(BVPL) - Cũng tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, ông Huỳnh Phong Tranh (ảnh bên), Tổng Thanh tra Chính phủ được sự ủy quyền của Chính phủ trình bày báo cáo tóm tắt về Công tác phòng, chống tham nhũng năm 2014. Trong Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2014, Chính phủ đã nêu bật các kết quả PCTN thời gian qua có tác dụng răn đe nhất định và hạn chế tham nhũng. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đánh giá: “Tình hình tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp”.
 


Điều tra, truy tố, xét xử đều tăng

Các cơ quan hành chính nhà nước đã triển khai 7.596 cuộc thanh tra hành chính và gần 200 ngàn cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra phát hiện vi phạm hơn 30 nghìn tỷ đồng, gần 5 nghìn ha đất. Kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với 1.688 tập thể, 2.989 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 61 vụ. Toàn ngành Thanh tra đã đôn đốc, kiểm tra 3.901 kết luận, thu hồi và xử lý gần 10 nghìn tỷ đồng.

Kiểm toán Nhà nước cũng đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 13 nghìn tỷ đồng. Kiến nghị các bộ, ngành địa phương rà soát để hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung 59 văn bản không phù hợp. Kiến nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền chỉ đạo tổ chức kiểm điểm, xem xét trách nhiệm để xử lý theo quy định đối với các tập thể và 30 cá nhân. Kiểm toán Nhà nước đã chuyển 05 vụ việc cho Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật đối với sai phạm có dấu hiệu vi phạm pháp luật xảy ra tại một số đơn vị thành viên của Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam - Công ty TNHH MTV (Seaprodex), sai phạm hoạt động tín dụng, dẫn đến có nguy cơ thất thoát vốn xảy ra tại 02 chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hành vi gây lãng phí vốn tại Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện, cung cấp 15 hồ sơ, tài liệu phục vụ điều tra, kiểm tra, giám sát.

Lực lượng cảnh sát điều tra các cấp đã thụ lý 415 vụ án/1.031 bị can phạm tội về tham nhũng, trong đó: Kỳ trước chuyển sang 156 vụ/424 bị can; khởi tố mới 256 vụ/593 bị can (so với cùng kỳ năm trước tăng 23 vụ/25 bị can); thiệt hại trên 6.740 tỷ đồng, đã thu hồi nộp ngân sách nhà nước trên 1.500 tỷ đồng (đạt 22,3%, tăng 14,1% so với năm 2013). Đã kết luận điều tra 224 vụ/562 bị can; tạm đình chỉ điều tra 06 vụ/06 bị can; đình chỉ điều tra 04 vụ/07 bị can; hiện đang điều tra 182 vụ/460 bị can.

Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã truy tố 329 vụ/751 bị can về tội tham nhũng (tăng 20 vụ so với cùng kỳ năm trước). Cục Điều tra VKSNDTC đã khởi tố 16 vụ/14 bị can có hành vi tham nhũng trong hoạt động tư pháp.

Tòa án nhân dân các cấp đã xét xử sơ thẩm 287 vụ, 675 bị cáo về các tội danh tham nhũng (tăng 09 vụ, 91 bị cáo so với năm 2013), trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 41,2 %; số bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ chiếm 21,3% (năm 2013 là 31,2%). Đặc biệt là đã xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng được dư luận quan tâm.

Các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử đã chủ động phối hợp thường xuyên, chặt chẽ hơn; những vụ có dấu hiệu tham nhũng do cơ quan thanh tra, kiểm toán chuyển đến cơ bản được khởi tố, điều tra và xử lý; một số vụ án phức tạp, án điểm đã được các cơ quan tố tụng họp liên ngành để thống nhất về tội danh, hướng xử lý, góp phần hạn chế việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Thu hồi tài sản tham nhũng thấp

Đánh giá về tình hình tham nhũng, Chính phủ cũng chỉ rõ: tình trạng sách nhiễu, vòi vĩnh, phiền hà ở một bộ phận công chức, viên chức nhà nước vẫn diễn ra gây bức xúc đối với người dân và doanh nghiệp. Tình hình tham nhũng trong khu vực công vẫn còn nghiêm trọng, diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công.  

Kỷ cương quản lý nhà nước trên nhiều ngành, lĩnh vực còn buông lỏng; cơ chế kiểm soát thực thi quyền lực qua công tác thanh tra, điều tra, kiểm sát, giám sát hiệu quả chưa cao, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ. Chế độ, trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu thực hiện không đầy đủ, chế độ công vụ đối với mỗi vị trí công tác chưa thật rõ ràng, cụ thể nhất là ở những khâu, quy trình thủ tục liên quan tới công việc của người dân, doanh nghiệp.

Báo cáo cũng nêu nguyên nhân chủ yếu của việc thu hồi tài sản tham nhũng đạt tỷ lệ thấp là do các đối tượng phạm tội tham nhũng thường có nhiều thủ đoạn tinh vi đối phó, cất giấu tài sản, hợp thức hóa, tiêu hủy tài liệu; thời gian giải quyết các vụ án tham nhũng thường kéo dài (do mất thời gian giám định thiệt hại) dẫn đến các tài sản là tang vật của vụ án bị hư hỏng, xuống cấp, giảm giá trị khi bán đấu giá. Việc thực hiện giám định tư pháp có nhiều khó khăn do quy định pháp luật về giám định trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, đất đai…chưa cụ thể, chưa rõ tính bắt buộc và chế tài xử lý cơ quan, tổ chức, cá nhân; đội ngũ giám định viên, người giám định, tổ chức giám định theo vụ việc tại các bộ, ngành Trung ương, địa phương còn thiếu nên việc trưng cầu gặp khó khăn.

Tham nhũng ngày càng tinh vi, khó phát hiện do các đối tượng tham nhũng thường có chức vụ, quyền hạn, có trình độ hiểu biết pháp luật, quan hệ rộng, liên kết với nhau thành các nhóm lợi ích. Tội phạm kinh tế, tham nhũng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tín dụng, chứng khoán tiếp tục diễn biến phức tạp, gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước. Thiệt hại do tham nhũng gây ra đối với ngân sách nhà nước, tài sản của nhân dân, doanh nghiệp rất lớn nhưng giá trị tài sản thu hồi thấp.
 

Ngọc Đức

.