(BVPL) - Không chỉ theo công dân từ khi sinh ra cho đến khi qua đời, mã số định danh còn có thể thay thế số thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn... và dùng để giải quyết các thủ tục hành chính.

 
 
Theo Cục trưởng Ngô Hải Phan, thông tin trong mã số định danh là cơ sở dữ liệu lõi, chỉ thực hiện kê khai ở 2 lĩnh vực ít biến đổi là hộ tịch (ngành tư pháp quản lý) và hộ khẩu, chứng minh thư (ngành công an quản lý). Khi cần có thể khai thác dữ liệu lõi giải quyết thủ tục hành chính điện tử. Còn lại, mỗi ngành cần xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
 
Việc bảo mật, cũng theo ông Phan, là yêu cầu nghiêm ngặt đặt ra khi xây dựng đề án. Mỗi công dân được cấp mã số định danh đều có một mật khẩu để truy cập cơ sở dữ liệu của bản thân. Cổng truy cập cơ sở dữ liệu quốc gia này sẽ được thiết kế bộ lọc để chỉ tách ra một lượng thông tin đủ dùng cho từng ngành, đảm bảo yêu cầu bảo mật tuyệt đối.
 
"Một số ngành sẽ chỉ có được một số thông tin yêu cầu của ngành, còn những thông tin khác sẽ được mã hoá. Vì vậy sẽ không sợ bị xâm phạm đời tư", ông Phan cho hay.
 
Trong khi đó, đại diện Bộ Y tế lại cho rằng, không nên dùng mật khẩu vì có thể bị lộ thông tin. Giải pháp là nên bổ sung trường dữ liệu vân tay, ADN vào cơ sở dữ liệu thông tin. "Các cháu bé sinh ra có thể vân tay chưa rõ, nên chăng có thêm dữ liệu là ADN", đại biểu này nêu quan điểm.
 
Tiếp thu các ý kiến, Thứ trưởng Tư pháp Lê Hồng Sơn cho biết, đề án còn nhiều vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực. Bộ sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu, cần sự chỉ đạo của Thủ tướng và sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ ngành, địa phương trong quá trình triển khai.
 
Theo VnExpress