Cuộc thi được tổ chức nhằm xét duyệt, tuyển chọn được những tác phẩm dự thi xuất sắc về hình tượng tiêu biểu với ý chí quật cường của Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh - Bà Triệu trong bối cảnh đất nước bị xâm lược, đô hộ.

leftcenterrightdel
Đền Bà Triệu tại Thanh Hóa.

Tác phẩm thể hiện bằng ngôn ngữ điêu khắc, tập trung diễn tả hình tượng người nữ anh hùng dân tộc cưỡi voi xông trận đánh đuổi quân Ngô với tư thế hiên ngang, oai phong lẫm liệt, thể hiện khí phách oai hùng, hoài bão lớn nhưng vẫn gần gũi với nhân dân, với hình ảnh người phụ nữ Việt Nam.

Các tổ chức, cá nhân, nhóm tác giả liên danh gửi mẫu phác thảo tượng đài Bà Triệu dự thi bằng chất liệu thạch cao hoặc bằng đồng có chiều cao từ 70cm trở lên, kèm theo thuyết minh ý tưởng nghệ thuật, bản vẽ phối cảnh tượng đài, bản thiết kế cơ sở quy hoạch tổng thể.

Yêu cầu mẫu phác thảo là mẫu tượng toàn thân, gắn với hình tượng voi chiến, là tác phẩm mỹ thuật có chất liệu bền vững, công trình thẩm mỹ cao và khả thi trong quá trình xây dựng.

Sẽ có 10 tác phẩm được lựa chọn tới vòng cuối cùng để Hội đồng nghệ thuật chấm chọn với số điểm từ cao xuống thấp với cơ cấu giải thưởng gồm: 1 giải nhất (100 triệu đồng); 2 giải nhì (mỗi giải 70 triệu đồng); 3 giải ba (mỗi giải 40 triệu đồng); 4 giải khuyến khích (mỗi giải 20 triệu đồng) - Tổng giải thưởng 440 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa.

Tác phẩm dự thi nếu đạt các giải nhất, nhì, ba, ngoài nhận tiền thưởng sẽ được Ban tổ chức cuộc thi trình Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa để xem xét, lựa chọn mẫu tượng đài.

Sau khi được lựa chọn được mẫu tượng đài sẽ tiến hành xây dựng dựng trên đỉnh núi Gai, thuộc quần thể di tích quốc gia đặc biệt Đền Bà Triệu (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc).

Khu vực xây dựng tượng đài Bà Triệu rộng khoảng 1,4ha; tượng đài cao 36m. Toàn bộ dự án có tổng mức đầu tư hơn 255 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 đến 2025 (không quá 4 năm). Chủ đầu tư là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa.

Trước đó vào năm 2022, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có kết luận về mẫu phác thảo tượng đài Bà Triệu, đồng thời giao UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, các đơn vị liên quan tiếp thu, hoàn thiện và xin ý kiến nhân dân (nếu thấy cần thiết) để tạo sự đồng thuận cao trong quá trình thực hiện các bước tiếp theo.

Sau khi mẫu phác thảo xuất hiện đã có nhiều ý kiến trái chiều của những người am hiểu về điêu khắc, nghệ thuật và người dân, cho rằng mẫu phác thảo chưa hợp lý. Việc lấy ý kiến người dân cũng chưa được triển khai và đến nay, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa tổ chức cuộc thi "Sáng tác mẫu phác thảo tượng đài Bà Triệu chất liệu đồng"./.

Bình Minh