Huyện Vĩnh Thạnh và huyện K’Bang (tỉnh Gia Lai) có chung đường ranh giới dài gần 60 km, dọc theo các xã: Vĩnh Sơn, Vĩnh Hảo (huyện Vĩnh Thạnh) và xã Sơn Lang, Sơ Pai, Đắk Smar, Nghĩa An (huyện K’Bang). Nhờ 2 huyện tích cực phối hợp quản lý bảo vệ rừng (BVR) khu vực giáp ranh, tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng (BV-PTR) đã được hạn chế khá nhiều.
Diễn biến phức tạp
Vùng giáp ranh có địa hình phức tạp, hiểm trở, là nơi tập trung chủ yếu rừng tự nhiên với trữ lượng giàu và trung bình, gồm nhiều loại gỗ quý hiếm và có giá trị kinh tế cao. Dọc tuyến giáp ranh có nhiều đường mòn ra vào rừng, các đối tượng “lâm tặc” dễ xâm nhập để phá rừng, khai thác, vận chuyển trái phép lâm sản và động vật hoang dã, làm ảnh hưởng đến tài nguyên rừng và an ninh, trật tự địa phương vùng giáp ranh.
Ông Lê Văn Đẩu, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Thời gian qua, hai huyện thường xuyên chỉ đạo các lực lượng phối hợp kiểm tra, truy quét khu vực giáp ranh nên đã hạn chế đáng kể tình trạng phá rừng, khai thác, vận chuyển trái phép lâm sản. Tuy nhiên, diễn biến tình hình vùng giáp ranh còn nhiều phức tạp, đối tượng vi phạm dùng nhiều thủ đoạn rất tinh vi, cấu kết với một số người địa phương theo dõi, cảnh giới, thông tin khi có lực lượng chức năng kiểm tra truy quét, gây rất nhiều khó khăn cho công tác BVR.
Theo Hạt Kiểm lâm (HKL) huyện Vĩnh Thạnh, từ tháng 9.2013 đến nay, qua công tác tuần tra, kiểm soát, hai bên - Vĩnh Thạnh và K’Bang đã phát hiện nhiều vụ vi phạm Luật BV-PTR. Tại địa bàn Vĩnh Thạnh, qua 45 đợt kiểm tra, truy quét tại các khu vực giáp ranh, lực lượng liên ngành, chủ rừng và các địa phương đã phát hiện và xử lý 37 vụ vi phạm Luật BV-PTR. Trong đó, 14 vụ phá rừng trái pháp luật, diện tích thiệt hại gần 22.000 m2 (chủ yếu ở địa bàn xã Vĩnh Sơn); 23 vụ vi phạm khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép; tịch thu 55 m3 gỗ các loại, xử phạt và thu nộp ngân sách gần 2,6 tỉ đồng.
Trong khi đó, HKL K’Bang phối hợp với HKL Vĩnh Thạnh tổ chức kiểm tra, truy quét vùng giáp ranh tại các tiểu khu: 54, 61, 115,118 thuộc xã Sơ Pai; tiểu khu 52, lòng hồ B (xã Sơn Lang); tiểu khu 151, 152 (xã Nghĩa An). Qua đó, phát hiện, xử lý 6 vụ vi phạm Luật BV-PTR, tịch thu gần 23 m3 gỗ tròn, gỗ xẻ các loại, đang củng cố hồ sơ xử lý theo quy định pháp luật.
Tăng cường bảo vệ rừng giáp ranh
Trước những diễn biến phức tạp về tình trạng khai thác gỗ trái phép khu vực giáp ranh, nhất là tuyến giáp ranh với huyện K’Bang, UBND huyện Vĩnh Thạnh và UBND huyện K’Bang đã chỉ đạo UBND các xã vùng giáp ranh, các đơn vị chủ rừng, các lực lượng chức năng nắm thông tin, tổ chức truy quét, xác minh đối tượng vi phạm trên địa bàn để xử lý. UBND hai huyện đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương, các chủ rừng, các hội-đoàn thể phối hợp tuyên truyền, vận động người dân, nhất là các hộ dân sống gần rừng, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc BVR, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR).
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Hạt trưởng HKL Vĩnh Thạnh: Từ tháng 9.2013 đến nay, Hạt đã tổ chức 48 đợt tuyên truyền BVR, PCCCR ở các cụm dân cư, thôn, xã vùng giáp ranh, thu hút khoảng 2.500 lượt người tham gia. HKL, BQL rừng phòng hộ kết nghĩa với các thôn, xã giáp ranh để giúp đỡ bà con miền núi phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, hạn chế tác động tiêu cực vào rừng; tổ chức ký cam kết BVR cho 260 hộ dân sống gần rừng và ven rừng.
Trên địa bàn huyện K’Bang, HKL huyện đã tổ chức 22 đợt tuyên truyền pháp luật BV-PTR, PCCCR ở các xã vùng giáp ranh; có 790 lượt người tham gia đăng ký BVR, tố giác tội phạm phá rừng; ký cam kết an toàn lửa rừng với 470 hộ dân có nhà ở, nương rẫy sản xuất gần khu vực giáp ranh.
Công tác quản lý, BVR tại vùng giáp ranh trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh và huyện K’Bang luôn được sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy Đảng, chính quyền hai huyện. HKL hai huyện thực hiện chức năng tham mưu và là lực lượng nòng cốt trong công tác quản lý, BVR, PCCCR. Các ban chỉ huy BVR thường xuyên được củng cố, kiện toàn từ huyện đến xã và các chủ rừng; các xã giáp ranh thành lập các tổ BVR với sự tham gia của kiểm lâm địa bàn, lực lượng chuyên trách BVR của các công ty, BQL rừng và lực lượng địa phương cùng với người dân tham gia, nhất là các hộ dân nhận khoán BVR.
Để đảm bảo tình hình an ninh, chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn vùng giáp ranh, UBND hai huyện đã chỉ đạo HKL chủ trì phối hợp với các ngành chức năng của huyện, UBND các xã, các đơn vị chủ rừng vùng giáp ranh thực hiện nghiêm túc kế hoạch phối hợp của 2 huyện, thường xuyên trao đổi thông tin, nắm bắt tình hình địa bàn, đồng thời tăng cường các biện pháp kiểm tra, truy quét tại các vùng rừng trọng điểm và các tuyến giáp ranh. Đoàn kiểm tra liên ngành của mỗi huyện thường xuyên tổ chức kiểm tra, kiểm soát lâm sản trên tuyến đường nối liền hai huyện mà “lâm tặc” thường vận chuyển gỗ trái phép như: khu vực đầu nguồn Suối Xem thuộc xã Vĩnh Hảo qua địa phận xã Nghĩa An đi về hướng thị xã An Khê; khu vực đầu nguồn sông Côn và tuyến giáp ranh giữa hồ A và hồ B thủy điện Vĩnh Sơn...
Nhìn chung, qua tổ chức thực hiện công tác phối hợp giữa các ngành chức năng của hai huyện, tình hình quản lý BVR vùng giáp ranh thời gian qua khá ổn định, những vụ việc vi phạm đã được phát hiện, xử lý kịp thời, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tuyến núi được giữ vững.
Theo Báo Bình Định