(BVPL) - Một số ý kiến của các ĐBQH đoàn TP.HCM kiến nghị sự cần thiết phải thành lập Bộ Kinh tế biển và đây cũng là nội dung được các đoàn ĐBQH dành nhiều thời gian trong buổi thảo luận tại tổ về dự án Luật Tài nguyên, Môi trường biển và Hải đảo.
 


Chiến lược kinh tế biển

ĐB Đỗ Văn Đương (đoàn TP.HCM) đề nghị nên sửa tên luật này thành Luật Kinh tế biển đảo. Lý do, ĐB Đương đưa ra là vì chúng ta đã có Luật TN-MT và Luật Biển Việt Nam rồi. Do đó, cần có một tên luật sát và đúng nghĩa với yêu cầu nhiệm vụ cấp thiết đang đặt ra. ĐB Đỗ Văn Đương  khẳng định, nếu khai thác tốt tài nguyên biển thì kinh tế đất nước sẽ giàu mạnh.

“Hội nghị Trung ương có chiến lược về biển Việt Nam, trong đó nêu hai vấn đề quan trọng là phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền quốc gia. Đã có nhiều luật liên quan đến bảo vệ môi trường rồi thì có nên đặt tên luật này gắn với chữ “môi trường” hay không? Nên đặt tên là Luật Kinh tế biển đảo thì mới ngang tầm với chiến lược biển của nước ta” - ĐB Đương nhấn mạnh.

ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) đồng tình về việc tên luật nên là Luật Kinh tế biển đảo và đề xuất thành lập Bộ Kinh tế vào thời điểm này là rất cần thiết. ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP. HCM) đề nghị tên của luật này nên gút gọn lại là: Luật Tài nguyên, Môi trường biển.

Trong khi đó, Trưởng và Phó đoàn ĐBQH TP.HCM là ĐB Huỳnh Thành Lập và ĐB Trần Du Lịch đề nghị cần phải thành lập Bộ Kinh tế biển. Theo ĐB Trần Du Lịch, việc thành lập Bộ Kinh tế biển là để thống nhất quản lý nhà nước về các lĩnh vực liên quan đến biển. Điều này đáp ứng Nghị quyết Trung ương 4 khóa VIII về chiến lược kinh tế biển được Đảng xác định từ lâu.

Ông Lịch nhấn mạnh “Cắt giảm ở bộ, ngành nào cũng cần thiết nhưng việc thành lập Bộ Kinh tế biển thì không thể không làm. Tôi cho rằng, Luật Tổ chức Chính phủ cần thể hiện được điều đó. Các đầu mối như Tổng cục Biển và hải đảo ở Bộ TN-MT và một số tổng cục, đơn vị ở Bộ NN-PTNT đưa vào Bộ Kinh tế biển thì sẽ thống nhất được sự quản lý, tham mưu sát cho Chính phủ kịp thời hơn”.

ĐB Trần Du Lịch ví von biển Đông đối với nước ta quan trọng như cá nhân có nhà mặt tiền đường Đồng Khởi (TP.HCM), đường Tràng Tiền (Hà Nội). Với đường bờ biển dài trên 3.000 km mà bây giờ mới xây dựng luật này là chậm. Vì vậy, ĐB Trần Du Lịch kiến nghị thành lập Bộ Kinh tế biển để thống nhất quản lý tài nguyên biển.

Cũng về đề xuất này, ĐB Lê Thanh Hải (Bí thư Thành ủy TP.HCM) cho rằng, việc thành lập một Bộ để thống nhất quản lý nhà nước về lĩnh vực biển hiện nay là rất cần thiết.

Đề cập đến nội dung điều 8 về những quy định cấm, ĐB Trần Du Lịch nói: “Việc khai thác cát ven biển nó xói lở kinh lắm. Vậy thì cần phải có chế tài đủ mạnh để vừa răn đe và xử lý được nhằm bảo vệ tài nguyên, môi trường và chủ quyền quốc gia. Quy định trong Điều 8, tôi thấy còn chung chung”.

Thiếu “tài sản” quốc gia trong luật

Nhìn nhận ở góc độ pháp lý, ĐB Trương Trọng Nghĩa đề nghị Ban soạn thảo chú ý khi liệt kê “tài sản” quốc gia vào trong luật. Theo đó, tại khoản 1 Điều 1 và Điều 2 quy định phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự án Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo, có viết: “Hoạt động liên quan đến điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, khai thác sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trong phạm vi vùng bờ, vùng biển và các đảo, quần đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia Việt Nam”. Đã không liệt kê “phạm vi vùng trời, vùng biển, các đảo, quần đảo” thì thôi. Còn đã liệt kê như vậy nhất thiết phải bổ sung “đá, các bãi đá và các kiến tạo địa chất thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia Việt Nam” - ĐB Nghĩa đề nghị.

Lập luận về vấn đề này, ĐB Trương Trọng Nghĩa giải thích, trong biển không chỉ có đảo và hải đảo mà còn có đá và bãi đá. Những thứ đó cũng là tài sản và là chủ quyền quốc gia. “Hiện nay tranh chấp chủ yếu là ở đá và bãi đá, Philippines và Trung Quốc cũng vậy. Một số đảo ngoài Trường Sa là đá và bãi đá. Đá khác với đảo, khi nước lớn thì nó bị ngập ở dưới, khi nước ròng thì lộ lên. Những bãi đá đó người ta sẽ xây căn cứ quân sự như Trung Quốc đang làm. Dù không có người sinh sống và đời sống kinh tế ở đó nhưng lại cực kỳ quan trọng. Vì, người ta có thể dồn và dùng mấy bãi đá để xây dựng các công trình khác, có thể là những căn cứ quân sự, khoa học để từ đó khai thác rộng ra. Do đó, luật phải nêu cho sát để thuận cho giải quyết các thắc mắc nếu xảy ra” - ông Nghĩa phân tích...
 

Ngọc Đức

.