(BVPL) - Liên quan đến vấn đề mở rộng cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra mà Dự thảo Bộ luật TTHS (sửa đổi) đang đề xuất, vừa qua có rất nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này. Báo BVPL đã có cuộc trao đổi với ông Hà Lê, Phó cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)- một trong những cơ quan được đề nghị giao tiến hành một số hoạt động điều tra để tìm hiểu kỹ hơn.
Ngay từ khi thành lập, Cục Kiểm ngư đã tổ chức thực hiện các nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động thủy sản, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản trên biển. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã bộc lộ một số hạn chế.
Cụ thể, quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, các hành vi sử dụng ngư cụ bị cấm, phương pháp khai thác bị cấm, các hành vi vận chuyển, mua bán các loài thủy sản bị cấm, sử dụng chất nổ, hóa chất, xung điện, ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản.v..v… ở mức độ nghiêm trọng; việc xâm phạm lãnh hải, khai thác trái phép của các tàu cá nước ngoài là tương đối phổ biến, việc xử lý hành chính, tiến hành xử phạt không đủ tính răn đe đối với người vi phạm (mặc dù hành vi vi phạm là nghiêm trọng và đã tiến hành xử phạt nhiều lần), cần thiết phải tiến hành các hoạt động điều tra và khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với đối tượng vi phạm.
Từ năm 2008 đến năm 2013, lực lượng kiểm tra, kiểm soát bảo vệ nguồn lợi thủy sản phát hiện 72.386 vụ dùng xung điện, chất nổ, chất độc để đánh bắt hải sản với tính chất hủy hoại nguồn lợi nhưng chỉ đưa ra truy tố được 34 vụ (chủ yếu do lực lượng Biên phòng thực hiện, không phải lực lượng Kiểm ngư).
Việc tiến hành hoạt động điều tra của Cục Kiểm ngư chưa được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự nên không thể tiến hành xử lý nghiêm hành vi vi phạm, nhất là ở các vùng biển xa.
PV: Thưa ông, nếu mở rộng các cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra thì việc điều tra có hiệu quả hơn không?
Ông Hà Lê: Bản chất của hoạt động điều tra là hoạt động phát hiện, thu thập, củng cố, ghi nhận, thu giữ những thông tin của vụ án nhằm xác định sự thật khách quan của vụ án để chứng minh tội phạm, người thực hiện hành vi phạm tội, xác định tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.
Trong hoạt động điều tra, giai đoạn xác định dấu hiệu của tội phạm có vai trò rất quan trọng. Chỉ khi nào có đầy đủ các dấu hiệu bắt buộc gồm: khách thể, chủ thể, khách quan, chủ quan thì hành vi vi phạm pháp luật mới được coi là hành vi phạm tội.
Việc xác định các dấu hiệu của tội phạm đặc biệt là việc xác định mặt khách quan của tội phạm trong một số lĩnh vực chuyên ngành, có tính đặc thù đòi hỏi sự phản ứng kịp thời với tình hình tội phạm xảy ra, phát huy nghiệp vụ của các cơ quan quản lý nhà nước trong phát hiện, xử lý tội phạm.
Ví dụ như trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tại mục a, khoản 1, Điều 188, chương XVII, Bộ luật Hình sự quy định:
1. Người nào vi phạm các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc một trong các trường hợp sau đây gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Sử dụng chất độc, chất nổ, các hoá chất khác, dòng điện hoặc các phương tiện, ngư cụ khác bị cấm để khai thác thuỷ sản hoặc làm huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản; ...
Việc xác định các dấu hiệu mặt khách quan của tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản theo điểm a, khoản 1 Điều 188 nêu trên có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định tội phạm; đòi hỏi chủ thể điều tra phải có các kiến thức chuyên ngành về thủy sản để có thể xác định được hành vi, hậu quả thiệt hại về vật chất, thể chất; mối quan hệ giữa hành vi và hậu quả; các điều kiện bên ngoài.
Bên cạnh đó, việc xác định các biểu hiện khác của mặt khách quan của tội phạm về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng có tính đặc thù như: phương tiện, công cụ phạm tội trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản mang tính chuyên ngành, chuyên môn cao; địa điểm, hoàn cảnh phạm tội thường diễn ra trên biển trong điều kiện rất dễ tẩu tán, phi tang công cụ, tang vật, phương tiện phạm tội…
Vì vậy, nếu Bộ luật TTHS lần này cho phép mở rộng các cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra gắn với việc đảm bảo các điều kiện về nguồn lực phục vụ công tác điều tra chắc chắn sẽ giúp cho toàn bộ quá trình điều tra có hiệu quả hơn.
PV: Xin cảm ơn ông!
Thúc Hà (Thực hiện)