(BVPL) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, tại phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi), các đại biểu tập trung ý kiến về các đối tượng được trợ giúp pháp lý.
Xác định phạm vi đối tượng được trợ giúp pháp lý
Đại biểu Phạm Thị Thanh Thủy (đoàn Thanh Hóa) cho rằng quy định như Điều 7 của dự thảo Luật thì diện người được trợ giúp pháp lý sẽ bị thu hẹp hơn so với quy định của các luật chuyên ngành. Cụ thể, tại điểm b, đ, e, Khoản 7 quy định người khuyết tật, nạn nhân trong vụ việc mua bán người theo quy định của Luật phòng chống mua bán người, nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình nhưng phải có khó khăn về tài chính là không khả thi. Theo đại biểu, việc xác định thế nào là khó khăn về tài chính phải có tiêu chí, nguyên tắc thì Chính phủ mới hướng dẫn được; đồng thời quy định này không thu hút được tất cả những người được trợ giúp pháp lý đã quy định tại Điều 4 Luật người khuyết tật; Khoản 1, Điều 36 Luật phòng, chống mua bán người; Khoản 1, Điều 5 Luật phòng, chống bạo lực gia đình quy định về quyền được trợ giúp pháp lý của các đối tượng này, không cần phân biệt họ có khó khăn về tài chính hay không. Đại biểu đề nghị dự thảo Luật giữ nguyên quy định các trường hợp được trợ giúp pháp lý theo pháp luật hiện hành.
Trong khi đó, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) đề nghị nên xem xét bổ sung đối tượng là người thuộc hộ cận nghèo, là người bị hại trong vụ án hình sự vào đối tượng trợ giúp pháp lý khi họ có yêu cầu.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình) khẳng định cần mở rộng thêm đối tượng được trợ giúp pháp lý quy định tại Điều 7, đây là một chế định quan trọng, càng mở rộng được nhiều đối tượng càng tốt, tuy nhiên, việc mở rộng đến đâu thì phải có căn cứ, phải có nguồn lực, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước. Đại biểu cho biết, trước đây nguồn lực thực hiện trợ giúp pháp lý của chúng ta được nước ngoài tài trợ rất nhiều, nhưng từ khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình thì nguồn lực trở nên hạn chế. Vì vậy, việc mở rộng đối tượng đến đâu là một vấn đề rất quan trọng cần phải tính toán cẩn thận và phải bảo đảm nâng cao chất lượng của dịch vụ này.
Chung quan điểm về phạm vi người được trợ giúp pháp lý như đã được tiếp thu giải trình tại Điều 7, theo đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, phạm vi đối tượng trợ giúp pháp lý trong dự thảo Luật đã được đánh giá tác động về tính khả thi, về nguồn lực đảm bảo và qua đánh giá tác động thì cho thấy đây là phương án phù hợp. Nếu bổ sung thêm đối tượng khác thì phải đánh giá lại tác động. Mặt khác, các đối tượng quy định tại Điều 7 đã được kế thừa Luật trợ giúp pháp lý hiện hành và các luật chuyên ngành có liên quan. Một vài đối tượng có giảm bớt đi như đại biểu đã đề cập liên quan tới Luật người khuyết tật, Luật Mua bán người là những luật mà chúng ta đã ban hành từ lâu, nếu thấy cần thiết thì có thể sửa đổi. Đối với Luật trẻ em, quy định tại Điều 7 dự thảo Luật hoàn toàn phù hợp với Luật trẻ em. Về tổng thể dự thảo Luật cũng bổ sung thêm nhiều đối tượng mới chưa được quy định trong pháp luật hiện hành như: người thuộc hộ cận nghèo, bị buộc tội, rồi nạn nhân bạo lực về gia đình có khó khăn về tài chính.
Bên cạnh đó, đại biểu Võ Thị Như Hoa (đoàn TP.Đà Nẵng) cũng cho rằng việc mở rộng hay hạn chế đối tượng được trợ giúp pháp lý thì phải căn cứ vào khả năng, nguồn lực của Nhà nước để đảm bảo tính khả thi của luật. Những đối tượng được trợ giúp pháp lý một khi được quy định trong luật, khi có nhu cầu được trợ giúp pháp lý thì phải được đáp ứng kịp thời với dịch vụ có chất lượng tương đương với luật sư, tránh trường hợp khi đối tượng được trợ giúp pháp lý có nhu cầu thì bị từ chối vì lí do không có kinh phí hoặc chất lượng dịch vụ thấp, không đảm bảo được quyền của người được trợ giúp pháp lý. Do vậy, đại biểu cho rằng việc quy định về người được trợ giúp pháp lý như dự thảo Luật lần này là phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội của nước ta hiện nay, vừa đảm bảo thực hiện được các chính sách đối với người có công với cách mạng, chính sách dân tộc, vừa bảo đảm khả năng tiếp cận công lý cho những người không có khả năng chi trả dịch vụ pháp lý.
Còn đại biểu Ngô Trung Thành (đoàn Đắk Lắk) cho rằng cần phải xem xét những vấn đề diện người được trợ giúp pháp lý hết sức kỹ lưỡng và chu đáo ở mọi khía cạnh. Việc xác định diện thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý thì phải bám vào nguyên tắc quy định về đối tượng người được hưởng trợ giúp pháp lý mà báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu ra. Đại biểu chỉ rõ, qua rà soát lại quy định tại Điều 7, liên quan đến đối tượng người có công đã được quy định ở Khoản 1, Điều 7. Tại Điểm c, Khoản 7, cũng đã quy định về cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con liệt sỹ, người có công nuôi dưỡng liệt sỹ, đối tượng là thân nhân của người có công là mở rộng hơn đối tượng người có công.
Cần làm rõ khái niệm người có hoàn cảnh khó khăn về tài chính
Đồng tình với việc mở rộng đối tượng trợ giúp pháp lý, đại biểu Ngô Sách Thực (đoàn Bắc Giang) cho rằng, cần cân nhắc không nên đưa điều kiện "khó khăn về tài chính" về các đối tượng quy định tại điểm 7 Điều 8 dự thảo Luật.
Theo đại biểu Ngô Sách Thực, đối với mỗi đối tượng, phải quy định điều kiện cụ thể, không thể quy định chung được. Bên cạnh đó, “nếu quy định như dự thảo chúng tôi thấy mâu thuẫn với ba luật hiện nay là Luật người khuyết tật, Luật trẻ em, Luật phòng, chống mua bán người. Điều 7 dự thảo Luật quy định "khó khăn về tài chính" và giao Chính phủ hướng dẫn là khó thực hiện. Đại biểu bày tỏ băn khoăn, nếu thông qua kỳ này, có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 thì khi nào hướng dẫn để thực hiện được việc này?. Đồng thời quy định này rất dễ mâu thuẫn liên quan đến thủ tục hành chính như: các đối tượng người dưới 16 tuổi, người khuyết tật chỉ cần xuất trình giấy tờ cá nhân nay lại phải thêm giấy chứng nhận hoàn cảnh khó khăn là thêm thủ tục hành chính.
Đại biểu Cao Thị Xuân (đoàn Thanh Hóa) cũng cho rằng, quy định tại Khoản 7, Khoản 8, Điều 7 không thể thuyết phục đại biểu ủng hộ dự thảo Luật vì đến thời điểm này nội hàm của khái niệm người có hoàn cảnh khó khăn về tài chính hoàn toàn chưa được làm rõ. Chính phủ cũng chưa trình dự thảo nghị định quy định chi tiết để xem dự kiến của Chính phủ sẽ trình quy định này về vấn đề này như thế nào. Báo cáo tiếp thu, giải trình cũng chỉ mới nêu ra ví dụ một trong những tiêu chí để xác định điều kiện khó khăn về tài chính là gặp thiên tai, địch họa, hỏa hoạn. Từ đây, đại biểu Cao Thị Xuân đặt vấn đề, người trên 80 tuổi không có lương hưu, người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng thuộc diện bảo trợ xã hội theo quy định của Luật người cao tuổi, Luật người khuyết tật có phải là đối tượng thuộc diện khó khăn về tài chính hay không?
Nhấn mạnh việc quy định "khó khăn về tài chính" là vấn đề khó, vừa là nội dung chính sách mới nhưng không rõ định lượng, sẽ tiềm ẩn khả năng dẫn đến quy phạm treo sau khi luật đã được thông qua, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều đối tượng yếu thế, đại biểu Xuân đề nghị Ban soạn thảo làm rõ thêm vấn đề này.
Một số ý kiến đề nghị quy định thống nhất diện đối tượng đang được hưởng trợ giúp pháp lý như quy định của pháp luật hiện hành và công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Một số ý kiến đề nghị mở rộng diện người được hưởng trợ giúp pháp lý đối với một số đối tượng cụ thể như: hạ sĩ quan, binh sĩ làm nghĩa vụ quân sự bị buộc tội; phụ nữ đang mang thai, phụ nữ nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi; người bị hạn chế về tinh thần, người bị bệnh hiểm nghèo, người bị tai nạn, sự cố bất ngờ, thiên tai, địch họa, công nhân, người lao động là nạn nhân bị lừa đảo hoặc bị cưỡng bức lao động.
Đức Hòa