(BVPL) - Đó là một trong bốn nguyên nhân dẫn đến các vụ án oan sai do Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Trần Đại Quang nêu ra trong phiên thảo luận tại hội trường về báo cáo kết quả giám sát.
 


Đề cập về nguyên nhân dẫn đến oan, sai nêu trong báo cáo kết quả giám sát, Bộ trưởng Trần Đại Quang về cơ bản đồng tình và nhận thấy có một số nguyên nhân chủ yếu như:

Tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, số vụ án, bị can khởi tố điều tra hàng năm đều tăng, tính chất tội phạm ngày càng nghiêm trọng, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt, trung bình hàng năm cơ quan điều tra các cấp khởi tố gần 80.000 vụ án, trên 120.000 bị can nhưng biên chế lực lượng điều tra còn thiếu, nhiều cơ quan điều tra, mỗi Điều tra viên thụ lý từ 30-50 vụ án mỗi năm, thậm chí có Điều tra viên thụ lý tới 70 vụ án một năm, gây áp lực lớn đối với cán bộ điều tra, ảnh hưởng đến chất lượng điều tra và xử lý tội phạm.

Bên cạnh đó, một số Điều tra viên ở Cơ quan điều tra ở địa phương vẫn còn tư tưởng chủ quan, nóng vội, nhất là trước áp lực công việc và đòi hỏi yêu cầu công việc cần kết thúc sớm vụ án hoặc do áp lực của dư luận, cũng có những trường hợp vì tư tưởng thành tích, dẫn đến nóng vội trong thu thập, đánh giá, sử dụng chứng cứ, chưa coi trọng đầy đủ việc thu thập chứng cứ gỡ tội hoặc chủ quan thỏa mãn khi thấy bị can nhận tội mà không quan tâm đến các chứng cứ gỡ tội khác. Một số ít chưa chấp hành nghiêm túc quy chế làm việc, quy trình công tác và các quy định của pháp luật dẫn đến hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp.

“Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát nội bộ ở các đơn vị địa phương để nhằm phát hiện những sơ hở thiếu sót trong hoạt động điều tra, xử lý vụ án hình sự vẫn chưa được sâu sát và thường xuyên”, Bộ trưởng Trần Đại Quang nhấn mạnh.

Bộ trưởng Trần Đại Quang cũng đồng tình với phát biểu của nhiều ĐBQH về một số quy định của Bộ luật hình sự còn bất cập, thiếu hướng dẫn các tình tiết định tính. Như hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, số lượng lớn, rất lớn, đặc biệt lớn, quy mô thương mại, động vật được ưu tiên bảo vệ, v.v... “Phân biệt giữa tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với các vi phạm trong giao dịch dân sự, kinh tế. Vấn đề định lượng tài sản trong một số loại tội phạm. Quy định về giám định cũng chưa hoàn thiện, về quy chuẩn, thời hạn giám định, trách nhiệm của các cơ quan giám định trong các lĩnh vực pháp y, xây dựng, tài chính, ngân hàng, giao thông. Nhiều trường hợp phải giám định nhiều lần và kết quả giám định rất khác nhau. Có trường hợp phải đình chỉ vụ án vì kết luận giám định không xác định được hậu quả thiệt hại. Đó là một số nguyên nhân chúng tôi thấy tác động ảnh hưởng đến quá trình xử lý các vụ án hình sự” – Bộ trưởng Trần Đại Quang cho biết.

Ông cũng khẳng định, với tinh thần thượng tôn pháp luật, để khắc phục những sơ hở, thiếu sót cũng như chấn chỉnh các sai phạm trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm, Đảng ủy cơ quan Trung ương và Bộ Công an đã, đang và tiếp tục chỉ đạo cơ quan điều tra các cấp và các cơ quan khác trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phòng, chống tội phạm, phòng, chống oan sai. Nhất là Nghị quyết của Quốc hội kỳ này về phòng ngừa oan, sai.
 

Thúc Hà

.