(BVPL) - Đó là ý kiến của ĐB Nguyễn Trường Dân (Đoàn Quảng Nam) trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIII.
 


ĐB Phạm Trường Dân: Việc kê khai tài sản theo tôi trong khi cán bộ đương chức, còn sau khi về hưu vẫn tiếp tục theo dõi. Anh về hưu phải có trách nhiệm kê khai tài sản với cơ sở Đảng ở địa phương nơi anh sinh hoạt. Đảng viên phải kê khai tài sản. Đảng viên sinh hoạt ở dưới chi bộ cơ sở, kê khai tài sản ở đó là bình thường. Khi thấy có dư luận không tốt về khối tài sản của cán bộ quá lớn, cấp trên có quyền kiểm tra, bản thân cán bộ đó phải có trách nhiệm giải trình với tư cách một đảng viên, bởi nguồn tài sản này bắt nguồn từ khi anh còn đương chức. Tôi cho rằng, chuyện đó hoàn toàn bình thường.

PV: Vấn đề ở đây là khối tài sản lớn, khi đương chức, việc kê khai tại sao không phát hiện ra. Theo ông, làm sao để có thể xác minh nguồn tài sản đó từ lương hay tham nhũng?

ĐB Phạm Trường Dân: Việc xác định nguồn tài sản là việc rất khó. Do đó đảng viên phải trung thực, nhưng cũng phải kiểm tra cụ thể một số trường hợp có khối tài sản quá nhiều. Nếu trường hợp nào bình thường thì thôi. Thực tế trước mắt, anh có vài ba căn nhà; nhưng nếu thông tin anh làm ở tỉnh lẻ, nhưng lại có nhà ở thành phố lớn thì nhất định phải kiểm tra.

PV: Có nhiều ý kiến cho rằng, đối tượng kê khai đang quá rộng. Theo ông, có nên thu hẹp?

ĐB Phạm Trường Dân: Những năm 1970, 1980, đã có việc kê khai tài sản, kê khai hoàn cảnh kinh tế cho nên bây giờ có quy định có nhiều anh ngày xưa tài sản là nhà phên tre, lợp tôn, có 2 con trâu, hay 1 sào ruộng, bây giờ ta chỉ tách ra và gọi là kê khai tài sản. Qua số liệu của thanh tra, tôi thấy rằng việc kê khai tài sản cơ bản là chuẩn, nhưng không thể hoàn hảo, cũng có người giấu, còn lại cơ bản kê khai đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương. Có người lợi dụng kê khai tham nhũng, cố tình che giấu.
 

PV

.