(BVPL) - Quốc hội (QH) tiếp tục thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
 


ĐB Danh Út (đoàn Kiên Giang) lại cho rằng: Về mức độ tín nhiệm thể hiện trên phiếu vẫn giữ ba mức tín nhiệm gồm tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Về lấy phiếu tín nhiệm là để người được lấy phiếu biết mình được tín nhiệm như thế nào để có thời gian khắc phục, điều chỉnh.

“Việc đưa ra ba mức cũng để đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân có nhiều lựa chọn, đánh giá đầy đủ hoặc khách quan hơn. Thực tế từ giữa năm 2013 đến nay, sau khi lấy phiếu tín nhiệm đã có tác động tốt, không ít người được lấy phiếu tín nhiệm đã thực sự lo lắng với mình và đã chủ động xem lại mình. Có khá nhiều người được lấy phiếu tín nhiệm vừa qua đã vươn lên khá nhiều, thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn được giao” - ĐB Út giải thích.

Còn ĐB Võ Thị Dung (đoàn TP.HCM) nhận xét “Sau kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, về tiếp xúc với cử tri, tôi thấy cử tri cho rằng trong kỳ họp thứ 7 Quốc hội đã quá vội vã khi mà đưa vào chương trình xem xét để sửa Nghị quyết 35. Sự vội vã này cho thấy QH có phải quá lo về an toàn đối với những người bố trí hay không? Bởi vì khi lấy phiếu thì đã 3 mức rồi, bây giờ 3 năm mới lấy một lần. Tôi thấy ý kiến của cử tri cũng đáng để QH chúng ta suy nghĩ”.

Nhiều ĐBQH phát biểu đều bày tỏ quan điểm của mình cũng như nói thay tiếng nói cử tri, chỉ nên lấy 2 mức tín nhiệm: tín nhiệm hoặc không tín nhiệm. ĐB Võ Thị Dung (TP HCM) bày tỏ thái độ mạnh mẽ hơn qua câu hỏi: “Có phải QH quá lo cho sự an toàn của người được lấy phiếu hay không? Cá nhân tôi và đông đảo cử tri đồng tình 2 mức: tín nhiệm và không tín nhiệm để kết quả rõ ràng hơn”.

Về cá nhân ĐB Dung cho rằng nên 2 mức. “Không có nghĩa 2 mức là không phân biệt được giữa việc bỏ phiếu và lấy phiếu mà việc thể hiện 2 mức là tín nhiệm và không tín nhiệm để cho kết quả rõ ràng hơn”. ĐB Dung giải thích thêm.

ĐB Dung liên hệ với kết quả 2 lần lấy phiếu tín nhiệm vừa rồi, có phải chăng phiếu tín nhiệm thấp đó là kết quả không tín nhiệm không?  Cho nên ĐB Dung thấy thể hiện qua 2 mức là rõ ràng, minh bạch nhất và cũng dễ dàng cho việc lượng hóa. Còn nếu nhiều phiếu tín nhiệm thì đó là tín nhiệm cao, không có vấn đề gì khó khăn, lấy phiếu tín nhiệm làm cơ sở cho bỏ phiếu tín nhiệm. “Cho nên tôi thấy rằng mặc dù hiện nay phương án này không phải trình ra để bàn nữa, nhưng tôi cũng tha thiết đề nghị Quốc hội nên thể hiện trong phiếu như thế và cũng hoàn toàn phù hợp với ý nguyện của cử tri” - ĐB Dung nói.

ĐB Bùi Thị An (đoàn TP. Hà Nội) cũng cho rằng chỉ nên 2 mức, kể cả khi lấy phiếu tín nhiệm cũng như bỏ phiếu tín nhiệm. Chỉ có như vậy thì kết quả của số phiếu mới làm cơ sở giúp Đảng ta đánh giá chính xác, lựa chọn các đồng chí vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt, nếu để 3 mức như hiện nay thì rất khó. “Tôi xin lấy một ví dụ, một đồng chí có 50% phiếu tín nhiệm cao, không có phiếu tín nhiệm và 50% phiếu tín nhiệm thấp. Một đồng chí khác có 1/3 phiếu tín nhiệm cao, 1/3 phiếu tín nhiệm thấp và 1/3 phiếu tín nhiệm. Trong trường hợp này không biết đánh giá ai hơn ai” - ĐB An khẳng định.
 

Ngọc Đức

.