Sáng 25/10, Quốc hội thảo luận toàn thể về Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết: Để có thể đáp ứng hết được những yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn và thể chế hóa Nghị quyết của Trung ương về vấn đề cải cách tổ chức bộ máy của Chính phủ, chính quyền địa phương tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả thì cần có thời gian để tổng kết thực tiễn, nghiên cứu một cách căn cơ, toàn diện, kỹ lưỡng, từ đó đề ra các giải pháp khả thi và đồng bộ.

Với tinh thần tiếp thu ý kiến của đa số các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị trong lần này, chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương và dùng một luật để sửa 2 luật, tập trung vào vấn đề tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh phân quyền, phân cấp giữa Trung ương và địa phương và rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một số cơ quan hành chính nhà nước.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) - Ảnh: VGP/Đoàn Bắc

Đề cập đến việc phân cấp, phân quyền hiện nay, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) phân tích: Luật sửa đổi lần này tuy có tiến bộ hơn nhưng cũng vẫn chỉ là sửa đổi về nguyên tắc mà thôi, trong khi cần có quy định cụ thể hơn việc phân quyền, phân cấp, tránh sự chồng chéo, trùng lắp như Luật cần quy định rõ “việc gì Trung ương làm, việc gì địa phương làm”. Nhìn vào đó là biết mình làm gì, thẩm quyền tới đâu để căn cứ vào đó mà làm.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm tán thành phương án nên có 2 Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, thành phố hoạt động chuyên trách. Đồng thời, không nên cào bằng số lượng Phó Chủ tịch HĐND và các phó trưởng ban của HĐND giữa các các tỉnh, thành phố với nhau. Có như vậy, mới nâng cao hiệu lực của hoạt động giám sát, bảo đảm thực lực, thực quyền của HĐND.

Đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng việc tăng giảm phải cân nhắc kỹ, làm sao để đảm bảo được hiệu quả công việc: “Về số lượng Phó chủ tịch HĐND, chúng ta đang phân cấp đại biểu chuyên trách, đại biểu không công tác ở cơ quan quản lý nhà nước. Cơ cấu để vai trò, vị thế của Chủ tịch HĐND gắn với thường trực cấp ủy, trừ trường hợp cá biệt do công việc mới không phải Bí thư, Phó Bí thư. Hiện nay, HĐND cấp tỉnh có 2 Phó Chủ tịch thì thực hiện các công việc được giao đều có vai trò quan trọng.

Linh hồn của HĐND, các kỳ họp HĐND là ở các Ban của HĐND, đại biểu HĐND chuyên trách. Đề nghị Trưởng ban nên là đại biểu chuyên trách. Nhiều nơi thường vụ các cấp kiêm nhiệm trưởng ban, nghe có vẻ có vị thế cao hơn, nhưng hiệu quả công việc không cao hơn, vì họ còn dành thời gian thực hiện các công việc của cấp ủy”.

leftcenterrightdel
 Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu - Ảnh: VGP/Đoàn Bắc

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nêu quan điểm của mình là “góp phần hoàn thiện dự thảo luật”. Theo đó, đại biểu Ngọ Duy Hiểu đề xuất mỗi tỉnh có 2 Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách, không phụ thuộc vào Chủ tịch HĐND tỉnh có chuyên trách hay không? Bởi theo xu thế, Bí thư tỉnh ủy sẽ kiêm Chủ tịch HĐND tỉnh, trong khi việc thực hiện giám sát, quyết định các vấn đề lớn của HĐND ngày càng nặng nề hơn, đòi hỏi cần có chuyên môn và “toàn tâm toàn ý” cho hoạt động của HĐND. Đồng thời, nên tính toán để một Phó Chủ tịch HĐND kiêm phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH để có thể truyền tải được nhiều thông tin, ý kiến, nguyện vọng của cử tri đến Quốc hội ngày càng hiệu quả hơn.

Về quy định xã loại 3 chỉ có một Phó Chủ tịch xã, đại biểu Ngọ Duy Hiểu đề nghị tăng thêm một Phó Chủ tịch xã đối với xã loại 3 vì việc ở cơ sở ngày càng nhiều, trong khi Phó Chủ tịch xã phụ trách văn hoá-xã hội khó mà giải quyết tốt việc của Phó Chủ tịch xã phụ trách đất đai, xây dựng. Vì thế, tăng thêm một Phó Chủ tịch cấp xã để nâng cao hiệu quả công việc là cần thiết.“Xu hướng chung là giảm biên chế, tuy nhiên cần nhìn nhận rõ chỗ nào để bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả thì nên tăng thêm cán bộ”, đại biểu Ngọ Duy Hiểu nói.

Nêu quan điểm của mình, đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh), chọn Phương án 1 với lý do thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh gồm 1 Phó Chủ tịch và 2 Phó Chủ tịch, các ủy viên là trưởng ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh có thể là đại biểu hoạt động chuyên trách, Phó Chủ tịch là đại biểu hoạt động chuyên trách.

leftcenterrightdel
Đại biểu Trần Thị Hằng

“Nhưng chúng ta thấy rằng, theo luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành, nhiệm vụ của HĐND tỉnh trong đó có nhiệm vụ của Thường trực HĐND tỉnh có 10 nhóm nhiệm vụ, ngoài ra HĐND tỉnh cũng còn những nhiệm vụ khác. Đó là cơ quan ban hành chính sách và nhiều đại biểu đã phân tích số lượng lớn nhiệm vụ mà HĐND tỉnh và thường trực HĐND tỉnh phải thực hiện. Với xu hướng hiện nay, chính quyền cấp trên thực hiện phân cấp mạnh mẽ cho cấp dưới, mà phân cấp là tức là phân quyền, do vậy, việc tăng cường giám sát là hết sức cần thiết.

Do đó, quy định theo phương án 1 là để đảm bảo tính bao quát và xác định cụ thể số lượng Phó Chủ tịch HDND tỉnh hoạt động chuyên trách”, bà Hằng nêu quan điểm.

Theo đại biểu Hằng, nếu theo phương án 2, lại có 2 phương án xảy ra. Bà nêu: “Nếu như Chủ tịch là đại biểu hoạt động chuyên trách mà chỉ có 1 Phó Chủ tịch là đại biểu hoạt động chuyên trách thì riêng việc đi họp, không phải nội dung nào Chủ tịch cũng đi, mà như thế thì chỉ 1 Phó Chủ tịch cũng rất là thiếu người”.

“Trong luật cũng không nên đưa ra phương án là "nếu thì". Ta nên đưa thống nhất luôn, xác định rõ là có Chủ tịch và 2 Phó Chủ tịch. Và 2 Phó Chủ tịch này hoạt động chuyên trách”.

Tương tự, bà Trần Thị Hằng tán thành với phương án 2 của Phó Trưởng ban HĐND cấp tỉnh là xác định rõ luôn số lượng Phó trưởng ban HĐND cấp tỉnh hoạt động chuyên trách. 

“Tôi đề nghị giữ nguyên 2 Phó Chủ tịch, 2 Phó Trưởng ban của HĐND là hoạt động chuyên trách”, Đại biểu Hằng đề nghị./.

Xuân Hưng