“Cử tri cho rằng, giá nhập khẩu thuốc có khoảng cách chênh lệch khá xa với giá bán tại quầy thuốc, kể cả thuốc ở bệnh viện. Nhập vào giá thấp, bán ra giá cao gấp nhiều lần nên lợi nhuận mang lại cho doanh nghiệp dược phầm là kếch xù?”, ĐBQH nêu chất vấn.
|
Bộ trưởng Y tế khẳng định,thị trường thuốc Việt Nam ổn định, không tăng đột biến. Ảnh Như Ý |
Đang có tình trạng loạn giá thuốc (?)
Tiếp tục phiên chất vấn ngày 14/6, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, ĐB Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) đề nghị Bộ trưởng giải thích rõ vì sao giá thuốc Việt Nam hiện cao hơn mặt bằng khu vực?
Có cùng quan tâm, ĐB Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) cho rằng, đang có tình trạng loạn giá thuốc khi không có niêm yết giá, hoặc có niêm yết thì mỗi nơi một khác.
“Cử tri cho rằng giá nhập khẩu thuốc có khoảng cách chênh lệch khá xa với giá bán tại quầy thuốc, kể cả thuốc ở bệnh viện. Nhập vào giá thấp, bán ra giá cao gấp nhiều lần nên lợi nhuận mang lại cho doanh nghiệp dược phầm là kếch xù, còn thiệt thòi thuộc về người bệnh và ngân sách nhà nước. Bộ trưởng có suy nghĩ gì?”, ĐB chất vấn.
Theo Bộ trưởng, có tình trạng bệnh nhân đến khám ngoại trú phải mua giá thuốc tại bệnh viện cao hơn bên ngoài. “Chúng tôi đang làm thông tư, quy định bệnh viện phải mua đúng theo giá trúng thầu, theo nghị định đấu thầu”, bà Tiến cho hay.
Phủ nhận giá thuốc trong nước cao hơn giá khu vực, Bộ trưởng Tiến lý giải, với việc ban hành nghị định đấu thầu, thị trường thuốc Việt Nam ổn định, không tăng đột biến. Theo đánh giá của các tổ chức độc lập quốc tế, giá các thuốc biệt dược, thuốc generic của các bệnh ung thư, tim mạch, tiểu đường so với 6 nước ASEAN đều thấp hơn 10%, trong khi thuốc Thái Lan, Philippines lần lượt cao hơn 37% và 19%.
Bộ trưởng Tiến cho rằng việc giá giữa quầy thuốc bán lẻ khác nhau là do theo quy luật thị trường. Lĩnh vực này có ban thanh kiểm tra liên ngành, nếu không kê khai sẽ bị xử phạt hành chính. Với thuốc trong bệnh viện, sắp tới sẽ điều chỉnh thông tư 11, áp giá quầy thuốc bệnh viện phải bằng giá bệnh viện đã mua.
Kháng thuốc đang ở mức báo động?
ĐB Dương Minh Ánh (Hà Nội) nêu tình trạng kháng thuốc đang ở mức báo động, khi hàng năm có hàng triệu người chết.
ĐB nêu chất vấn, trách nhiệm của Bộ trưởng và giải pháp nào trong việc lập lại kỷ cương quản lý các cơ sở buôn bán dược liệu và hạn chế lạm dụng kháng sinh?
Cùng với đó, ĐB Phạm Văn Tuân (Thái Bình) đề nghị Bộ trưởng cho biết khi nào chấm dứt được tình trạng dược sĩ kê đơn thay bác sĩ?
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Kim Tiến thẳng thắn nhận trách nhiệm khi dân đến hiệu thuốc nào cũng mua được thuốc không cần theo toa. Bộ trưởng cho hay, ngành đã ban hành nhiều thông tư về kê đơn, quản lý quầy thuốc đạt chuẩn nhưng họ không tuân theo. Cục Quản lý Dược đang điểm mô hình quản lý, sắp tới sẽ nhân rộng.
Riêng vấn đề lạm dụng kháng sinh, thời gian tới sẽ chuyển sang kê đơn điện tử, bệnh án điện tử để sử dụng thuốc hợp lý hơn.
Theo Luân Dũng/Báo Tiền Phong