Sáng 6/4, Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII đã khai mạc tại Nhà Quốc hội với sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, các Phó Chủ tịch Quốc hội và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.
 


Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá cao công tác chuẩn bị các nội dung Phiên họp của các cơ quan liên quan trong bối cảnh vừa tổ chức thành công Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU-132).

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trọng tâm của Phiên họp lần này vẫn là việc thẩm tra, cho ý kiến và các dự án luật dự kiến sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ chín sắp tới.

Nội dung hàng đầu vẫn là việc triển khai thi hành Hiến pháp 2013 và việc đảm bảo quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân qua các hệ thống pháp luật thực hành.

Ngoài ra, trong chương trình làm việc, các đại biểu cũng nghe Đoàn giám sát báo cáo về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, thời gian làm việc ngắn (5 ngày) nhưng khối lượng công việc rất lớn, đòi hỏi các đại biểu tập trung, đóng góp nhiều ý kiến để góp phần hoàn thiện dự thảo các dự án luật với chất lượng cao trình Quốc hội.

Tại buổi làm việc đầu tiên của Phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến đối với dự án Luật An toàn thông tin. Việc xây dựng Luật An toàn thông tin là cần thiết nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, góp phần giải quyết 7 vấn đề quan trọng như tấn công mạng; phát tán thư rác, mã độc; lưu hành phần cứng, phần mềm có độc hại; rao bán thông tin cá nhân bất hợp pháp; bảo vệ lợi ích quốc gia trên mạng; phát triển nguồn nhân lực và phát triển sản phẩm, thị trường.

Các ý kiến đóng góp tại buổi làm việc đề nghị cơ quan soạn thảo cần bám sát định hướng xây dựng dự thảo luật trên cơ sở tinh thần Điều 21 của Hiến pháp năm 2013 đã đề cập đến quyền được bảo đảm an toàn đối với “thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình… mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác.

Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.” Do đó, phạm vi thông tin trong đối tượng điều chỉnh của dự thảo là rất rộng, không chỉ là thông tin được số hóa, được trao đổi thông qua các phương tiện điện tử hay mạng Internet.

Theo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, một trong những nội dung quan trọng của Luật này là nhóm quy định về thông tin cá nhân trên mạng nhưng quy định trong dự thảo còn có dung lượng và nội hàm còn nhiều hạn chế; chưa thể hiện được một cách toàn diện trách nhiệm của tất cả các bên liên quan trong việc bảo vệ, bảo đảm an toàn đối với từng loại thông tin này.

Các ý kiến góp ý cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cần quy định rõ trong dự thảo luật những hành vi bị nghiêm cấm trong việc thu thập, sử dụng thông tin cá nhân cũng như chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Nguyễn Bắc Son, tính hai mặt của Internet đang thách thức đối với việc thực thi luật pháp để điều chỉnh những hành vi lợi dụng mạng Internet nhằm truyền đưa, lưu trữ, phát tán thông tin sai trái, độc hại, vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Các cá nhân, tổ chức luôn phải đối mặt với nhiều loại hình tấn công trên mạng với mức độ ngày càng thường xuyên hơn.

“Việc xây dựng Luật An toàn thông tin nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý ổn định về an toàn thông tin theo hướng áp dụng các quy định pháp luật một cách đồng bộ, khả thi trong thực tiễn thi hành; phát huy các nguồn lực của đất nước để bảo đảm an toàn thông tin, phát triển lĩnh vực an toàn thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh…,” Bộ trưởng cho biết.

Cho ý kiến về dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu tính khả thi của Luật phù hợp với tinh thần Hiến pháp 2013 và các luật liên quan.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị: “Tiếp cận thông tin là quyền nên Luật phải ghi rõ phạm vi cấm, nhưng phải phù hợp với Hiến pháp. Quyền tiếp cận thông tin và thông tin là quyền cơ bản của con người. Các quy định đáp ứng yêu cầu quản lý nhưng không được ảnh hưởng, xâm phạm đến quyền con người và trật tự xã hội.”

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng cho rằng dự thảo cũng cần quy định rõ về việc xử lý và chế tài đối với các hành vi vi phạm.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý thẳng thắn cho rằng ban soạn thảo cần rà soát thêm để hoàn thiện thì dự án luật mới đủ điều kiện trình Quốc hội tại kỳ họp tới./.
 

Theo TTXVN/Vietnam+

.