa ra xét xử.
Theo PGS. TS Nguyễn Thái Phúc, Dự thảo thiết kế theo hai phương án. Phương án thứ nhất là rất tốt vì đã quy định giới hạn xét xử rõ ràng hơn, khắc phục hạn chế của Điều 196 hiện hành. Cá nhân ông ủng hộ phương án này vì “đây là quy định rất tiến bộ”.
Về phương án hai, ông cho rằng, đây là phương án được thiết kế theo ý kiến của bên Tòa án (TA), TA xét xử theo các hành vi mà VKS truy tố chứ không bị ràng buộc bởi tội danh. Đây là vấn đề có cội nguồn sâu xa. Ông phân tích: Trong lịch sử áp dụng BLTTHS, quy định về giới hạn xét xử tại Điều 170 (BLTTHS năm 1988) và sau này là Điều 196 (BLTTHS hiện hành) trong đó quy định TA chỉ xét xử những bị cáo và những tội danh mà VKS truy tố. Điều 196 có một bước thụt lùi cho phép TA có thể xử khác với truy tố của VKS nếu trong cùng một điều luật (khác khoản nếu trong cùng 1 điều luật). Tuy nhiên, quan điểm và lập luận của TA từ trước đến nay cho rằng: quy định như vậy trói buộc các Thẩm phán, làm cho họ không có độc lập khi thực hiện chức năng xét xử của mình, họ bị lệ thuộc vào truy tố của VKS. Cho nên, dù quan điểm, niềm tin nội tâm của họ khác với truy tố của VKS nhưng họ không được xử khác, không được xử theo niềm tin nội tâm, không bảo đảm nguyên tắc xét xử độc lập của Thẩm phán.
Tuy nhiên, PGS. TS Nguyễn Thái Phúc cũng cho rằng, chúng ta phải xuất phát từ mối quan hệ của 3 chức năng cơ bản trong BLTTHS: buộc tội, bào chữa, xét xử. Mỗi chức năng có tính độc lập riêng của mình, 3 chức năng này lại có quan hệ hài hòa với nhau. Giới hạn xét xử này chính là Điều luật xử lý mối quan hệ hài hòa của 3 chức năng này. VKS là cơ quan được Nhà nước giao cho chức năng công tố, thay mặt Nhà nước để truy tố bị can ra trước TA để xét xử. “Đã truy tố thì phải là những cá nhân, tội danh cụ thể, chứ không thể là hành vi chung chung, con người chung chung”- PGS. TS Nguyễn Thái Phúc bày tỏ quan điểm.
Đối với bên bào chữa cũng vậy. Chức năng của họ là phản biện, bác bỏ buộc tội của VKS, để giảm nhẹ tội, phủ nhận trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội. Khi thực hiện chức năng này, họ cũng phải biết những con người cụ thể và cũng phải biết bị buộc tội về những tội danh gì để có hướng bào chữa. Cho nên không thể buộc tội mà không kèm theo tội danh cụ thể.
Đối với TA, thực hiện chức năng xét xử. Chức năng này chỉ xuất hiện khi có buộc tội của VKS. Không có truy tố, buộc tội của VKS chuyển sang thì không có chức năng xét xử. TA là người ở giữa, xét xử khách quan. Trách nhiệm của TA là đưa ra phán quyết của mình theo những gì VKS truy tố và bào chữa, tranh tụng tại Tòa của VKS và bên bào chữa để đưa ra phán quyết. TA thực hiện chức năng xét xử của mình trong phạm vi những con người, tội danh cụ thể bị truy tố là hài hòa nhất.
Trong thực tế quá trình xét xử, Thẩm phán cho rằng truy tố của VKS chưa đúng với nhận thức, niềm tin nội tâm của mình. Nhưng luật không cho phép Thẩm phán vượt quá giới hạn truy tố vì có như vậy TA mới độc lập, mới là cơ quan xét xử. Nếu TA xét xử theo nhận thức chủ quan của mình thì TA lại đóng vai trò là cơ quan buộc tội, trở thành cơ quan lấn lướt hơn vì vừa buộc tội lại vừa xét xử.
Bên cạnh đó, ông Phúc cũng cho rằng, trong suốt quá trình bào chữa, bên bào chữa họ chỉ bào chữa theo tội danh mà VKS truy tố, song nếu chấp nhận phương án hai thì sẽ vô hiệu hóa chức năng bào chữa, việc bào chữa không có ý nghĩa.
Mối quan hệ sự vật hiện tượng có tính tương đối nhất định, mối quan hệ giữa truy tố, bào chữa và xét xử cũng vậy. Nếu vượt quá giới hạn thì TA không còn là cơ quan độc lập nữa.
Ngoài ra, ông Phúc cũng cho rằng, điểm tiến bộ của dự thảo đó là quy định TA có thể xử khác với truy tố của VKS nhưng phải bảo đảm không làm xấu đi tình trạng của bị can, không được ảnh hưởng đến quyền bào chữa của bị can.
Huyền Trang (lược ghi)