Dự chương trình có các ông Nguyễn Doãn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân; Bộ Tư lệnh Hải quân; các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo TP Thanh Hóa; Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, cựu chiến binh, cựu dân quân và các lực lượng trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng.
    |
 |
Các đại biểu tham dự chương trình. Ảnh: XN
|
Tại chương trình đã ôn lại truyền thống lịch sử 60 năm Hàm Rồng chiến thắng. Theo đó, cách đây 60 năm, trong chiến tranh leo thang đánh phá miền Bắc, không quân Mỹ đã tập trung đánh phá cầu Hàm Rồng nhằm cắt đứt huyết mạch giao thông quan trọng, ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Không quân Mỹ xác định: Từ Hà Nội vào đường mòn Hồ Chí Minh có 60 điểm tắc, trong đó Hàm Rồng được xem là một “điểm tắc lý tưởng”, là “đầu mút của khu vực cán xoong”. Do đó, đánh phá Hàm Rồng được Nhà Trắng và Lầu Năm Góc chọn là mục tiêu quan trọng nhất trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất.
Sáng ngày 3/4/1965, 16 chiếc máy bay đầu tiên của Mỹ đã ném bom đánh phá nhiều vị trí trọng yếu của tỉnh Thanh Hóa như cầu Đò Lèn (Hà Trung), cầu Cun (Nông Cống), ga Văn Trai (Tĩnh Gia)... Riêng khu vực Hàm Rồng - Nam Ngạn - Yên Vực, máy bay địch đã cắt bom bắn phá 80 lần, ném 350 quả bom, bắn 149 quả đạn rốc-két. Đây là lần đầu tiên kể từ khi mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc, Đế quốc Mỹ tổ chức một trận đánh với quy mô lớn và mức độ ác liệt nhất.
    |
 |
Các đại biểu tham dự chương trình. Ảnh: XN
|
Để bảo vệ cầu Hàm Rồng, ta đã bố trí lực lượng phòng không chủ lực kết hợp với lực lượng phòng không tầm thấp của lực lượng vũ trang Thanh Hóa, không quân tiêm kích tạo thành lưới lửa phòng không nhiều tầng, nhiều lớp sẵn sàng đón máy bay địch, quyết tâm bảo vệ bằng được cầu Hàm Rồng. Sau 2 ngày chiến đấu kiên cường với tinh thần “Quyết thắng” quân và dân ta đã bắn rơi 47 máy bay, bắt sống nhiều giặc lái, bảo vệ an toàn cầu Hàm Rồng. Đặc biệt, Hàm Rồng chiến thắng đánh dấu bước trưởng thành của Không quân Việt Nam khi lần đầu tiên ra trận không quân ta đã bắn rơi 2 chiếc F8 của địch và ngày 03/4/1965 đã trở thành ngày truyền thống của Bộ đội Không quân Việt Nam.
Từ trong mưa bom, bão đạn đã có nhiều tấm gương chiến đấu anh dũng, kiên cường, như: dân quân Yên Vực chèo thuyền vượt sông Mã chở đạn dược cho bộ đội cao xạ; nữ Anh hùng Ngô Thị Tuyển vác 98kg đạn, nặng gấp đôi trọng lượng cơ thể tiếp đạn cho bộ đội; dân công làng Hạc Oa, Đông Cương không quản hiểm nguy tiếp đạn, cứu thương cho các trận địa cao xạ đồi 75, C4, Quyết Thắng, Không Tên; các mẹ, các chị trong làng Đông Sơn nấu cơm đưa ra trận địa pháo cho bộ đội; sư cụ Đàm Xuân trụ trì chùa Mật Đa đã dỡ nhà làm hầm trú ẩn cho bộ đội, lấy cánh cửa chùa làm cáng cứu thương để lại tiếng thơm cho muôn đời; Nhân dân Hàm Rồng, Nam Ngạn, Yên Vực đã tình nguyện giao nhà cho bộ đội, hiến tài sản, của cải vật chất phục vụ chiến đấu… đã đi vào lịch sử làm nức lòng Nhân dân cả nước, khiến bạn bè yêu chuộng công lý và hòa bình trên thế giới khâm phục.
    |
 |
Các nhân chứng giao lưu, chia sẻ về những ngày tháng từng trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên trận địa Hàm Rồng. Ảnh: XN
|
Sự kiện Hàm Rồng chiến thắng vào các ngày 03 - 04/4/1965 đã trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tiếp thêm niềm tin, ý chí để quân, dân cả nước tiếp tục tiến lên đánh thắng Đế quốc Mỹ và tay sai, giành lại độc lập tự do, thống nhất đất nước. Để bảo vệ cầu Hàm Rồng trong kháng chiến chống Mỹ, quân và dân Hàm Rồng đã phối hợp với bộ đội chủ lực bắn rơi 117 máy bay các loại, bắt sống nhiều giặc lái, bảo vệ cầu, bảo đảm giao thông thông suốt, góp phần cùng quân, dân cả nước đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.
Tại chương trình, các đại biểu đã gặp gỡ, giao lưu với những nhân chứng từng trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên trận địa Hàm Rồng là nhà văn Lê Xuân Giang, nguyên Chính trị viên Đại đội 4 Hàm Rồng, nguyên Chủ tịch hội Văn học - Nghệ thuật Thanh Hóa; nhà giáo Trịnh Văn Quảng, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa; Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Ngô Thị Tuyển; Thiếu tướng Trịnh Xuân Thu, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục an ninh, Bộ Công an, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa, người từng trực tiếp tham gia bảo vệ cầu Hàm Rồng cách đây 60 năm; Thượng tá Ngô Xuân Văn, Phó Sư đoàn trưởng Sư đoàn 350, đơn vị từng trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng và ông Lương Trọng Nam, con trai của liệt sĩ Lương Trọng Gụ, người đã hy sinh trên trận địa Hàm Rồng.
    |
 |
Toàn cảnh chương trình gặp gỡ. Ảnh: XN
|
Phát biểu tại chương trình, thay mặt lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn bày tỏ lòng thành kính và nhớ ơn các anh hùng, liệt sỹ và các lực lượng trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu đã ngã xuống để bảo vệ cầu Hàm Rồng. Máu xương của các anh hùng, liệt sỹ đã hóa vào đất thiêng Hàm Rồng góp phần để quê hương, đất nước được nở hoa độc lập, kết trái tự do, Nhân dân được sống trong hòa bình, ấm no, hạnh phúc. Xin khắc cốt, ghi tâm công lao to lớn của các bác, các anh, các chị các thế hệ đi trước đã không quản ngại hiểm nguy bảo vệ cầu Hàm Rồng.
    |
 |
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn phát biểu tại chương trình gặp gỡ. Ảnh: XN
|
Chiến thắng Hàm Rồng không chỉ là niềm tự hào của Nhân dân Thanh Hóa mà còn là thắng lợi của đường lối chiến tranh Nhân dân, của ý chí kiên cường, bản lĩnh vững vàng trí tuệ Việt Nam, trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tiếp thêm niềm tin, ý chí để quân, dân cả nước tiếp tục tiến lên đánh thắng đế quốc Mỹ và tay sai, giành lại độc lập tự do, thống nhất đất nước.
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng của 60 năm chiến thắng Hàm Rồng, kế tiếp ước nguyện của cha anh và các thế hệ đi trước trong sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương; Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị trong thời gian tới Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân TP Thanh Hóa cùng các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho thế hệ trẻ thành phố về chiến thắng Hàm Rồng, truyền thống và lịch sử hào hùng của cha anh và các thế hệ đi trước với cách làm sáng tạo, bài bản, khoa học, phù hợp với từng lứa tuổi. Khơi dậy mạnh mẽ niềm tự hào, khát vọng vươn lên trong mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân thành phố cùng đồng tâm, đồng sức chung tay cùng cấp ủy, Chính quyền cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.
    |
 |
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Doãn Anh trao quà cho đại diện các đơn vị quân đội đã trực tiếp chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng. Ảnh: XN
|
Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng; duy trì và nhân rộng các hoạt động tri ân hằng năm đối với người có công, cựu chiến binh, cựu dân quân và các lực lượng trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng; tăng cường kêu gọi, thu hút đầu tư đưa Hàm Rồng trở thành điểm đến hấp dẫn về du lịch làm thay đổi mạnh mẽ hơn nữa diện mạo của Hàm Rồng.
Tại chương trình gặp mặt, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Doãn Anh đã trao những món quà ý nghĩa cho đại diện các đơn vị quân đội đã trực tiếp chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng./.