(BVPL) - Đó là ý kiến của ĐB Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội) trong phiên thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật Tố tụng Dân sự (sửa đổi). Tại phiên thảo luận này, đa số ý kiến nhất trí với việc xác định VKS là cơ quan tiến hành tố tụng.

 


Xác định VKS là Cơ quan tiến hành tố tụng

ĐB Huỳnh Nghĩa (đoàn TP Đà Nẵng) nhận định vai trò của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự, Điều 262 Hiến pháp năm 2013 và pháp luật từ trước đến nay luôn xác định: Viện kiểm sát là cơ quan tiến hành tố tụng, Điều 107 Hiến pháp và Điều 2, Luật tổ chức Viện kiểm sát khẳng định: “Viện kiểm sát có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân...”. Để thực hiện nhiệm vụ này, Viện kiểm sát có trách nhiệm phát hiện, nêu rõ mọi vi phạm pháp luật của các chủ thể trong việc giải quyết vụ án, đồng thời thể hiện rõ quan điểm về việc xử lý các vi phạm đó. ĐB Nghĩa giải thích: Điều 27, Luật tổ chức Viện kiểm sát quy định quyền kiểm sát việc thụ lý giải quyết vụ án tham gia phiên tòa, phiên họp, phát biểu quan điểm để giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật. Như vậy, pháp luật không giới hạn phạm vi kiểm sát, phạm vi phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về nội dung giải quyết vụ án và việc chấp hành pháp luật tố tụng.

“Điều 4, Luật tổ chức Viện kiểm sát quy định chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp không chỉ nhằm mục đích phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật xảy ra mà còn phòng ngừa vi phạm. Thực tiễn công tác kiểm sát xét xử vụ việc dân sự cho thấy, để tham gia phiên tòa, Viện kiểm sát phải nghiên cứu, theo dõi chặt chẽ quá trình thụ lý, xây dựng hồ sơ nên nắm được nội dung vụ án. Do đó, tôi đề nghị luật cần quy định Kiểm sát viên có thẩm quyền đề nghị Hội đồng xét xử về hướng giải quyết vụ án giúp cho Hội đồng xét xử có thêm cơ sở để tham khảo, đánh giá vụ án khách quan, đầy đủ, toàn diện, tuyên án đúng pháp luật, hạn chế việc kháng cáo, kháng nghị không cần thiết” - ĐB Nghĩa nói.

ĐB Giàng Thị Bình (đoàn Lào Cai) phân tích vị trí, vai trò, sự tham gia vào việc phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân quy định tại các Điều 46, 57, 58. “Tôi đồng tình với quan điểm của cơ quan soạn thảo, đó là cần tiếp tục khẳng định trong luật này nội dung Viện kiểm sát là cơ quan tiến hành tố tụng. Bởi lẽ, theo quy định tại Điều 107, Hiến pháp năm 2013, Điều 4, 27, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 đều quy định Viện kiểm sát là cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Trên thực tế, Viện kiểm sát thực hiện quyền kiểm sát giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính, các vụ việc dân sự, án kinh doanh thương mại, lao động. Ngoài quyền kiểm sát hoạt động tư pháp, Viện kiểm sát còn phát biểu quan điểm giải quyết vụ án. Việc phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về hướng giải quyết vụ án theo tôi không làm ảnh hưởng đến tính quyết định giải quyết vụ án của Tòa án nên không ảnh hưởng gì đến tính độc lập trong xét xử của Tòa án. Vì muốn có kết luận chính xác việc giải quyết vụ án đúng pháp luật, Tòa án phải căn cứ vào các chứng cứ thu thập được và đánh giá chứng cứ một cách khách quan theo đúng quy định của pháp luật.

Đồng quan điểm, ĐB Chu Sơn Hà (đoàn TP Hà Nội) cho rằng, nếu như trong việc tham gia xét xử các vụ việc dân sự mà Viện kiểm sát chỉ phát biểu về trình tự tố tụng, tức là việc kiểm sát hoạt động tuân thủ pháp luật về các vụ án đó cũng như hoạt động giám sát. Trong Luật Hoạt động giám sát chúng ta giám sát văn bản quy phạm pháp luật. Văn bản này có trình tự hết sức chặt chẽ, rất ít các chế định sai. Đối tượng giám sát rất ít. Bây giờ lại nói hạn chế trong đối tượng đó, chính ra phải giám sát tất cả các văn bản pháp luật... Viện kiểm sát cũng phải là một cơ quan tiến hành tố tụng như tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đó là phát biểu về cả việc tuân thủ pháp luật về tố tụng dân sự lẫn phát biểu về việc giải quyết vụ án. Giải quyết vụ án không phải là Viện kiếm sát nói ra thế nào thì Hội đồng xét xử quyết định như thế mà không ảnh hưởng gì đến quyết định của Hội đồng xét xử. Hội đồng xét xử phải lắng nghe tất cả ý kiến tranh luận trong phiên tòa đó để đưa ra một quyết định công bằng nhất. Có ý kiến của Viện kiểm sát để giúp các bên được hưởng sự công bằng cao hơn.

ĐB Trần Ngọc Vinh (đoàn TP. Hải Phòng) khẳng định, pháp luật về tố tụng dân sự từ trước đến nay luôn khẳng định Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan tiến hành tố tụng, không phụ thuộc vào việc có hay không có thẩm quyền khởi tố vụ án và thực tiễn đã chứng minh quy định Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan tiến hành tố tụng đã, đang phát huy tác dụng tốt, góp phần cùng Tòa án giải quyết vụ án đúng pháp luật và kịp thời. ĐB Vinh nói thêm về việc phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát tại phiên tòa sơ thẩm. Nội dung này, đề nghị quy định tại phiên tòa sơ thẩm Viện kiểm sát được phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án bao gồm cả việc chấp hành pháp luật, nội dung pháp luật tố tụng vì theo Khoản 3, Điều 107 Hiến pháp năm 2013 và Điều 2, Luật tổ chức Viện kiểm sát năm 2014 đã quy định. Với quy định này, Viện kiểm sát có trách nhiệm phát biểu cả về nội dung vụ án và việc chấp hành pháp luật tố tụng. Vai trò của Viện kiểm sát là bảo vệ pháp luật, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, không đứng về một bên. Hơn nữa, từ thực tiễn công tác kiểm sát việc xét xử các vụ án dân sự những năm qua cho thấy, việc Viện kiểm sát được phát biểu tại phiên tòa sơ thẩm có tác dụng làm cho giải quyết vụ án bảo đảm chính xác, kịp thời đúng pháp luật. Vì đây là cơ sở quan trọng để Hội đồng xét xử đánh giá một cách đầy đủ toàn diện vụ án. Đồng thời kịp thời khắc phục những vi phạm trong tố tụng có thể xảy ra. Qua đó góp phần giải quyết vụ án đúng pháp luật, kịp thời, hạn chế việc kháng cáo, kháng nghị bản án kéo dài thời gian giải quyết vụ án.

Cần bổ sung quyền thu thập chứng cứ để kháng nghị

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) nêu quan điểm, Viện kiểm sát thay mặt nhà nước cho nên tôi đề nghị xác định như Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Viện kiểm sát là cơ quan tiến hành tố tụng là hoàn toàn chính xác, tôi ủng hộ quan điểm đó.

ĐB Nguyễn Bá Thuyền cũng cho rằng, Viện kiểm sát nhân dân nếu vắng mặt tại phiên tòa, có lý do chính đáng phiên tòa phải hoãn. Vì thực ra Viện kiểm sát là người kiểm sát hoạt động xét xử của Tòa án, thông qua việc xét xử đó phát biểu quan điểm của mình, nếu Viện kiểm sát vắng mặt mà Tòa vẫn tiến hành xét xử thì vấn đề này cần nghiên cứu. Ông Thuyền đề nghị bổ sung vấn đề này.

Viện kiểm sát có quyền tham gia phát biểu quan điểm của mình đối với nội dung vụ án. Viện kiểm sát tham dự phiên tòa mà không được phát biểu về nội dung mà chỉ phát biểu về hình thức thì cần phải xem lại. Viện kiểm sát tham gia phiên tòa cũng là thay mặt nhà nước, cho nên phải phát biểu cả về hình thức và nội dung. Phát biểu của Viện kiểm sát không cản trở quyết định của Tòa án. Viện kiểm sát nghiên cứu, căn cứ vào kết quả tranh tụng ở phiên tòa để Tòa tuyên. Có người lập luận tại vì ý kiến của Viện kiểm sát chi phối lớn đến người khác. Nhưng vấn đề là phải căn cứ vào kết quả tranh tụng ở phiên tòa chứ không chỉ căn cứ vào ý kiến của Viện kiểm sát.

Về thẩm quyền xác minh, thu thập chứng cứ của Viện kiểm sát, ĐB Thuyền lập luận, nếu Viện kiểm sát không có quyền này thì hạn chế quyền của Viện kiểm sát. Có nhiều vụ việc người dân cung cấp chứng cứ không được vì nó liên quan đến trách nhiệm của cơ quan nhà nước, thậm chí Tòa án yêu cầu các cơ quan cung cấp chứng cứ người ta cũng không cung cấp. Tôi đề nghị Viện kiểm sát được tham gia để đảm bảo việc kháng nghị của Việt kiểm sát. Nhiều lần Tòa án yêu cầu các cơ quan quản lý cung cấp chứng cứ nhưng không được cung cấp. Thiếu chứng cứ vẫn xét xử thì Viện kiểm sát có quyền thu thập giúp cho việc kháng nghị chính xác hơn.
 

Ngọc Đức

.