(BVPL) - Vừa qua, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương (BCĐCCTPTW) đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo Báo cáo tổng kết 8 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp (CCTP) đến năm 2020 khu vực phía Bắc. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng BCĐCCTPTW; đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng BCĐCCTPTW; đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC cùng chủ trì Hội nghị. Về phía VKSNDTC, tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSNDTC và đồng chí Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng VKSNDTC.

Theo Dự thảo đánh giá, căn cứ vào tình hình kết quả triển khai thực hiện Chiến lược CCTP 8 năm qua, có thể khẳng định mục tiêu, quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ CCTP được Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra là phản ánh đúng đắn những yêu cầu khách quan của việc xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý..., xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, phù hợp với xu thế tiến bộ của thế giới và điều kiện cụ thể của nước ta. Bên cạnh đó, việc quán triệt, triển khai thực hiện Chiến lược CCTP đã được các cấp ủy, tổ chức Đảng tổ chức thực hiện nghiêm túc, dân chủ, có trách nhiệm đã làm cho nhận thức của cán bộ, Đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của các cơ quan tư pháp trong Nhà nước pháp quyền XHCN, về sự cần thiết phải tiến hành và đẩy mạnh CCTP thay đổi rõ rệt. Cùng với đó, kết quả thực hiện các nhóm nhiệm vụ của Chiến lược CCTP đã tạo điều kiện bước đầu thúc đẩy quá trình cải thiện, khắc phục những hạn chế, nâng cao chất lượng nội tại của nền tư pháp và hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp. Mặt khác, qua 8 năm thực hiện Chiến lược CCTP tuy mới chỉ là kết quả bước đầu nhưng hoạt động tư pháp đã được cải thiện đáng kể, hệ thống pháp luật về tư pháp đã được hoàn thiện hơn; cơ sở vật chất của các cơ quan tư pháp được đầu tư khang trang, hiện đại hơn; hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đã có nhiều tiến bộ; các quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại ngày càng được hoàn thiện và phát triển lành mạnh.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, phát biểu ý kiến tập trung vào một số nội dung như việc kiểm điểm, đánh giá tình hình thực hiện chiến lược CCTP, đặc biệt là các nội dung đánh giá về tình hình triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể của Chiến lược, làm rõ những kết quả đã làm được, những việc chưa hoặc không làm được, những hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân của những hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện từng nhiệm vụ cụ thể; đánh giá khái quát về những kết quả đã đạt được, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và những yêu cầu của việc đẩy mạnh CCTP trong thời gian tới. Bên cạnh đó các đại biểu cũng đã thảo luận làm rõ hơn những nội dung điều chỉnh, bổ sung liên quan đến quy định về quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ CCTP để phù hợp với các chủ trương, đường lối nêu trong văn kiện Đại hội XI của Đảng, Hiến pháp sửa đổi 2013 và tình hình thực tiễn của đất nước; về việc phân công trách nhiệm tổ chức thực hiện và những vấn đề cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện từ nay đến năm 2016; cho ý kiến góp ý đối với nội dung các báo cáo chuyên đề của các cơ quan tư pháp Trung ương....    

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng ta đề ra là một quyết định mang tính lịch sử, được thể chế hóa trong Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001). Thực hiện chủ trương nêu trên, cùng với cải cách các lĩnh vực lập pháp, hành pháp, ngày 2/6/2005, Bộ Chính trị khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược CCTP đến năm 2020. Chủ tịch nước nhấn mạnh, qua 8 năm thực hiện Chiến lược đã thu được những kết quả bước đầu quan trọng, thành tựu của CCTP đã có tác động tích cực đến đời sống xã hội, đời sống chính trị - pháp lý của đất nước. Tuy nhiên bên cạnh đó, việc thực hiện các nhiệm vụ CCTP cũng có nhiều vấn đề đặt ra cần được tiếp tục giải quyết...
 

Văn Tình

.