(BVPL) - Điều 25 Hiến pháp năm 2013 đã hiến định các nguyên tắc thực hiện quyền tự do báo chí: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Do vậy, ngoài chủ thể là báo chí, nhà báo, dự thảo Luật đã bổ sung một số quy định mới như: Công dân có quyền tham gia hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật và được Nhà nước bảo hộ; nhà báo, công dân có quyền tiếp cận các thông tin mà Nhà nước không cấm theo quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin phục vụ cho việc thông tin trên báo chí; công dân có quyền được biểu đạt thông tin; tham gia giám sát, phản biện xã hội trên báo chí.
Nội dung Điều 13 và Điều 14 quy định về trách nhiệm của cơ quan báo chí, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân còn Điều 38 và Điều 41 quy định về trả lời trên báo chí và phản hồi thông tin, không có nội dung trùng lặp. Về mô hình hoạt động của cơ quan báo chí, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, hiện còn quá nhiều cơ quan báo chí do các cơ quan nhà nước thành lập và bao cấp kinh phí hoạt động, làm tăng gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Do vậy, dự thảo Luật cần quy định theo hướng sắp xếp, tổ chức lại hệ thống các cơ quan báo chí, đặc biệt là các cơ quan báo chí của cơ quan, tổ chức hưởng ngân sách nhà nước nhằm nâng cao chất lượng báo chí và giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước; đồng thời phân loại các cơ quan báo chí và quy định mô hình hoạt động của cơ quan báo chí phù hợp với thực tiễn, làm cơ sở để Chính phủ xây dựng quy hoạch báo chí và có cơ chế tài chính tương ứng với từng loại hình cơ quan báo chí.
Ở nội dung này, Ban soạn thảo thấy rằng: Việc sắp xếp, tổ chức lại hệ thống các cơ quan báo chí, đặc biệt là các cơ quan báo chí của cơ quan, tổ chức hưởng ngân sách đang được các Bộ, ngành, địa phương, Hội và Liên hiệp hội tiến hành triển khai theo Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đã được Bộ Chính trị thông qua. Đối tượng thành lập cơ quan báo chí được quy định cụ thể tại Điều 15 dự thảo luật, gồm: Cơ quan của Đảng; cơ quan nhà nước; tổ chức chính trị; tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp; tổ chức xã hội; tổ chức xã hội - nghề nghiệp từ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc tương đương trở lên; cơ quan trung ương của các tổ chức tôn giáo hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Đơn vị sự nghiệp có thu bao gồm: đơn vị tự bảo đảm chi phí hoạt động, đơn vị tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động và đơn vị do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động. Do vậy, quy định cơ quan báo chí hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp có thu như dự thảo Luật là phù hợp.
Về giấy phép trong hoạt động báo chí, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật quy định đến 7 nội dung cấp giấy phép và 4 nội dung phải thông báo với sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước về báo chí là quá nhiều, làm tăng thủ tục hành chính, giảm tính chủ động của cơ quan báo chí, hạn chế quyền tự do báo chí.
Về vấn đề này, Ban soạn thảo thấy rằng, các thủ tục hành chính quy định trong dự thảo luật đã được cân nhắc rất kỹ lưỡng về sự cần thiết để phục vụ công tác quản lý nhà nước, không làm hạn chế quyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân có tham gia hoặc liên quan đến hoạt động báo chí. So với quy định của pháp luật báo chí hiện hành, dự thảo Luật lần này đã bỏ một số thủ tục hành chính không còn phù hợp, đã chuyển một số thủ tục hành chính là cấp phép thành hình thức thông báo, cụ thể: Đã bỏ 10 thủ tục cấp giấy phép; việc thay đổi về trụ sở chính, nơi in, thời gian phát hành, phạm vi phát hành chủ yếu đã thay chấp thuận thành thông báo với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí.
Khoản 4 Điều 27 quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí về quản lý nhân sự của cơ quan báo chí, khoản 4 Điều 30 quy định trách nhiệm của tổng biên tập trong việc điều hành, quản lý phóng viên, biên tập viên và nhân sự thuộc quyền theo phân cấp quản lý cán bộ, không có sự chồng chéo. Về tuổi đảm nhiệm chức danh của lãnh đạo cơ quan báo chí, tổng biên tập, phó tổng biên tập của cơ quan báo chí: Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội sẽ bổ sung quy định việc đảm nhiệm chức danh trên cơ sở hợp đồng lao động; cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí có nhu cầu, đương sự tự nguyện và đáp ứng điều kiện về sức khỏe, trí tuệ.
Về cung cấp thông tin cho báo chí: Đa số ý kiến thành viên Ủy ban cho rằng, việc bảo vệ nguồn tin của báo chí là vô cùng quan trọng đối với người làm báo. Thực tế hiện nay, loại tội phạm nghiêm trọng rất phổ biến và đa dạng. Nếu quy định như dự thảo Luật sẽ gây khó khăn cho người làm báo trong việc bảo vệ nguồn tin. Do đó, đề nghị chỉ nên yêu cầu việc tiết lộ nguồn tin đối với tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị giữ nguyên như quy định trong dự thảo Luật. Điều 7 Luật hiện hành quy định, tiết lộ người cung cấp thông tin khi có yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân hoặc Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng. Qua 16 năm thi hành Luật, quy định này đã phục vụ tốt công tác điều tra, xét xử tội phạm.
Đại biểu Lê Minh Hiền– (Đoàn Khánh Hòa) nêu ý kiến: Chuyện chụp ảnh bị cáo tại phiên toà diễn ra khá phổ biển. Hiện nay, không có quy định nào buộc nhà báo phải xin phép bị cáo mới được chụp và đăng ảnh người đó tại phiên toà xét xử công khai. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 không quy định còn Bộ luật Dân sự 2005 và pháp luật về báo chí quy định chưa thống nhất về điều này nên việc áp dụng có khác nhau, mỗi nơi mỗi kiểu, trong khi đó quyền của cá nhân về hình ảnh là quyền nhân thân được Hiến pháp bảo hộ. Trong thực tiễn, khi thông tin về nhiều vụ án hình sự báo chí có đăng ảnh nghi can, hình ảnh do cơ quan Công an cung cấp dưới dạng hồ sơ, có ý kiến cho rằng như vậy là vi phạm nhân quyền về hình ảnh cá nhân.
Từ thực tiễn thi hành cho thấy việc đồng thuận và phản đối chụp ảnh bị cáo tại phiên toà đều viện dẫn khoản này, điều nọ của luật này, luật kia. Đây là bất cập, vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật về quyền của cá nhân về hình ảnh và quyền của báo chí trong việc đăng ảnh cá nhân như thế nào mới đúng? Nghị định 51 năm 2002 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Báo chí có quy định: “Không được đăng, phát ảnh của cá nhân mà không có chú thích rõ ràng hoặc làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân đó (trừ ảnh thông tin các buổi họp công khai, sinh hoạt tập thể, các buổi lao động, biểu diễn nghệ thuật, thể dục thể thao, những người có lệnh truy nã, các cuộc xét xử công khai của tòa án, những người phạm tội trong các vụ trọng án đã bị tuyên án)”.
Luật Báo chí còn nhiều vấn đề chưa được cụ thể, như tiêu chí nào để xác định thế nào là ảnh cá nhân, ảnh sinh hoạt tập thể, thế nào là vì lợi ích cá nhân, lợi ích công cộng. Đặc biệt là đăng ảnh đương sự trong các phiên toà dân sự, hành chính, lao động, pháp luật cần quy định để áp dụng thống nhất, đồng bộ. Luật Báo chí (sửa đổi) cần quy định cụ thể để bảo vệ quyền nhân thân, trong đó có quyền của cá nhân đối với hình ảnh.
Đại biểu Hà Minh Huệ– (Đoàn Bình Thuận) cho rằng: Báo chí có quyền và trách nhiệm không cung cấp nguồn tin nếu có hại cho người cung cấp thông tin. Đây là nguyên tắc hết sức phổ biến trong báo chí quốc tế. Báo chí phải thể hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình tham gia vào phản biện xã hội, thực hiện chức năng thông tin.
Tin tức nhà báo không tự bịa ra được và báo chí sống bằng nhiều nguồn tin của mình. Do vậy, các nguồn tin đóng góp vai trò rất quan trọng làm cho nhà báo thành công trong những bài viết về tham nhũng. Tôi phải nhắc lại báo chí cần thực hiện đúng theo luật là bảo vệ nguồn tin để bảo đảm cho người cung cấp thông tin về tham nhũng, tiêu cực không bị sợ hãi, không bị ai trả thù.
Điều 86 về vai trò, trách nhiệm của báo chí trong Luật Phòng chống tham nhũng bổ sung, sửa đổi năm 2012 có khẳng định: Nhà nước khuyến khích các cơ quan báo chí, phóng viên đưa tin, phản ánh về vụ việc tham nhũng và hoạt động phòng chống tham nhũng. Các cơ quan báo chí, phóng viên có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cung cấp thông tin tài liệu liên quan đến hành vi tham nhũng. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu đó theo quy định của pháp luật. Trường hợp không cung cấp cho báo chí phải trả lời bằng văn bản và có lý do. Bên cạnh đó, cơ quan báo chí phải đưa tin trung thực, khách quan; Tổng biên tập, Phóng viên phải chịu trách nhiệm cao về việc đưa tin, chấp hành pháp luật về báo chí.
Nhóm PVNC