Theo quy định khi ban hành luật, pháp lệnh thì các văn bản hướng dẫn thực hiện cũng phải có hiệu lực cùng thời điểm. Tuy nhiên thực tế cho thấy, có rất nhiều bộ luật, luật được ban hành và có hiệu lực nhưng các văn bản hướng dẫn thi hành lại được các cơ quan soạn thảo xin hoãn, xin lùi thời hạn ban hành. Thậm chí có những luật đã có hiệu lực hơn 10 năm vẫn chưa có văn bản quy định chi tiết. Đây chính là những nguyên nhân khiến cho các bộ luật không thể triển khai hay còn gọi là bị “treo”.

Gần 50% luật bị “treo”

Theo một nghiên cứu của Bộ Tư pháp, tiến độ và chất lượng soạn thảo các văn bản hướng dẫn luật vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Nhiều văn bản được ban hành không đúng quy định về thời hạn, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, vô hiệu hóa văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên đã có hiệu lực. Theo đó, tỷ lệ ban hành các văn bản như thông tư, nghị định chậm chiếm đến 49%. Thậm chí như văn bản quy định chi tiết Chương 17 Bộ luật Hình sự năm 1999 - Các tội phạm về môi trường đã được ban hành và có hiệu lực từ hơn 10 năm trước, nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể. Hơn 10 năm chưa có văn bản quy định chi tiết về tội phạm môi trường khiến việc xử lý loại tội phạm này trong thực tế gặp nhiều khó khăn.

Một ví dụ nữa, tại cuộc họp mới đây của Bộ Giao thông Vận tải, theo báo cáo của Vụ Pháp chế, trong tháng 7/2013, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trình Chính phủ chỉ đạt 50% kế hoạch. Tỷ lệ hoàn thành thông tư trình Bộ so với kế hoạch còn thấp hơn nhiều, chỉ đạt 16,6%. Lý giải những nguyên nhân về sự chậm trễ này, theo bà Nguyễn Thị Hằng Nga – Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho rằng, ngoài nguyên nhân do các cơ quan chủ trì chưa tích cực đôn đốc, phải kể đến việc một số văn bản do có tác động nhiều đến người dân, doanh nghiệp nên cần nhiều thời gian lấy ý kiến và tổng hợp. Một số văn bản khác phải chờ ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp....

Tại phiên họp thứ 19 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII vừa diễn ra, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đã phải nhắc nhở về tiến độ xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn luật, pháp lệnh. Theo Chủ tịch Quốc hội, việc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính hiệu quả, kịp thời của các chính sách của Đảng, Nhà nước do vậy cần phải xem xét trách nhiệm của các cơ quan có trách nhiệm.

Cần quy trách nhiệm và có chế tài xử lý

Thực tế, cho đến nay chưa có ai bị kiểm điểm vì sự chậm trễ ban hành các văn bản hướng dẫn luật. Theo các chuyên gia, đã đến lúc phải quy trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân khi không đảm bảo tiến độ, chất lượng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh. Theo ông Lê Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp): “Vấn đề luật “treo” do chậm ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn giống như một thứ bệnh lâu nay không được quan tâm. Đã đến lúc phải quy trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân khi không đảm bảo tiến độ, chất lượng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh…”.

Một thực tế cho thấy, nhiều dự án luật được đưa ra vội vàng, việc thảo luận không kỹ nên chỉ dừng lại ở luật khung, luật “ống”, dẫn đến thực trạng luật “treo”. Theo bà Trương Thị Mai – Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội: “Để đảm bảo tính thực thi, cơ quan soạn thảo cần phải khảo sát kỹ, đánh giá tác động của dự án luật đối với xã hội. Bên cạnh đó, cần chuẩn bị đầy đủ các văn bản hướng dẫn chi tiết đi kèm để có sự hướng dẫn kịp thời khi luật có hiệu lực. Để làm được điều này, các cơ quan soạn thảo cần phải có những chuyên gia giỏi, tâm huyết. Bởi trong quá trình xây dựng dự thảo luật, thực tế là có sự tham gia của không ít những người mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm. Hệ quả cuối cùng là luật ban hành ra không triển khai được, không có hiệu lực trong thực tế.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, bà Lê Thị Nga cũng cho rằng: “Khi xây dựng các văn bản, nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật, các cơ quan có thẩm quyền không cho biết tiến độ thời gian cụ thể khi nào ban hành nên mới có chuyện luật đã ban hành nhưng không thể triển khai. Bên cạnh đó, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan soạn thảo, ban hành luật cũng còn nhiều vấn đề chồng chéo cần phải rút kinh nghiệm. Có khi trong một tuần, một tháng mà các bộ liên tục đưa ra nhiều quan điểm khác nhau về cùng một chính sách, thể hiện sự không thống nhất, thiếu tầm nhìn và thiếu vai trò điều phối trong tư duy quản lý, điều hành. Để khắc phục tình trạng trên, Quốc hội cần sớm tiến hành giám sát tối cao về việc chấp hành Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Ngoài ra, Chính phủ cần xây dựng cơ chế thẩm định thông tư khách quan hơn, tiến tới bổ sung vào luật và tăng thẩm quyền cho cơ quan kiểm tra văn bản sau khi ban hành”.
 

Hữu Bắc