Liên quan đến việc phát hiện và trục vớt được gốc huê (sưa) "khủng" tại khu vực ngầm bến Troóc (xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) mà báo chí liên tục phản ánh những ngày qua, ngày 27.2, Chủ tịch UBND H.Bố Trạch Phan Văn Gòn đã có văn bản báo cáo sự việc gửi Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cơ quan, ban ngành liên quan.
 
 
Gốc sưa đang được bảo quản, cất giữ tại Hạt Kiểm lâm huyện Bố Trạch. Ảnh: Lao động
Gốc sưa đang được bảo quản, cất giữ tại Hạt Kiểm lâm huyện Bố Trạch. Ảnh: Lao động
 
Theo đó, nhận định ban đầu của ngành Kiểm lâm thì đây là phần gốc của cây gỗ (nghi là loại gỗ huê, gỗ có mùi thơm; tro gỗ đặc trưng giống gỗ huê), đã khai thác phần thân khá lâu, phần gốc bị sạt lở và lũ cuốn trôi qua các khe suối và về đến đoạn sông Troóc là khá xa. Đoạn sông này hẹp có nhiều hốc đá lớn nên đã bị mắc kẹt và đất bồi lấp nên bên ngoài bị ải mục và ruột bị rỗng. Phần gốc trên có chiều dài thân 1,65m; đường kính thân 1m (chưa tính phần rễ hai bên và chưa thể ước được trọng lượng của gốc gỗ này).
 
Hiện gốc huê trên đang được cất giữ, bảo quản tại Hạt Kiểm lâm huyện Bố Trạch và báo cáo Chi cục Kiểm lâm tỉnh giám định để có kết luận về loại gỗ, chất lượng và hoàn thành các thủ tục theo quy định để báo cáo cơ quan có thẩn quyền xử lý theo trình tự pháp luật và hoàn thành trước tháng 2.2014.
 
Báo cáo cũng đã kiến nghị Chi cục Kiểm lâm tỉnh cử cán bộ có kinh nghiệm phối hợp cùng Kiểm lâm huyện sớm giám định loại gỗ và đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng hoàn thành các thủ tục tổ chức bán đấu giá sớm để thu hồi vào ngân sách, phần để giải quyết các chi phí huyện đã ứng ra, mặt khác tránh việc trông giữ bảo quản khó khăn của Hạt Kiểm lâm huyện.
 
Theo tìm hiểu của PV Lao Động, đây là gốc huê lớn nhất được phát hiện và công bố tại Quảng Bình; việc đấu giá sẽ theo Nghị định số 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản. Theo Sở Tài chính tỉnh, giá trị của gốc huê sẽ định giá theo Thông tư số 137/2010/TT-BTC.
 
Hiện gốc huê trên do bị ngâm nước lâu ngày nên chưa thể xác định được trọng lượng thực. Theo quan sát của PV, phần gốc cây huê được chặt rời ra khỏi phần thân bởi dụng cụ là rìu chứ không phải cưa máy nên việc nhận định cây huê trên bị khai thác từ hàng chục năm trước là hoàn toàn có cơ sở.
 
Theo các "đầu nậu" gỗ huê thì gỗ huê nguyên khối tại thị trường Quảng Bình có giá từ 12-15 triệu đồng/kg, tuy nhiên đối với gốc huê trên do bị ngâm dưới nước lâu ngày nên giá trị thực sẽ bị hạ đi rất nhiều khi đem đấu giá.
 
Liên quan đến việc người phát hiện gốc huê trên có được hưởng phần trăm sau khi đấu giá hay không, ông Trần Quang Vũ - Phó Chủ tịch UBND H.Bố Trạch - cho biết, "tất cả đều phải thực hiện theo quy định của Nhà nước".
 
Theo Lao động
 
Đi đánh cá, đụng phải... gỗ sưa nặng 3 tấn, trị giá trên 20 tỷ đồng
 
Ban đầu, để tránh bị phát hiện, nhóm người này đào vào ban đêm tuy nhiên đến sáng 25.2 thì thông tin bị lộ ra ngoài. Theo người dân cho biết, cây gỗ sưa có trọng lượng gần 3 tấn và trị giá trên 20 tỷ đồng.
 
Trước đó, ngày 23.2, hai cha con ông Nguyễn Văn Thời và Nguyễn Văn Huy ở thôn 1 Phúc Đồng, xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình, trong lúc đang đánh cá ở khu vực ngầm bến Tróc, xã Phúc Trạch, thì phát hiện một cây gỗ sưa lớn, nằm sâu dưới nước. 
 
Ngay sau đó, ông Thời về nhà gọi thêm người thân tiến hành đào bới cây sưa. Để tránh bị phát hiện, nhóm người này tiến hành đào vào ban đêm tuy nhiên đến sáng ngày 25.2 thì thông tin bị lộ ra ngoài.
 
 
Sáng ngày 25.2, hàng trăm công an, kiểm lâm cũng đã có mặt để bảo đảm trật tự và phối hợp với người dân địa phương trục vớt khúc gỗ lên.
 
Hàng ngàn người dân cũng tập trung ở khu vực ngầm bến Tróc để xem trục vớt khúc gỗ sưa dài 3m, rộng hơn 1m này.
 
Những người dân nơi đây cũng cho hay, cây gỗ sưa có trọng lượng gần 3 tấn và ước tính trị giá trên 20 tỷ đồng.
 
Ông Phan Thanh Tân - Hạt trưởng hạt kiểm lâm Bố Trạch cho biết, cây gỗ sưa sẽ được cơ quan chức năng phối hợp với người dân được sưa trục vớt lên, sau đó bán đấu giá và chia theo tỉ lệ quy định hiện hành của Nhà nước (nhà nước 90%, người phát hiện 10%).
 
Theo Dân Việt