Kỳ vọng cải thiện chất lượng thi hành án
Cập nhật lúc 08:45, Thứ năm, 06/03/2014 (GMT+7)
(BVPL) - Gần 200.000 vụ việc, vụ án dân sự bị tồn đọng do vướng mắc tại khâu thi hành án…. Con số này được đưa ra tại Hội thảo “Luật thi hành án dân sự- từ góc nhìn doanh nghiệp” được tổ chức bởi Bộ Tư pháp và VCCI, đã thu hút được nhiều đại diện doanh nghiệp đăng đàn nói lên nguyện vọng được bảo vệ quyền lợi hợp pháp trong quá trình thi hành án.
Luật sư Trần Xuân Tiền chia sẻ: “Với những hạn chế về hiệu quả, thời gian, lợi nhuận thì “cực chẳng đã”, các doanh nghiệp mới lựa chọn con đường khởi kiện để đòi lại quyền lợi. Việc thi hành án kém hiệu quả khiến doanh nghiệp mất niềm tin. Khi niềm tin với công tác thi hành án bị lung lay thì doanh nghiệp sẽ tìm đến các công cụ đòi nợ khác như dịch vụ thu hồi nợ hợp pháp hoặc “xã hội đen”. Điều này gây bất ổn an ninh trật tự xã hội.
Đề nghị tăng vai trò của Viện kiểm sát và Luật sư
Kết quả một cuộc khảo sát nhỏ mà VCCI thực hiện, trong số 15 doanh nghiệp khi được hỏi, có tới 7 doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình xác minh tài sản, kê biên, bán tài sản; thủ tục thi hành án phức tạp; 7 doanh nghiệp thấy bản án khó thi hành và 3/15 doanh nghiệp trả lời nếu gặp vụ việc tương tự sẽ không khởi kiện nữa. Kết quả này thể hiện rõ những vướng mắc mà đa phần doanh nghiệp gặp phải khi đối mặt với thi hành án dân sự.
Đại diện Bộ Tư pháp cho biết, trong quá trình soạn thảo, lấy ý kiến về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự, các ý kiến đều nhất trí về sự cần thiết ban hành và những nội dung cơ bản của Dự thảo luật. Theo đó, Dự thảo sẽ bổ sung phạm vi các bản án, quyết định được thi hành án; quyền và nghĩa vụ của người được thi hành án, người phải thi hành án và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; chủ trương khuyến khích xã hội hóa hoạt động thi hành án dân sự; sửa đổi, bổ sung các quy định về: Chấp hành viên; thủ tục thi hành án dân sự; thi hành án trong một số trường hợp cụ thể; khiếu nại, tố cáo; kháng nghị về thi hành án dân sự; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức trong thi hành án dân sự; yêu cầu tương trợ tư pháp dân sự trong thi hành án dân sự…
Tuy nhiên, đóng góp ý kiến vào việc sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự, có ý kiến cho rằng, cần phải quy định mở rộng quyền của Luật sư tham gia giai đoạn thi hành án dân sự; cần có chế tài buộc trách nhiệm của chấp hành viên về vấn đề thời hạn thi hành án, thủ tục thi hành án; tăng cường vai trò của Viện kiểm sát trong hoạt động thi hành án, sự quản lý, phối hợp của chính quyền địa phương và các cơ quan hữu quan trong thi hành án…
Trần Tâm
.