(BVPL) - Qua tổng kết 12 năm thực hiện Luật Bảo vệ & phát triển rừng (BV&PTR) năm 2004 cho thấy, từ khi có Luật, rừng đã được bảo vệ và phát triển tốt hơn, đã đóng góp tích cực, có hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) nước nhà. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực thì Luật BV&PTR năm 2004 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế trong ngăn chặn tình trạng phá rừng, suy giảm rừng tự nhiên, lấn chiếm đất rừng, sản xuất lâm nghiệp nhỏ lẻ hiệu quả chưa cao, năng suất và giá trị gia tăng thấp, người trồng rừng và bảo vệ rừng có cuộc sống còn nhiều khó khăn.

Vì vậy, cần phải sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Luật BV&PTR cho phù hợp hơn để nâng cao giá trị, hiệu quả quản lý rừng; thúc đẩy phát triển KT-XH, phát triển lâm nghiệp, ngăn chặn tốt hơn tình trạng phá rừng; bảo vệ môi trường (BVMT), ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) và bảo đảm quốc phòng, an ninh; góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người làm nghề rừng và xây dựng nông thôn mới; Nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất các hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, kinh doanh, chế biến và thương mại lâm sản theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; có cơ cấu quản lý, sản xuất kinh doanh hợp lý, ổn định theo hướng hiện đại, phát triển bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Đồng thời, nhấn mạnh việc xây dựng và ban hành Luật BV&PTR (sửa đổi) nhằm thể chế hóa kịp thời quy định của Hiến pháp năm 2013 về sở hữu tài nguyên thiên nhiên.

 

1
Một số khái niệm, nội dung trong Dự án Luật cần được chỉnh sửa, làm rõ.


Có ý kiến đề nghị nghiên cứu chỉnh sửa lại khái niệm “rừng” (khoản 2) để phù hợp với quốc tế và không làm thay đổi chỉ tiêu thống kê về độ che phủ rừng ở Việt Nam. Mặt khác cần làm rõ rừng là hệ sinh thái bao gồm những hệ sinh thái nào? (ví dụ như hệ sinh thái ngập nước?); làm rõ rừng núi đất và rừng khác bao gồm những loại nào? Đồng thời, quy định được gọi là rừng với diện tích liền vùng là 0,5 ha, vậy 0,5 ha rừng có đồng nhất với lô rừng là 10 ha không (điểm c, Khoản 1, Điều 6)? Đề nghị Ban soạn thảo xem lại cách dùng từ “liền vùng" cho chính xác, thống nhất trong Dự thảo Luật. Ngoài ra, cụm từ “các yếu tố khác” là không rõ ràng, đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ các yếu tố đó trong Luật.

Tại khoản 8, khái niệm “Lâm sản là sản phẩm khai thác từ rừng gồm thực vật rừng, động vật rừng và các sinh vật rừng khác; bao gồm gỗ, lâm sản ngoài gỗ và sản phẩm đồ gỗ đã chế biến”, cần làm rõ “động vật rừng và các sinh vật rừng khác” có phải là lâm sản không? Ngoài ra, cây phân tán cũng chưa được giải thích có thuộc lâm sản không và được khai thác, điều chỉnh, quản lý như thế nào (Điều 64).

Tại khoản 9, khái niệm “Dịch vụ môi trường rừng là việc cung ứng các giá trị sử dụng của môi trường rừng để đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững KT-XH” là chưa rõ. Bởi vì, dịch vụ môi trường rừng theo nghĩa rộng bao gồm các loại hình dịch vụ sử dụng hệ sinh thái rừng như: Du lịch, điều hòa không khí, phát thải khí nhà kính, BVMT, cải tạo đất, giữ nước... Tất cả các dịch vụ trên đều là dịch vụ của hệ sinh thái rừng. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục làm rõ thêm khái niệm “dịch vụ môi trường rừng”. Mặt khác, việc cung ứng các giá trị sử dụng của môi trường rừng chỉ góp phần phát triển bền vững KT-XH chứ không thể đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH. Do đó, Ban soạn thảo cần cân nhắc việc dùng từ góp phần hay đáp ứng cho phù hợp.

Có ý kiến đề nghị, việc giải thích các thuật ngữ như: rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất... không nên để rải rác ở các điều trong Dự thảo Luật mà nên đưa về Điều 3 giải thích từ ngữ. Đồng thời, có tiêu chí phân loại rõ từng loại rừng để có căn cứ thiết kế nội dung quy định về chính sách bảo vệ, quản lý, khai thác phù hợp với từng loại rừng.

Về chủ rừng, có ý kiến đề nghị nên bổ sung chủ rừng có nhóm hộ gia đình. Vì trên thực tế các mô hình liên kết sản xuất kinh doanh trong lâm nghiệp hiện nay đang thực hiện theo nhóm hộ gia đình có các khoảng rừng liền kề. Ví dụ như: các hộ liên kết thành một nhóm trồng rừng để thực hiện việc cấp chứng chỉ rừng FSC, vì nếu chỉ đơn lẻ từng hộ gia đình sản xuất manh mún không thể thành vùng sản xuất kinh doanh rừng trồng nguyên liệu đủ lớn để được cấp chứng chỉ rừng FSC. Khi được cấp chứng chỉ rừng FSC giá gỗ được tăng lên khá cao và gỗ đủ tiêu chuẩn xuất khẩu nước ngoài giải quyết việc thiếu nguyên liện nhập khẩu để xuất khẩu gỗ hiện nay.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị đề nghị Ban soạn thảo giải trình tại sao không quy định “người Việt Nam định cư ở nước ngoài được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng, giao đất, cho thuê đất để phát triển rừng” là chủ rừng như Luật BV&PTR năm 2004.

Đối với quy định về giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng (Điều 20) vẫn chưa phù hợp với thực tế. Vì hiện nay, việc cho thuê đất dưới tán rừng để trồng dược liệu quý có giá trị cao vẫn được các địa phương thực hiện mà không ảnh hưởng đến công tác bảo vệ rừng. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với thực tế. Điều 24 và Điều 25 quy định về chuyển mục đích sử dụng rừng, thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng rừng, đề nghị Ban soạn thảo căn cứ vào các quy định hiện hành của pháp luật để quy định chi tiết tiêu chí, trình tự thủ tục, thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng rừng gắn liền với chuyển mục đích sử dụng đất một cách phù hợp, bảo đảm được tính bền vững của hệ sinh thái.

Có ý kiến đề nghị cần phải quy định cụ thể, rõ ràng ngay trong Dự thảo Luật những trường hợp được chuyển mục đích sử dụng rừng. Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo rà soát các cụm từ “chuyển mục đích”, “chuyển đổi” trong Dự thảo Luật nhằm đảm bảo tính thống nhất. Ngoài ra, còn một số ý kiến khác đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định việc tổ chức trồng rừng thay thế bằng các phương thức phù hợp nhằm bảo đảm tính khả thi trong điều kiện hiện nay nhiều địa phương thiếu quỹ đất bố trí cho việc trồng rừng thay thế.
 

Minh Triết

.