Với tiêu đề “Một Việt Nam bứt phá sau 35 năm đổi mới”, Hãng thông tấn Nga Sputnik đã có bài viết sâu về thành tựu sau 35 năm khởi xướng đường lối đổi mới của Đảng CSVN, bắt đầu từ Đại hội VI tháng 12/1986.

Đường lối đổi mới được các Đại hội sau tiếp tục hoàn thiện và phát triển, mở ra bước ngoặt trong sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Mục đích của đổi mới là nhằm tìm kiếm con đường đi lên XHCN phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của Việt Nam với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Sputnik cũng mô tả không khí sôi động tại Việt Nam ngay trước thời điểm diễn ra Đại hội, đặc biệt tại các thành phố lớn là thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, điều rất khác biệt so với phần đông các quốc gia khác trên thế giới trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành.

“Bạn có thể cảm nhận nguồn năng lượng vô biên đang cuộn chảy bất chấp đại dịch COVID-19. Việt Nam, một quốc gia trẻ, đang phát triển. Tại đây, mọi thứ đều có thể. Từng dòng người lướt đi trên những chiếc xe tay ga, vội vã đến công sở và trường học, tranh thủ mua bữa sáng hay đơn giản chỉ check tin nhắn lúc dừng xe”.

leftcenterrightdel
Khai mạc Đại hội  XIII Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh: Sputnik/TTXVN.

Bài báo mở ngoặc, nhưng không phải lúc nào bức tranh này cũng có ở Việt Nam. 35 năm trước, Việt Nam từng là một trong số các quốc gia nghèo nhất trên thế giới. Quốc gia Đông Nam Á này đã phát triển trở thành quốc gia mà theo đánh giá của World Bank, với thành quả rất đáng ngưỡng mộ, trong đó tốc độ tăng trưởng GDP luôn nằm trong tốp đầu thế giới.

Cùng với việc thông tin về sự kiện Đại hội XIII của Đảng CSVN, Đại hội tiếp theo kể từ năm 2016 và là Đại hội lần thứ 13 kể từ ngày thành lập Đảng năm 1930, với nhiệm vụ lựa chọn các nhà lãnh đạo mới và định hướng chính sách cho 5 năm tới; tờ Aljazeera cũng nhấn mạnh thành quả khống chế đại dịch COVID-19, tiền đề để giúp kinh tế hồi phục, phát triển. Với đà thành công, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP trung bình hàng năm là 7% trong 5 năm tới.

 “Việt Nam đã chứng kiến nền kinh tế của mình vượt xa phần lớn các nước tong khu vực trong năm qua, ngăn chặn đại dịch coronavirus nhờ các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt, xét nghiệm và truy tìm nguồn gốc. Chỉ có tổng cộng hơn 1.500 ca nhiễm COVID-19 và 35 ca tử vong, ít hơn nhiều so với hầu hết các quốc gia khác.”, Aljazeera viết.

Trong bài viết có tiêu đề là một câu hỏi “Điều gì diễn ra tại Đại hội của Đảng CSVN?”, Hãng tin Reuters viết, Đại hội lần này sẽ bao gồm đánh giá về những thành tựu của Việt Nam 35 năm sau khi thực hiện 'Đổi mới', phong trào khởi xướng từ năm 1986 đã mang lại những cải cách kinh tế và chính trị rất cần thiết và đặt nền móng cho sự phát triển nhanh chóng của đất nước.

leftcenterrightdel
Lực lượng chức năng làm nhiệm vụ trên đường phố Hà Nội. Ảnh: Reuters. 

Đại hội cũng tiến hành đánh giá kết quả hoạt động của đội ngũ lãnh đạo sắp mãn nhiệm, đồng thời đề ra các chính sách và hướng dẫn mới trong nước và quốc tế trong 5-10 năm tới. Xa hơn, Việt Nam đề ra kế hoạch dài hạn để đạt được tham vọng trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

Reuters cũng nhấn mạnh việc Việt Nam thực hiện kiểm dịch nghiêm ngặt khi tổ chức kiểm tra coronavirus hai lần cho tất cả đại biểu cũng như những người liên quan đến Đại hội.

“Tất cả khoảng 10.000 người, gồm các đại biểu tham dự Đại hội, giới chức ngoại giao nước ngoài, nhân viên hỗ trợ và giới truyền thông tham dự sự kiện đều đã được kiểm tra coronavirus hai lần trong những ngày trước Đại hội.”, Reuters viết.

Theo Reuters, cách tiếp cận đó lặp lại các biện pháp kiểm dịch gắt gao, xét nghiệm và truy tìm nguồn gốc đã góp phần giúp Việt Nam có ít ca bệnh hơn hầu hết các nước khác. Đó là có sở giúp nền kinh tế Việt Nam vượt xa phần lớn các quốc gia châu Á trong năm qua. 

AP dẫn trả lời ông Murray Hiebert, chuyên gia cấp cao về Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, trụ sở Washington- Mỹ, phát biểu: Việt Nam đã tăng trưởng trung bình 6% trong 5 năm qua và gần 3% vào năm 2020, khi hầu hết các nước láng giềng rơi vào tình trạng suy thoái do đại dịch.

“Việt Nam tiếp tục thu hút mức đầu tư nước ngoài vốn là niềm ghen tị của hầu hết các nước láng giềng và có thêm sự thúc đẩy khi các nhà sản xuất chiến lược tìm cách dịch chuyển một phần chuỗi cung ứng của họ ra khỏi một số nước lớn sau cuộc chiến thương mại”.

Tờ Nikkei Asia, Việt Nam hôm 25/1 đã khởi động đại hội chính trị, nơi sẽ vạch ra lộ trình của quốc gia trong 5 năm tới, khi quốc gia Đông

leftcenterrightdel
Lực lượng Cảnh sát giao thông tuần tra bảo đảm an ninh cho Đại hội XIII. Ảnh: Reuters. 

Nam Á tìm cách trở thành một công xưởng sản xuất mới của khu vực với chi phí nhân công thấp.

Việt Nam có vẻ sẽ tận dụng lợi thế kinh tế của mình khi là một trong số ít quốc gia mở rộng tổng sản phẩm quốc nội vào năm 2020, tăng 2,9% nhờ xử lý hiệu quả đại dịch coronavirus.

Nikkei Asia nhấn manh, trong lịch sử, Đại hội Đảng CSVN đã tạo ra những thay đổi lớn. Tại Đại hội lần thứ VI năm 1986, Đảng đã thông qua đường lối đổi mới với chính sách cải cách và mở cửa, hội nhập với thế giới. Điều này bao gồm sự ra đời của hệ thống kinh tế thị trường và chính sách này đã đóng một vai trò quan trọng trong định hướng của Việt Nam kể từ đó.

Đảng CSVN dự kiến sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP trung bình hàng năm từ 6,5% -7% trong 5 năm kể từ năm 2021, đồng thời thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển trước năm 2045 bằng cách nâng cao GDP bình quân đầu người, hiện nay là khoảng 3.500 USD.

Việt Nam cũng được kỳ vọng sẽ tiếp tục đẩy mạnh chính sách đổi mới và tìm kiếm tăng trưởng kinh tế cao bằng cách tiếp tục chính sách tự do thương mại, Nikkei Asia viết.

Huy Anh