(BVPL) - “Cần khái quát, tạo sự linh hoạt cho việc đổi mới tổ chức chính quyền địa phương; cùng với những quy định liên quan đến thu hồi đất” - Đó là hai trong số những chủ đề được nhiều ĐBQH quan tâm nhất trong phiên thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 vào ngày 5-11.
 


Đã là đặc biệt thì không thể nhiều

Theo Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, về ý tưởng Ban soạn thảo muốn có một sự phân biệt giữa các loại chính quyền. Điều đó, theo ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị) là đúng; tuy nhiên, ĐB này cho rằng cần có sự phân biệt rõ thẩm quyền và tổ chức? “Đơn giản là vì, giữa chính quyền đô thị và nông thôn, về tổ chức, chức năng, quyền hạn chung cũng như quyền được đại diện, được giám sát của nhân dân thông qua cơ quan quyền lực là giống nhau. Chỉ có khác quy định về thẩm quyền, nhiệm vụ cụ thể của chính quyền;  mà trong đó chủ yếu là của cơ quan quản lý nhà nước để phù hợp với đặc điểm đô thị hay nông thôn” - ĐB Châu nói. Mặt khác, ĐB Châu cho rằng, trong hệ thống các đơn vị hành chính cũng có sự phân biệt; chẳng hạn là sự phân biệt giữa  hải đảo và đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt là những đơn vị hành chính có tính đặc thù. Vì vậy, ĐB đề nghị, trong hệ thống các cấp chính quyền do tính đặc thù của chính quyền ở hải đảo và ở đơn vị hành chính đặc biệt nên cần phân định về tổ chức. Ví dụ có đảo chỉ có huyện đảo và chính quyền huyện, không có xã.

Cũng bàn về tổ chức chính quyền địa phương, ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) bày tỏ sự đồng ý về “quy định đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập.” Tuy nhiên, ĐB này cho rằng, cần quy định rõ đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt này thành lập ở cấp nào, cấp tỉnh, cấp huyện hay cấp xã. Và, “Đã là đặc biệt thì phải là số ít, thậm chí chỉ là 1. Nếu đặc biệt mà là số nhiều sẽ không còn là đặc biệt nữa.”- ĐB Thường nói.

Từ sự bổ sung, sửa đổi nêu trên, nhiều ĐBQH đề xuất: Trên cơ sở quy định của Hiến pháp tiếp tục xem xét, sửa đổi Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân quy định cụ thể về mô hình chính quyền địa phương được phù hợp hơn.

Bên cạnh ý kiến cho rằng, Hiến pháp là đạo luật cơ bản, đạo luật gốc, do vậy không thể không quy định cụ thể, rõ ràng, ĐB Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng) lại cho rằng: Trong điều kiện chúng ta đang tổ chức thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp quận, huyện, phường và chưa tổng kết để đi đến kết luận bỏ hoặc không bỏ; vậy thì, quy định như trong Dự thảo là khái quát, tạo sự linh hoạt cho việc đổi mới tổ chức chính quyền địa phương và tạo điều kiện cho sự thành lập chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn sau này.

Nếu không quy định chặt dễ bị lợi dụng

Đánh giá về Điều 54 của dự thảo, ĐB Trần Đinh Thu (Gia Lai) cho rằng, quyền sử dụng đất là quyền quan trọng của người dân và phải được hiến định rất chặt chẽ; tránh lạm dụng thu hồi tràn lan, vi phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Bởi, ĐB Thu nhận định: “Thực tế đây cũng là nguyên nhân chính trong thời gian qua phát sinh tranh chấp khiếu kiện phức tạp kéo dài.”

ĐB Trần Đình Thu cho rằng: Đất nước ta đang trong giai đoạn phát triển việc thu hồi đất để phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội theo quy hoạch bổ sung quy hoạch hoặc phát triển là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu quy định như vậy trong dự thảo, quá trình áp dụng sẽ dễ bị lạm dụng và không được ổn định lâu dài. Vì thế, ĐB này đề xuất: “Khoản 3, Điều 54 quy định nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng an ninh, vì lợi ích quốc gia, công cộng là đủ.”

Tỏ ý băn khoăn về quy định “quản lý theo quy hoạch”, ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) nói: “Điều 54 có 4 mục, Mục 1 dự thảo có quy định: “Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo pháp luật và quy hoạch”. Từ điều khoản được thiết kế như trong dự thảo, ĐB Hùng nhận xét: Nếu quy định quản lý theo quy hoạch thì vô hình chung chúng ta đã đặt tính chất pháp lý của quy hoạch ngang với pháp luật. Mà thực tiễn quy hoạch diễn ra ở nhiều cấp. Các quy hoạch này cũng không tránh khỏi sự chồng chéo, có những quy hoạch thiếu khoa học, thiếu thực tế và đã được điều chỉnh nhiều lần. “Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây lãng phí đất đai trong thời gian qua, nhiều khi chúng ta quy hoạch, giải tỏa xong rồi nhưng còn để trống, lãng phí rất nhiều.”- ĐB Hùng nói và lo lắng: Lấy quy hoạch làm cơ sở cho quản lý, thu hồi đất “e là không ổn, dễ bị lợi dụng”.
 

Đức Thắng (Lược ghi)

.