(BVPL) - Theo dõi các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội (QH) khóa XIII, nhiều cử tri trên cả nước bày tỏ sự đồng tình cao.
 


Cử tri Nguyễn Tuấn Hợp (TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên): Dự thảo lần này đã không đưa vào chế định về Viện kiểm sát khu vực, mà giữ nguyên tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện như hiện nay, theo tôi, đây là một chủ trương rất sáng suốt, phù hợp với điều kiện của nước ta trong thời điểm hiện nay.

Cử tri Nguyễn Phước Long (Đống Đa, Hà Nội): Dự thảo luật khẳng định, mở rộng và giao thêm thẩm quyền khởi tố vụ án dân sự cho VKS - xuất phát từ chức năng của VKS là thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Nó xuất phát từ yêu cầu thực tiễn là bảo vệ lợi ích của nhà nước, lợi ích của tổ chức, cá nhân, nhất là cá nhân có những nhược điểm về thể chất hoặc tinh thần. Đặc biệt, nhiều vụ việc tôi thấy trên thực tế đã quá thời hạn khởi kiện, nhưng do đương sự trong một số trường hợp đặc biệt đã không biết, không nắm vững pháp luật và không có điều kiện để khởi kiện, cho nên việc giao quyền khởi tố vụ án dân sự cho Viện kiểm sát là rất phù hợp với điều kiện hiện nay

Cử tri Liên Lam (Học viện Ngân hàng): Theo tôi, hiện nay về lợi ích công, các cơ quan, tổ chức được phân công quản lý nhưng trong một số trường hợp chưa thực hiện được việc này, trong khi Viện kiểm sát đã có bề dày truyền thống trong công tác này. Thứ hai, nhiều nước có truyền thống pháp luật lâu đời và văn minh cũng giao cho cơ quan công tố thực hiện khởi tố các vụ án dân sự khi lợi ích công bị xâm phạm. Năm 2013, tại Hội nghị công tố thế giới đã khuyến cáo các cơ quan công tố nên mở rộng thẩm quyền của cơ quan công tố trong việc bảo vệ lợi ích công.

Cử tri Nguyễn Thị Hoà (Học viện Chính trị quân sự): Tôi cho rằng, đã đến lúc “việc dân sự cốt ở các bên” nhưng việc dân sự đó liên quan đến doanh nghiệp nhà nước, mà doanh nghiệp nhà nước lâu nay chúng ta vẫn nói là “cha chung không ai khóc”, xảy ra việc mất tài sản nhà nước nhưng người quản lý tài sản đó lại được lợi, hiện nay không ai khởi tố để đòi lại tài sản nhà nước, cho nên thẩm quyền này cần giao cho Viện kiểm sát. Trước đây, VKS đã khởi tố được rất nhiều vụ án liên quan đến lợi ích của nhà nước ở các doanh nghiệp nhà nước, nhưng nay trách nhiệm này đang bị bỏ trống. Tôi nghĩ cần thiết phải giao lại cho VKS thẩm quyền khởi tố vụ án dân sự.

Cử tri Trần Quyết Thắng (Hương Sơn, Hà Tĩnh): Dự án luật lần này đã minh bạch hơn thẩm quyền và trách nhiệm công tố. Đây là một vấn đề về mặt lý luận hết sức quan trọng. Tôi đồng tình, thực hành quyền công tố là các hoạt động của VKSND trong tố tụng hình sự để thực hiện việc buộc tội của Nhà nước đối với người phạm tội, được thực hiện ngay từ khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự. Cho nên VKS phải thực hành quyền công tố ngay từ khi giải quyết, xử lý tin báo, tố giác tội phạm là để tránh những vi phạm pháp luật, chống những dấu hiệu oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm trong quá trình tiến hành tố tụng.
 

PV (ghi)

.