Công điện nêu: Thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đạt được những kết quả quan trọng, góp phần ổn định và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng thu ngân sách, bảo đảm an ninh, trật tự, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân; đã phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nhiều vụ việc, đối tượng vi phạm trong sản xuất, buôn bán sữa, thuốc, thực phẩm giả.

leftcenterrightdel
 Cơ quan chức năng đang điều tra đường dây sản xuất, phân phối 573 loại sữa giả. Ảnh: BCA

Bộ Công an thời gian qua đã chủ động, nắm chắc tình hình, tiến hành các công tác nghiệp vụ, phát hiện, xử lý một số vụ án sản xuất, buôn bán hàng giả có quy mô lớn.

Tuy nhiên, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn diễn biến phức tạp, phạm vi rộng, đối tượng nhiều, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và lòng tin của Nhân dân, gây hoang mang, lo lắng trong dư luận đối với công tác đấu tranh của các lực lượng chức năng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước.

Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là công việc rất quan trọng, mang tính lâu dài, cần huy động sự vào cuộc của cấp ủy các cấp, chính quyền địa phương các cấp và của Nhân dân. Công tác này cần phải làm thường xuyên, toàn diện, liên tục, không ngừng nghỉ.

Nhằm đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp, bảo vệ an ninh, an toàn sức khỏe cho người dân góp phần phục vụ đất nước phát triển nhanh, bền vững…

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu mở đợt tấn công cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm bản quyền, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên toàn quốc, thời gian từ ngày 15//5/2025 đến ngày 15/6/2025, sau đó sẽ tiến hành sơ kết đánh giá.

Thành lập Tổ công tác do Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn - Trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia làm Tổ trưởng, thành viên gồm lãnh đạo các bộ, cơ quan: Công an, Quốc phòng, Tài chính, Công Thương, Y tế, Nông nghiệp và Môi trường, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, các cơ quan thuộc Chính phủ, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông Tấn xã Việt Nam, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia.

Các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông về kết quả đợt cao điểm của các đơn vị, lực lượng chức năng trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; biểu dương những tấm gương tích cực, cách làm hay của các Bộ, ngành, địa phương và Nhân dân; phê phán những hành vi tiêu cực, thiếu tinh thần trách nhiệm.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chỉ đạo lực lượng Công an toàn quốc phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tập trung nhận diện các tổ chức, cá nhân nghi vấn có biểu hiện, dấu hiệu hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và các hành vi liên quan, triển khai các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, xử lý hình sự các tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng nhằm kịp thời răn đe, cảnh tỉnh.

Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tư pháp, cơ quan giám định để tổ chức hoạt động điều tra, xử lý triệt để các vụ án về buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ trong cao điểm, không để kéo dài.

Quá trình đấu tranh cần chú ý làm rõ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý, cấp phép, kiểm định, kiểm soát xuất nhập khẩu, lưu thông... đối với nguyên liệu sản xuất, hàng hóa, xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, tiêu cực (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật với phương châm "xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực", "không có vùng cấm, không có ngoại lệ".

Từ kết quả công tác nắm tình hình, đấu tranh, xử lý các vụ án, vụ việc cần đánh giá, chỉ ra nguyên nhân, điều kiện phạm tội, các sơ hở, bất cập trong quy định pháp luật hoặc cơ chế quản lý của các bộ chức năng mà các đối tượng lợi dụng hoạt động phạm tội, vi phạm pháp luật để tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ, kiến nghị các bộ, ngành, địa phương giải pháp khắc phục; khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu tranh, xử lý hình sự để hoàn thiện pháp luật hình sự, nhất là Bộ luật Hình sự sửa đổi...

 

Vũ Phương