(BVPL) - Ở mọi quốc gia, đất đai luôn được coi là nguồn tài nguyên của cải đặc biệt quan trọng. Đối với Việt Nam, một quốc gia đất hẹp người đông thì đất đai, ruộng đất càng là tài sản quí hiếm, có giá trị đặc biệt thiết yếu trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Từ năm 1945 sau khi giành độc lập, công tác xây dựng chính sách pháp luật đất đai đã thể chế hoá đúng đắn các chủ trương, đường lối của Đảng gắn với mục tiêu, yêu cầu của cách mạng Việt Nam trong từng giai đoạn phát triển của đất nước.
Thời gian qua trong phạm vi cả nước cũng như tại tỉnh Hưng Yên cả chính sách lẫn thực tiễn tổ chức thực hiện pháp luật đất đai đã được cải thiện tốt hơn nhưng vẫn còn những bất cập, tranh chấp đất đai vẫn xảy ra. Nguyên nhân dẫn đến những tranh chấp, bất cập trong quá trình thực hiện pháp luật đất đai như:
+ Do lịch sử để lại trong quá trình xây dựng đất nước, quá trình quản lý và sử dụng đất đai đặc biệt do chế độ công hữu hóa đất đai trước đây, từ đất tập thể hợp tác xã đất đau được giao về cho các hộ dân nhiều hơn để sản xuất. Quá trình lịch sử đó để lại những khó khăn trong việc phân bổ lại, tái cơ cấu các chính sách sở hữu và sử dụng đất đai.
+ Những bất cập trong bản thân chính sách pháp luật hiện tại và đặc biệt quá trình thực thi pháp luật tại địa phương, có khoảng cách rất lớn giữa các quy định của pháp luật và thực tiễn. Dẫn tới những vấn đề về đất đai tiếp tục tồn tại và còn nóng lên.
Hiến Pháp năm 2013, Luật Đất đai năm 2013 được ban hành đã khắc phục những tồn tại bất cập và thể chế rõ quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước:
- Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hoá đặc biệt, nhưng không phải là quyền sở hữu, được xác định cụ thể phù hợp với từng loại đất, từng đối tượng và hình thức giao đất, cho thuê đất. Nhà nước thực hiện quyền của chủ sở hữu thông qua việc quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cho phép chuyển mục đích sử dụng và quy định thời hạn sử dụng đất; quyết định giá đất; quyết định chính sách điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất không phải do người sử dụng đất tạo ra; trao quyền sử dụng đất và thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế, xã hội theo quy định của pháp luật.
- Người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất để sử dụng ổn định lâu dài hoặc có thời hạn và có các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất và được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, tuỳ theo từng loại đất và nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Người sử dụng đất có nghĩa vụ phải đăng ký quyền sử dụng đất, sử dụng đất đúng mục đích, tuân thủ quy hoạch, trả lại đất khi Nhà nước có quyết định thu hồi đất, chấp hành pháp luật về đất đai.
Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được Nhà nước giao cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách, pháp luật về đất đai. Không đặt vấn đề điều chỉnh lại đất nông nghiệp đã giao cho hộ gia đình và cá nhân, nhưng Nhà nước có chính sách phù hợp để đất nông nghiệp được người trực tiếp sản xuất nông nghiệp sử dụng với hiệu quả cao nhất.
- Đất đai được phân bổ hợp lý, sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm và có hiệu quả cao; bảo đảm lợi ích trước mắt và lâu dài, bảo vệ môi trường sinh thái, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; nâng cao chất lượng và bảo vệ đất canh tác nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.
- Chính sách, pháp luật về đất đai phải góp phần ổn định chính trị - xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế; huy động tốt nhất nguồn lực từ đất để phát triển đất nước; bảo đảm hài hoà lợi ích của Nhà nước, của người sử dụng đất và của nhà đầu tư; bảo đảm cho thị trường bất động sản, trong đó có quyền sử dụng đất, phát triển lành mạnh, ngăn chặn tình trạng đầu cơ. Sử dụng có hiệu quả các công cụ về giá, thuế trong quản lý đất đai nhằm khắc phục tình trạng lãng phí, tham nhũng, khiếu kiện.
- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai; đẩy mạnh cải cách hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch trong quản lý đất đai. Phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ về đất đai. Xây dựng hệ thống quản lý đất đai tiên tiến, ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, hạ tầng thông tin đất đai hiện đại.
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và toàn dân trong thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai. Bảo đảm sự quản lý thống nhất của Nhà nước cấp Trung ương về đất đai, đồng thời phân cấp phù hợp cho địa phương, có chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm chính sách, pháp luật về đất đai. Kiên quyết lập lại trật tự trong quản lý, sử dụng đất đai.
Hưng Yên là tỉnh nằm trong vùng đồng bằng Sông Hồng, một trong bảy tình, thành trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Về mặt hành chính, tỉnh Hưng Yển được chia thành 10 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó 01 thành phố Hưng Yên và 09 huyện: Văn Lâm, Văn Giang, Mỹ Hào, Yên Mỹ, Khoái Châu, Kim Động, Ân Thi, Tiên Lữ, Phù Cừ với tổng diện tích tự nhiên hơn 92.602,89 km2.
Với địa hình đất đai tương đối bằng phẳng, điều kiện thổ nhưỡng đáp ứng được yêu cầu phát triển một nền nông nghiệp thâm canh với cơ cấu sản phẩm đa dạng. Là cơ sở thuận lợi, yếu tố quan trọng để Hưng Yên phát triển kinh tế – xã hội, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển nông sản hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế và hiệu quả quản lý và sử dụng đất. Theo thống kê, kiểm kê diện tích đất đai năm 2014, đất nông nghiệp của tỉnh là 53.962 ha; đất phi nông nghiệp là 38.479 ha; đất tôn giáo, tín ngưỡng 165 ha; đất nghĩa trang 1.002 ha; đất song và mặt nước chuyên dùng 3.504 ha; đất phi nông nghiệp khác 39 ha; đất chưa sử dụng 162 ha.(1) Với những chủ trương, chính sách, pháp luật như hiện nay, tổ chức thực hiện pháp luật đất đai ở tỉnh Hưng Yên cơ bản đạt được những kết quả khả quan trên các mặt: hoạt động xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật được kịp thời và có hiệu quả; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất cho thuê đất, thu hồi đất sát với thực tiễn nhu cầu sử dụng đất; đo đạc lập bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng hệ thống thông tin đất đai minh bạch, thuận lợi đảm bảo quyền và lợi ích của nhà nước và người sử dụng đất; tài chính đất đai và thị trường quyền sử dụng đất trong thị trường bất động sản ổn định; thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai được thực hiện thường xuyên, hiệu quả đã giúp các cấp chính quyền tỉnh Hưng Yên chủ động, kịp thời giải quyết dứt điểm các mâu thuẫn, khiếu kiện, tranh chấp kéo dài; huy động được nhiều lực lượng trong xã hội cùng tham gia. Các địa phương đã đặt công tác giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý đất đai; một số địa phương đã đổi mới công tác tiếp công dân, kiện toàn bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp công dân và giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai.
Từ năm 2012 đến năm 2016, ngành Thanh tra tỉnh Hưng Yên đã tiến hành 162 cuộc thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai. Nội dung: thanh tra trách nhiệm quản lý và sử dụng đất, thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai của một số doanh nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Qua đó phát hiện các dạng sai phạm trong quản lý đất đai: lấn chiếm đất công, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, xây dựng trên đất thuộc hành lang giao thông, thủy lợi, nông nghiệp, ký hợp đồng cho thuê đất không đúng thẩm quyền…kiến nghị xử lý thu hồi về ngân sách nhà nước số tiền: 1.945,85 triệu đồng; xử lý 10,62 ha đất; kiến nghị kiểm điểm đối với 4 tập thể và 5 cá nhân. (2)
Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất toàn tỉnh cấp được 844.547 thửa đất, đạt tỷ lệ 76,954% so với số thửa đất cần cấp GCN, với diện tích 57.211,28ha (đạt tỷ lệ 82,18%), trong đó đã cấp cho: tổ chức 6.304 thửa đất (đạt 63,52%), diện tích 3.731,91ha (đạt 81,85%); các hộ gia đình, cá nhân 838.243 thửa đất (đạt 77,07%), diện tích 53.478,37 ha (đạt 82,21%).(3)
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình tổ chức thực hiện pháp luật đất đai ở tỉnh Hưng Yên vẫn tồn tại không ít những hạn chế như:
Cơ chế thuê đất để thực hiện dự án đầu tư giữa tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân với tổ chức, cá nhân nước ngoài vẫn còn tạo ra sự bất bình đẳng không chỉ về kinh tế mà cả trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vẫn là một trong những vấn đề vướng mắc ở nhiều địa phương, làm chậm tiến độ triển khai nhiều dự án đầu tư, chưa tạo được sự đồng thuận giữa người sử dụng đất, nhà đầu tư và chính quyền địa phương; việc thực hiện các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thực hiện thiếu sự thống nhất giữa các dự án thu hồi đất để sử dụng vào mục đích vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng với các dự án thu hồi đất để sử dụng đất vào mục đích phát triển kinh tế - xã hội; các quy định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với người bị thu hồi đất còn thiếu ổn định và có sự khác nhau giữa các địa phương đã gây nên sự mất công bằng đối với người sử dụng đất.
Hệ thống đăng ký quyền sử dụng đất hiện nay còn mang tính thủ công, thực hiện thiếu thống nhất ở các địa phương. Công tác đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất chậm chưa theo kịp tiến độ đo đạc lập bản đồ địa chính, do đó hạn chế hiệu quả đầu tư đo vẽ bản đồ. Cơ sở dữ liệu bản đồ, hồ sơ địa chính thiếu về số lượng và kém về chất lượng, không được cập nhật thường xuyên, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý đất đai và thị trường bất động sản trong giai đoạn hiện nay. Tỉnh Hưng Yên khi thực hiện dự án VLAP đã hoàn thành nghiệm thu và thanh lý gói thầu “Tích hợp cơ sở dữ liệu địa chính cho tỉnh Hưng Yên” cho 05 huyện và 105 xã, phường, thị trấn các huyện: Khoái Châu, Tiên Lữ, Phù Cừ, Kim Động, Yên Mỹ và Thành phố Hưng Yên. Tuy nhiên việc thực hiện giao dịch điện tử tại tỉnh Hưng Yên chưa được thực hiện; hệ thống hạ tầng cơ sở thông tin, trang thiết bị chưa được đầu tư đầy đủ; trình độ cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu để vận hành giao dịch điện tử. Tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thực hiện chậm, không đạt được mục tiêu đề ra đã ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền sử dụng đất của tổ chức và hộ gia đình cá nhân, hạn chế việc giao dịch quyền sử dụng đất trên thị trường bất động sản.
Công tác định giá đất chưa đáp ứng được yêu cầu giá quy định sát giá thị trường; hiện nay giá đất do Nhà nước quy định vẫn chỉ bằng từ 30% tới 60% giá đất chuyển nhượng thực tế. Chưa tổ chức được hệ thống theo dõi giá đất trên thị trường để làm cơ sở định giá đất phù hợp. Công tác thẩm định giá đất còn một số hạn chế, đội ngũ cán bộ định giá đất chưa được đào tạo cơ bản, hoạt động còn mang tính kiêm nhiệm, nghiệp dư. Nhiều khi việc xác định giá đất cụ thể còn mang tính hình thức, áp đặt chủ quan, chưa xác định một cách khoa học.
Sự phát triển của thị trường quyền sử dụng đất đôi khi còn mang tính tự phát, bị các yếu tố đầu cơ chi phối, tạo nên những biến động thị trường một cách cực đoan, đặc biệt tại các khu vực đô thị, khu công nghiệp và những nơi mà sự chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất đang diễn ra mạnh mẽ. Tại khu vực nông thôn, thị trường quyền sử dụng đất chưa phát huy được hết tiềm năng.
Nguồn thu từ đất đai chưa tương xứng với tiềm năng quỹ đất. Chính sách thuế và phí trong lĩnh vực quản lý đất đai chưa điều tiết hợp lý nguồn thu từ đất vào ngân sách nhà nước; chưa trở thành công cụ quản lý thị trường, chống đầu cơ về đất đai, khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm và có hiệu quả.
Mặc dù tình trạng tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về quản lý và sử dụng đất đai tuy có giảm nhưng lại diễn biến phức tạp. Các vi phạm pháp luật về đất đai, đặc biệt tình trạng tham nhũng trong quản lý đất đai vẫn còn diễn ra ở nhiều địa phương nhưng một số vụ việc chưa được thanh tra, phát hiện và xử lý kịp thời.
Vì vậy, hiện nay và trong thời gian tới, tỉnh Hưng Yên cần tiếp tục thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định triển khai Luật Đất đai cho phù hợp với thực tiễn
Rà soát các quy định của UBND tỉnh để bổ sung cho phù hợp, kịp thời điều chỉnh các quy định không phù hợp như: quy định xử lý một số trường hợp đất bán trái thẩm quyền; hạn mức công nhận đất ở; quy định một số điểm cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư...
Hai là, tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức
- Tuyên truyền phổ biến pháp luật đất đai đến tất cả các ngành, các địa phương dưới mọi hình thức để tạo sự đồng thuận trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý, sử dụng đất đai; để mọi tổ chức,cá nhân, cơ quan được biết, thực hiện việc quản lý, sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Ba là, xây dựng ban hành chính sách tài chính và đầu tư hợp lý
- Xác định rõ đầu tư cho quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát triển bền vững tài nguyên đất là đầu tư cho phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cả trước mắt và lâu dài;
- Nhà nước bảo đảm các nguồn lực đầu tư cần thiết bằng nguồn vốn từ ngân sách của Trung ương và địa phương;
- Có chính sách huy động nhiều nguồn vốn khác nhau như sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khoa học, đóng góp của doanh nghiệp và cộng đồng; hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và các nguồn hỗ trợ khác… để tăng cường đầu tư cho công tác quản lý và sử dụng đất, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật;
- Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai; nghiên cứu đề xuất các giải pháp sử dụng các công cụ tài chính trong quản lý đất đai nhằm ngăn chặn tình trạng lãng phí, sử dụng kém hiệu quả, tham nhũng, đầu cơ trong lĩnh vực đất đai;
- Xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý, hệ thống hồ sơ, cơ sở dữ liệu định giá đất;
Bốn là, tiếp tục điều tra cơ bản trong lĩnh vực đất đai, đánh giá tiềm năng và hiệu quả sử dụng đất phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội
- Thực hiện tốt thống kê đất đai hàng năm, kiểm kê đất đai định kỳ 05 năm và xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất; tổ chức các cuộc điều tra, thống kê chuyên đề theo yêu cầu thông tin phục vụ quản lý;
- Thực hiện điều tra cơ bản định kỳ trên diện rộng để đánh giá đúng thực trạng đất đai về số lượng, chất lượng, hiện trạng sử dụng, tiềm năng, hiệu quả kinh tế, xã hội của việc sử dụng tài nguyên đất đai phục vụ công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đánh giá kinh tế đất và xây dựng chiến lược, định hướng phát triển kinh tế - xã hội;
- Tổ chức điều tra đánh giá các mô hình quản lý, sử dụng đất để đề xuất các giải pháp sử dụng đất hiệu quả, bền vững; đánh giá hiệu quả đầu tư các dự án phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai; tình hình thực hiện cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;
- Điều tra, khảo sát tình hình quản lý và sử dụng đất của các tổ chức kinh tế và các tổ chức sự nghiệp công; tình hình giao đất nông nghiệp cho các hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài; xác định ranh giới đất trồng lúa nước đến từng thửa đất cần bảo vệ nghiêm ngặt trong chiến lược bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.
Năm là, tiếp tục đo đạc, lập bản đồ địa chính, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất
- Triển khai đo đạc tại 4 huyện còn lại (Văn Giang, Văn Lâm, Mỹ Hoà, Ân Thi) chưa hiện dự án VLAP để cơ bản hoàn thành việc đăng ký đất đai và cấp giấy chứng nhận ban đầu, xây dựng hồ sơ địa chính cho toàn bộ các thửa đất đã sử dụng;
- Triển khai thực hiện việc đăng ký biến động đất đai, chỉnh lý thường xuyên hồ sơ địa chính; đồng thời tổ chức chỉnh lý biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất cho phần lớn các địa phương để khắc phục những hạn chế, bất cập của việc chỉnh lý biến động trong nhiều năm qua;
- Xây dựng và triển khai vận hành hệ thống đăng ký điện tử để tự động hóa quy trình đăng ký, cấp giấy chứng nhận; thực hiện thí điểm việc đăng ký thế chấp qua mạng Internet ở một số địa phương;
Sáu là, xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất gắn liền với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường
- Hoàn thiện nội dung lồng ghép với các nhiệm vụ phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo vệ môi trường và đảm bảo quốc phòng - an ninh; phương pháp dự báo và xác định nhu cầu sử dụng đất, làm cơ sở xây dựng các phương án quy hoạch sử dụng đất;
- Hoàn thành công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, xác định quỹ đất để phát triển công nghiệp, dịch vụ, mở rộng đô thị trên quan điểm phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Đảm bảo 100% đơn vị hành chính các cấp thực hiện lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật;
- Kiểm tra, giám sát và đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo từng năm và theo các giai đoạn. Đánh giá tác động kinh tế, xã hội, môi trường của việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Bảy là, tiếp tục cải cách hành chính
- Cải cách hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai theo định hướng xã hội hóa cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực quản lý đất đai;
- Phát triển các mô hình cung cấp dịch vụ công của các tổ chức ngoài công lập, đặc biệt trong các lĩnh vực điều tra cơ bản, định giá đất, lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đăng ký đất đai.
Tám là, quản lý và phát triển quỹ đất, quyền sử dụng đất trong thị trường bất động sản
- Xây dựng và hoàn thiện cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, cơ chế huy động vốn đảm bảo cho Tổ chức phát triển quỹ đất hoạt động có hiệu quả;
- Thực hiện các dự án phát triển quỹ đất đảm bảo đủ quỹ đất để thực hiện giao đất, cho thuê đất qua hình thức đấu giá.
Chín là, xây dựng hệ thống dữ liệu và hệ thống thông tin lưu trữ về đất đai, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ vào quản lý và sử dụng đất đai
- Xây dựng hệ thống dữ liệu không gian nền địa chính các cấp hành chính để cập nhật và chỉnh lý các dữ liệu chuyên môn về hiện trạng sử dụng đất các cấp hành chính theo định kỳ kiểm kê đất đai, cung cấp tài liệu cho các hoạt động điều tra cơ bản liên quan tới đất đai;
- Xây dựng cơ sở dữ liệu vùng giá trị đất phục vụ công tác định giá đất, dự báo biến động về giá đất;
- Xây dựng và hoàn thiện chính sách thương mại hóa thông tin đất đai làm cơ sở thực hiện tự chủ tài chính đối với các cơ quan, đơn vị cung cấp thông tin đất đai;
- Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai;
- Thường xuyên cập nhật và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực quản lý đất đai;
Mười là, tiếp tục thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chính sách pháp luật đất đai, xử lý các vi phạm trong quản lý và sử dụng đất đai
- Tăng cường năng lực cho hệ thống tổ chức thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đất đai để đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai. Cụ thể:
Kiện toàn tăng cường năng lực cho Thanh tra của Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường, cơ quan thanh tra trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã.
+ Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về thanh tra;
+ Tập huấn hàng năm nâng cao nhận thức về chính sách, pháp luật đất đai cho cán bộ tham gia thực hiện thanh tra đất đai của các đơn vị trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường.
Bổ sung, mua sắm trang thiết bị cho thực hiện nhiệm vụ thanh tra:
+ Thiết bị phục vụ cho các đoàn thanh tra, kiểm tra: máy tính xách tay, máy ảnh kỹ thuật số, ổ cứng ngoài, máy ghi âm;
+ Thiết bị chuyên dùng và phần mềm phục vụ việc tiếp nhận, tổng hợp, theo dõi xử lý thông tin phản ánh của tổ chức, cá nhân về tình hình vi phạm pháp luật đất đai
+ Thiết bị tăng cường năng lực cho hoạt động phục vụ thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra: Máy tính, máy in laze, máy fax, máy scan, máy chiếu.
- Đẩy mạnh thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đối với một số loại đối tượng chủ yếu đang có nhiều vi phạm, gây bức xúc, tác động tiêu cực đến quản lý nhà nước về đất đai; đảm bảo việc quản lý, sử dụng đất đúng quy hoạch và pháp luật;
- Thường xuyên kiểm tra, phát hiện và chấn chỉnh các thiếu sót, sai phạm về chuyên môn trong việc thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về đất đai;
- Xây dựng cơ sở dữ liệu về thanh tra, kiểm tra nhằm nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra; tổ chức tốt hoạt động tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh về tình trạng vi phạm pháp luật đất đai như:
+ Cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh, huyện cần thiết lập, công bố rộng rãi và thông báo thường xuyên về đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân về tình trạng vi phạm pháp luật đất đai trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương.
+ Việc tiếp nhận thông tin phản ánh phải theo nhiều hình thức: điện thoại, thư điện tử, qua đường bưu điện;
+ Phải có cán bộ thường trực tiếp nhận thông tin phản ánh;
+ Phải xây dựng quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh của từng cơ quan quản lý đất đai các cấp;
+ Mọi thông tin phản ánh tiếp nhận phải được ghi vào sổ sách để theo dõi, đôn đốc thực hiện;
+ Các thông tin phản ánh rõ nội dung sai phạm và có địa chỉ rõ ràng đều phải được chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra để giải quyết triệt để theo đúng quy định của pháp luật đất đai;
+ Kết quả giải quyết các thông tin phản ánh phải được tổng hợp gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, tổng hợp báo cáo.
- Nâng cao chất lượng công tác giải quyết tranh chấp, khiếu nại và tố cáo về đất đai, đảm bảo lợi ích của Nhà nước và công dân, góp phần ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội;
Tổ chức thực hiện tốt pháp luật đất đai trong thực tiễn quản lý nhà nước góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của tỉnh. Đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay tổ chức thực hiện pháp luật đất đai hiệu quả sẽ đóng góp đáng kể vào việc ổn định chính trị - xã hội, giải quyết các vấn đề dân sinh, bảo đảm an ninh - quốc phòng, đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực và bảo vệ môi trường, đồng thời tạo nguồn thu cho ngân sách.
Th.s Mai Thị Thanh Lan
Trường chính trị tỉnh Hưng Yên
(1) Báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2011-2015
(2) Báo cáo thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo giai đoạn 2012-2016
(3) Báo cáo tổng kết công tác quản lý đất đai tỉnh Hưng Yên năm 2016