“Cấp giấy khai sinh hoàn toàn khác với bản chất của cấp căn cước. Do vậy không thể cấp căn cước thay cho giấy khai sinh khi trẻ em sinh ra” - ĐBQH Bùi Văn Xuyềncho ý kiến về dự án Luật hộ tịch vào chiều 19/6.

 

ĐBQH đề nghị duy trì giấy khai sinh và giấy chứng nhận kết hôn
ĐBQH đề nghị duy trì giấy khai sinh và giấy chứng nhận kết hôn
 
Giấy khai sinh khác thẻ căn cước
 
Đồng tình với việc duy trì việc cấp giấy khai sinh và giấy chứng nhận hôn nhân, ĐB Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) cho rằng, 2 loại giấy tờ này có ý nghĩa đặc biệt đối với cuộc đời của một công dân. Hai loại giấy tờ này cũng hàm chứa rất nhiều thông tin cơ bản liên quan đến cuộc đời một con người cụ thể. “Chúng tôi cho đó là một bước để đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong quản lý hộ tịch công dân và giảm bớt các giấy tờ tùy thân cho công dân”.
 
ĐB Dũng nhận định, mối quan hệ giữa đăng ký hộ khẩu, giấy khai sinh và thẻ căn cước... nên được giải quyết trong Luật căn cước công dân.
 
Cùng quan điểm, ĐB Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) cũng cho hai loại giấy tờ trên công dân thường sử dụng trong quan hệ giao dịch, đi lại, học hành. Đặc biệt các thông tin như giấy khai sinh là cơ sở để xác định cụ thể nhân thân cá nhân của trẻ em dưới 14 tuổi như họ tên, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, quốc tịch, họ, tên cha mẹ… Giấy kết hôn thì tạo thuận lợi cho cặp vợ chồng đi lại tham quan, du lịch, giải quyết tranh chấp về dân sự.
 
“Tôi thống nhất đăng ký khai sinh và đăng ký kết hôn được quy định tại các Điều 16, 18, 36, 38, về thủ tục đăng ký khai sinh, thủ tục đăng ký kết hôn của dự án Luật hộ tịch” – ĐB Lâm nêu quan điểm.
 
Theo ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình), cấp giấy khai sinh hoàn toàn khác với bản chất của cấp căn cước, do vậy không thể cấp căn cước thay cho giấy khai sinh khi trẻ em sinh ra.
 
“Tôi đề nghị dù gì chăng nữa việc cấp giấy khai sinh cho trẻ em là một nội dung của đăng ký hộ tịch rất quan trọng, một công việc của quản lý hộ tịch, không thể khác được” – ông Xuyền nêu.
 
Không nên để cấp phường, xã cấp số định danh
 
Có cùng quan điểm với một số ý kiến trước đó, ĐB Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) cho rằng, việc giao thẩm quyền của UBND cấp huyện đăng ký đối với có yếu tố người nước ngoài chưa phù hợp mà nên giữ ở cấp tỉnh. Bởi vì tiến tới chúng ta lập toàn bộ hệ thống dữ liệu điện tử trong vấn đề liên quan đến cấp toàn bộ số định danh từ giấy khai sinh cho đến hộ tịch.
 
Liên quan đến cấp số định danh cá nhân khi đăng ký khai sinh, theo giải trình của Chính phủ thì khi đăng ký khai sinh công chức tư pháp, hộ tịch cập nhật nội dung vào cơ sở dữ liệu quốc gia và dân cư do Bộ Công an quản lý. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật căn cước công dân lại quy định đối với người từ 1/1/2016, UBND xã, phường, thị trấn cấp số định danh cá nhân cho người đó…
 
Theo ĐB Chung, đề án 896 xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia là cơ sở nền tảng gốc để sau đó phân cấp phục vụ cho các ngành khác, phục vụ xây dựng một Chính phủ điện tử. Nếu xây dựng cấp số định danh cá nhân từ khi khai sinh, có nghĩa là phải tiến tới kéo đường truyền cáp quang cho đến hơn mười ngàn xã và trang bị, thiết bị đầu, hệ thống máy chủ. Hệ thống máy tính cũng phải cung cấp cho đến tận xã.
 
“Liệu thời gian hơn một năm nữa chúng ta có triển khai kịp việc này hay không. Về con người, về cơ sở vật chất, chúng ta cần phải có tính toán liên quan đến cơ sở vật chất, trong phần liên quan đến hạ tầng mà chúng ta có thể đảm đương được hay không?... Nếu như quyết định như vậy dự án sẽ tốn kém như thế nào?” – ĐB Chung nêu.
 
Cùng đề cập đến thẩm quyền đăng ký hộ tịch, ĐB Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn) đề nghị giữ nguyên như hiện hành là giao cho UBND cấp tỉnh thực hiện chứ không giao cho phòng tư pháp cấp huyện.
 
Theo Infonet