(BVPL) - Nhận xét về  dự thảo Nghị quyết trình ĐH Đảng lần thứ XII, ĐB Nguyễn Quốc Bình (Đoàn Hà Nội)  cho rằng có 4 điểm mới so với Nghị quyết ĐH Đảng lần thứ XI.
 


Một là, xác định thị trường là vấn đề cơ bản, nhà nước điều tiết mọi hoạt động kinh tế trên cơ sở thị trường. Điều này được thể hiện ở trang 29, thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ nguồn lực hiệu quả các nguồn lực phát triển, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất các nguồn lực nhà nước được phân bổ theo chiến lược quy hoạch, kế hoạch và phù hợp với cơ chế thị trường. Đây là đổi mới hẳn so với Nghị quyết 11, xác định, nhà nước lấy mục tiêu thị trường và lấy thị trường làm gốc để điều hành, phân bổ nguồn lực và điều hành phát triển kinh tế. Đây là điểm quan trọng trong đường lối chính sách của đảng và chi phối trong các hoạt động và bảo đảm cho hoạt động kinh tế của chúng ta khoa học và gắn với thị trường.  

Đổi mới thứ hai là, xác định vai trò kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Đây là một điểm hết sức quan trọng trong Nghị quyết lần này. Nghị quyết 11 xác định các thành phần kinh tế trong đó có thành phần kinh tế tư nhân, nhưng lần này xác định rất rõ, trang 32 ghi, hoàn thiện cơ chế chính sách, khuyến khích tạo thuận lợi, phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở  hầu hết các lĩnh vực kinh tế, và trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Đổi mới này sẽ tạo nền tảng để chúng ta phát triển kinh tế theo định hướng thị trường và huy động được nguồn lực mạnh mẽ của toàn xã hội để phát triển kinh tế.   

Thứ ba, xác định doanh nghiệp là thành phần kinh tế chủ đạo của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hiến pháp cũng xác định doanh nghiệp là một lực lượng quan trọng của nền kinh tế. Nghị quyết lần này xác định rõ doanh nghiệp là động lực quan trọng, chủ đạo của sự nghiệp công nghiệp hóa. Trang 30 ghi rõ, có chính sách thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp Việt Nam thực sự trở thành lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp công  nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thứ tư là, xác định vai trò của các mối liên kết kinh tế thể hiện ở trang 25. Từ trước tới nay, chúng ta có quy hoạch liên kết vùng, kinh tế vùng và trong các chính sách cũng đã có nhưng lần này Nghị quyết đã nêu rõ về phát triển kinh tế vùng, liên vùng, đặc biệt nhấn mạnh vai trò liên kết giữa các thành phần kinh tế và giữa các chủ thể là doanh nghiệp. Điều này rất quan trọng vì một trong những phương pháp quan trọng của kinh tế là phải có sự liên kết. Cả thế giới phải có liên kết toàn cầu và từng khu vực phải có liên kết kinh tế. Trong một quốc gia thì việc liên kết các vùng thì phát huy hiệu quả các nguồn lực và phân bổ một cách hợp lý và không bị lãng phí và phát huy sức mạnh của từng vùng để tạo cho nền kinh tế thống nhất và phát huy hiệu quả, phù hợp với nguồn lực hữu hạn của chúng ta, bảo đảm tối ưu hóa và hiệu quả hóa. Báo cáo lần này xác định mục tiêu rõ ràng, trong liên kết giữa các thành phần kinh tế và liên kết giữa các doanh nghiệp của chúng ta là điểm yếu vì nguồn lực, tiềm lực của các doanh nghiệp của chúng ta còn hạn chế. Nếu không liên kết thì khi hội nhập thua ngay trên sân nhà.
 

Đức Thắng

.