Trong hai ngày (3-4/6), Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Các đại biểu thảo luận nhiều nội dung, trong đó nổi lên những vấn đề: cần trao thực quyền cho Hội đồng Hiến pháp (HĐHP), hiến định vai trò lãnh đạo của Đảng, giữ nguyên tên nước...

 


Cần thiết hiến định vai trò lãnh đạo của Đảng

Đại biểu Phạm Đức Châu (đoàn Quảng Trị) cho rằng, trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 quy định, Đảng lãnh đạo toàn diện Nhà nước và xã hội là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn khách quan và hợp lòng dân. “Bản lĩnh chính trị và năng lực lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã được chứng minh qua lịch sử dân tộc, đặc biệt những giai đoạn khó khăn nhất của cách mạng Việt Nam, kể cả khi chưa có Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tôi cũng như đại bộ phận người dân Việt Nam bằng niềm tin và sự biết ơn sâu sắc đối với Đảng Cộng sản Việt Nam nên hoàn toàn nhất trí cao với việc khẳng định vai trò, vị trí lãnh đạo của Đảng được quy định tại Điều 4 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992...” - đại biểu Châu khẳng định.

Trong khối đại đoàn kết toàn dân, việc hiến định vai trò lãnh đạo của Đảng là khẳng định nhân dân tuyệt đối tin tưởng và cao hơn nữa là nhân dân trao trọng trách cho Đảng, yêu cầu Đảng Cộng sản Việt Nam phải xứng đáng ở vị trí, vai trò lãnh đạo. “Là một đất nước có độc lập chủ quyền, chúng ta có toàn quyền quyết định và ghi nhận trong Hiến pháp sửa đổi lần này: Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Vì những lẽ đó, tôi đề nghị giữ Điều 4 như Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992...” - đại biểu Châu kiến nghị.

Mọi thành phần kinh tế bình đẳng

Đại biểu tỉnh Hà Nam Lê Văn Tân nhất trí với phương án 3, Điều 54 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế”. Đại biểu Tân cho rằng, không nhất thiết phải kể tên các thành phần kinh tế, như thế có thể là thiếu hoặc thừa. “Các thành phần kinh tế đều bình đẳng, đề cập nội dung như vậy là đủ, vừa đảm bảo tính khái quát và ổn định của Hiến pháp khi cơ cấu kinh tế thay đổi. Không quy định thành phần kinh tế chủ đạo của kinh tế nhà nước để không có sự phân biệt, đối xử không bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường...”.

Đại biểu Tân chú giải thêm: Tài nguyên của quốc gia đương nhiên do Nhà nước nắm giữ, quản lý, còn doanh nghiệp nhà nước chỉ làm những gì mà khu vực tư nhân không muốn làm, hoặc không thể làm khi Nhà nước đã tạo điều kiện thuận lợi. Doanh nghiệp nhà nước nắm giữ những lĩnh vực quan trọng nhất của quốc gia như: khai thác dầu khí, truyền tải điện, công nghiệp quốc phòng... “Vậy nên, không đề cập đến việc kinh tế nhà nước là chủ đạo vẫn đảm bảo nền kinh tế của chúng ta theo định hướng xã hội chủ nghĩa, quan tâm đến những vấn đề xã hội thông qua các công cụ điều tiết nền kinh tế như thuế, chính sách khuyến khích hỗ trợ...” - đại biểu Tân lập luận.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) khẳng định: “Tôi đề nghị chọn phương án 3 như nội dung dự thảo, nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật. Tôi xin nhấn mạnh cụm từ “bình đẳng” tại khoản 2, Điều 54 là vô cùng ý nghĩa và đúng đắn, đây cũng là nguyện vọng của đại bộ phận cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài đã, đang và sẽ tiếp tục mong muốn hợp tác với Việt Nam...”.

Băn khoăn về thẩm quyền của Hội đồng Hiến pháp

Còn đại biểu Trần Văn Tư (đoàn Đồng Nai) lại băn khoăn về vấn đề kiểm soát quyền lực của các thiết chế Nhà nước. “Tôi đồng tình với Dự thảo là để bảo đảm cho quyền lực Nhà nước, tránh độc đoán, chuyên quyền thì cần có cơ chế kiểm tra, kiểm soát, chế ước lẫn nhau giữa các nhánh quyền lực: Lập pháp, hành pháp và tư pháp. Trong Dự thảo Hiến pháp, cần hiến định rõ ràng những cơ chế ấy. Các cơ quan hành pháp và tư pháp đã tương đối rõ cơ chế kiểm soát, vậy ai sẽ kiểm tra, giám sát Quốc hội, điều đó cũng cần có cơ chế và phải được hiến định...” - đại biểu Tư băn khoăn.

Cũng theo đại biểu Trần Văn Tư, trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp có quy định thành lập Hội đồng Hiến pháp nhưng Hội đồng Hiến pháp như quy định trong Dự thảo thì cũng không có gì khác so với Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội hiện nay: “Nếu Hội đồng Hiến pháp được quy định như Điều 120, tôi cho rằng, không đáp ứng được đầy đủ các nguyên tắc. Đây không phải là nội dung quy định một thiết chế độc lập. Thẩm quyền của Hội đồng Hiến pháp chỉ dừng lại ở việc kiểm tra, tham mưu, kiến nghị và yêu cầu thì có khác gì với nhiệm vụ mà Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội hiện nay đang thực hiện?” - đại biểu tỉnh Bình Dương Phạm Trọng Nhân ủng hộ quan điểm của đại biểu Trần Văn Tư.

Đề nghị giữ nguyên HĐND các cấp

Phát biểu góp ý về chính quyền địa phương được quy định trong Dự thảo Hiến pháp sửa đổi, đại biểu Lê Văn Tân (đoàn Hà Nam) nhất trí phương án 1, chỉ quy định về đơn vị hành chính và quy định về tổ chức chính quyền vì mô hình chính quyền địa phương như hiện nay còn nhiều bất cập. Chính quyền cơ sở ở xã, phường, thị trấn có nhiệm vụ gần như cấp huyện, cấp tỉnh theo Luật Tổ chức HĐND và UBND. Bao nhiêu nhiệm vụ của Nhà nước thì Trung ương, tỉnh, huyện đều dồn về chính quyền cơ sở như là hình phễu. Trong khi, tổ chức bộ máy của một xã rất nhỏ, công chức xã chưa phải là công chức nhà nước, số lượng rất ít, chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. “HĐND nhiều nơi hoạt động còn hình thức, đại biểu HĐND phần lớn là cán bộ công chức nhà nước kiêm nhiệm, số ít còn lại chưa đủ điều kiện để hoạt động làm tròn nhiệm vụ của đại biểu HĐND...” - đại biểu Lê Văn Tân nói.

Tuy nhiên, theo đại biểu đoàn Quảng Trị Phạm Đức Châu, việc thành lập chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương do luật định, phù hợp với đặc điểm của từng đơn vị hành chính và phân cấp quản lý là không hợp lý. Khi chúng ta chưa biết việc thí điểm không tổ chức HĐND ở huyện, phường, xã có thành công hay không thì không nên đưa ra phương án này. “Về chính quyền địa phương, tôi nhất trí với phương án 2, giữ nguyên quy định đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương như Hiến pháp hiện hành. Trong thời gian qua, có việc thí điểm nhưng chưa tổng kết. Trong quá trình thực hiện cần có những nghiên cứu rất cụ thể. Hiến pháp hiện hành thực hiện nội dung này là hợp lý hơn. Xin đề nghị vẫn giữ như Hiến pháp hiện hành...” - đại biểu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Tuyết kiến nghị.

Đồng thuận giữ nguyên tên nước

Đại biểu Trần Văn Tư (đoàn Đồng Nai) đồng tình với đề xuất trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 là vẫn giữ nguyên tên nước: Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Theo đại biểu Tư, vấn đề đổi tên nước hiện nay cũng còn có ý kiến khác nhau, nhưng ở Đồng Nai, trong số hơn 700.000 ý kiến khi được hỏi về vấn đề đổi tên nước trong Dự thảo Hiến pháp chỉ có 1 ý kiến đề nghị đổi thành nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. “Sau đó, chúng tôi cũng đã trực tiếp phỏng vấn người này thì được biết họ chỉ muốn trở về với tên nước đầu tiên khi thành lập, chứ không có ý kiến gì khác. Do vậy, tôi thấy: nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là sự lựa chọn không phải ngẫu nhiên, mà nó là kết thúc 30 năm đấu tranh giải phóng dân tộc...” - đại biểu Tư nói.

Đại biểu Trần Văn Tư nhấn mạnh: “Năm 1976, thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là trên cơ sở của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Đó là sự lựa chọn của thời khắc lịch sử sau khi kết thúc cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Và 37 năm qua, thấy rằng tên nước không ảnh hưởng gì đến việc thực hiện quyền dân chủ của nhân dân. Đó là chưa kể đến vấn đề khi đổi tên nước thì cái mất nhiều hơn cái được. Đổi tên nước không có cơ sở, không có căn cứ thì có thể sẽ đảo lộn trật tự mọi thứ, gây xáo trộn không cần thiết...”.
 

P.V