Những ngày vừa qua, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII thảo luận tại hội trường về tình hình phát triển KT-XH và NSNN năm 2012; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN những tháng đầu năm 2013; thảo luận về một số dự án luật: Luật Tiếp công dân, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Giáo dục quốc phòng - an ninh...
Chẩn bệnh không đúng làm sao chữa khỏi
Theo đại biểu Nguyễn Văn Hiến (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu), có ý kiến phản ánh sự hoài nghi tính xác thực trong đánh giá của Chính phủ về thị trường tài chính, tiền tệ... Thông tin trong các báo cáo của Chính phủ cung cấp cho đại biểu không sát với tình hình thực tế, số liệu không có tính thuyết phục. Từ nhiều năm nay, có một thực tế vô lý về số liệu thống kê. Đó là GDP của các địa phương luôn cao hơn gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi GDP quốc gia. “Mấy năm gần đây, vấn đề sinh tử của nền kinh tế cần phải giải quyết là “cục máu đông” nợ xấu và tồn kho bất động sản. Thế nhưng, với mức độ tin cậy của các số liệu rất thấp như thế này thì không thể giải bài toán trên...” - ông Hiến lập luận.
Để minh chứng cho lời nói của mình, ông Hiến ví dụ: Cuối năm 2012, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng nợ xấu khoảng 10%, trong khi Thanh tra Ngân hàng Nhà nước lại nói nợ xấu là 8,6% và trong báo cáo tại Kỳ họp này lại là 7,8%. Cùng thời gian, Ủy ban Giám sát tài chính đưa ra con số 11,8%. Còn nữa, tháng 3-2013, Ngân hàng Nhà nước thông báo nợ xấu còn 6%, nhưng cách đây vài ngày, Ngân hàng Nhà nước quyết định lùi áp dụng thực hiện Thông tư 02 (về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro cho đến ngày 1-6-2014 mà lẽ ra đến ngày 1-6-2013 là phải áp dụng), bởi nếu áp dụng ngay thì nợ xấu của một ngân hàng theo báo cáo chỉ 3-4% sẽ tăng lên 10-15% trong thực tế. Như vậy, con số thực, bản chất nợ xấu nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì đã công bố.
Đồng tình với ý kiến của ông Hiến, đại biểu Võ Thị Hồng Thoại (đoàn Bạc Liêu) nêu: Nhiều nội dung được các đại biểu và cử tri quan tâm chưa được làm rõ trong báo cáo của Chính phủ gây bức xúc. Bà Thoại đề nghị: “Chính phủ quan tâm làm rõ các thông tin, số liệu báo cáo. Từ đó mới ra được quyết định, chính sách đúng đắn, phù hợp, có hiệu quả. Nếu chúng ta cố báo cáo cho đẹp thì sẽ đưa ra những chính sách không phù hợp, dẫn đến hậu quả khôn lường...”. “Các báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội vào mỗi kỳ họp 6 tháng tựa như việc chẩn bệnh định kỳ cho sức khỏe quốc gia, đồng thời cũng là của Chính phủ để vạch ra các liệu pháp bồi bổ và chữa trị. Như vậy, nếu chẩn bệnh không đúng thì sao có thể chữa khỏi bệnh...” - đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) nêu ý kiến.
Chữa bệnh bằng liệu pháp... an thần!
Theo đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP. Hồ Chí Minh), cử tri cả nước, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp đang mong đợi tại Kỳ họp này, Quốc hội đưa ra những quyết sách khả dĩ, ngăn chặn được xu hướng suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế đang diễn ra, chấm dứt giai đoạn trì trệ của nền kinh tế, vực dậy niềm tin cho thị trường, hướng đến mục tiêu phát triển trong dài hạn. Tuy nhiên, với những số liệu chênh lệch, không sát thực tế của Chính phủ thì sẽ rất khó đưa ra được giải pháp đúng đắn và hữu hiệu. Ông Dương Trung Quốc khẳng định: Do có cơ hội theo dõi nhiều bản báo cáo của Chính phủ liên tục nhiều năm qua, ông nhận thấy có những “căn bệnh” đã kéo dài rất lâu mà chưa khắc phục được, trở thành mãn tính như căn bệnh quan liêu với sự tăng phì bộ máy biên chế, căn bệnh đầu tư dàn trải tạo ra gánh nặng ngân sách và lãng phí lớn không đáng có. Có những “căn bệnh” mới phát sinh nhưng ngày càng tỏ ra “ác tính” như nợ công, nợ xấu.
“Trong các báo cáo, người ta thấy Chính phủ mới coi trọng liệu pháp tâm lý, lấy vị thuốc an thần là ưu tiên. Không báo cáo nào là không mở đầu bằng những liệt kê thành tựu để sau đó mới nói đến hạn chế, thiếu sót. Tất cả được nối bằng liên từ “tuy nhiên” như một tất yếu để làm an lòng người. Liệu pháp an thần không phải là không cần thiết giúp chúng ta bình tĩnh, tỉnh táo, xử lý tình huống, nhưng nếu chỉ có thế thì căn bệnh không thuyên giảm và nguy hiểm hơn hết là mất đi ý thức cảnh giác là điều rất quan trọng vào thời điểm đầy thách thức này...” - Đại biểu Dương Trung Quốc nhấn mạnh.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn TP. Hải Phòng) cho rằng: “Thời gian qua, mặc dù Chính phủ đã có những giải pháp quyết liệt trong việc điều hành nền kinh tế và đã đem lại nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, cần phải phân tích thật sâu sắc 4 chỉ tiêu đã phấn đấu nhưng không đạt được, đặc biệt là chỉ tiêu GDP. Trên cơ sở đó, cần có những giải pháp quyết liệt hơn, hữu hiệu hơn để đến năm 2013 hoàn thành tất cả các chỉ tiêu chúng ta đã đề ra”. Còn đại biểu Trần Du Lịch khẳng định: “Tôi đồng tình 6 nhóm giải pháp mà Chính phủ đã nêu, nhưng tôi cho rằng chưa đủ mạnh để vực dậy nền kinh tế...”.
Doanh nghiệp phá sản, người xin được việc nhiều hơn
Đại biểu Lê Thị Nguyệt (đoàn Vĩnh Phúc) thắc mắc, số liệu về giải quyết việc làm và tỷ lệ thất nghiệp do Tổng cục Thống kê công bố, trong chỉ tiêu giải quyết việc làm năm 2012 là 1,347 triệu việc làm mới, còn Chính phủ lại báo cáo là 1,52 triệu lao động được giải quyết việc làm. Vì sao lại có sự chênh lệch tới con số gần 200.000. Mặt khác, năm 2012, cả nước có gần 70% số doanh nghiệp bị lỗ, trên 54.000 doanh nghiệp phải giải thể, số lao động đăng ký thất nghiệp tăng 44% so với năm 2011. Vậy nhưng không hiểu sao trong báo cáo của Chính phủ, con số giải quyết việc làm tăng cao, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống? “Các nước trên thế giới suy thoái kinh tế thì tỷ lệ thất nghiệp đều cao hơn bình thường, vậy mà Việt Nam chúng ta lại ngược lại. Kinh tế suy giảm, tỷ lệ thất nghiệp vẫn giảm như vậy là trái với quy luật chung của kinh tế thế giới. Đây là chỉ tiêu cần được đánh giá và xem xét lại một cách chính xác...” - bà Nguyệt kiến nghị.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiến cũng đồng quan điểm với bà Nguyệt: “Tại sao mỗi năm hơn 50.000 doanh nghiệp phá sản hoặc ngừng hoạt động, số doanh nghiệp còn lại phải giảm quy mô hoạt động ít nhất 30%, vốn đầu tư toàn xã hội càng ngày càng giảm mà tạo việc làm mới cứ đều đặn hàng năm từ 1,5 đến 1,6 triệu người, tỷ lệ thất nghiệp hàng năm cứ giảm (năm 2010: 2,8%; năm 2011: 2,22%; năm 2012: 1,99%,)? Tôi thấy những con số cứ như được cài đặt vậy. Điều này liệu có tin được không?”.
Còn nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội băn khoăn về các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là đời sống dân sinh chưa được thống kê chính xác, phản ánh đầy đủ như bản chất vốn có của nó. Như vậy thì làm sao có thể đưa ra được những biện pháp quyết liệt, hiệu quả để phát triển kinh tế - xã hội? “Về các số liệu thống kê thiếu độ tin cậy có thể do kỹ thuật, có thể do phương pháp, có thể do trách nhiệm, do thiếu minh bạch và do cả bệnh thành tích nữa, không có số liệu đúng và đủ, không thể đánh giá đúng tình hình, không thể dự báo chính xác các xu hướng, không thể đưa ra các quyết sách, chủ trương, giải pháp đúng được và như thế chúng ta sẽ gặp rất nhiều rủi ro. Tôi nghĩ Quốc hội phải biết, nhất là người dân có quyền được biết chuyện gì đang thật sự xảy ra ở đất nước mình...” - đại biểu Hiến yêu cầu.
Chính sách thuế nên vì nông dân
Trong điều kiện hiện nay, chúng ta cần phải có chính sách ưu đãi về thuế cho các sản phẩm nông nghiệp không kém gì các sản phẩm công nghệ cao. Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, đây là điều kiện tiên quyết để nâng giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp và vì nông dân chứ không chỉ vì các DN sản xuất. “Đây là vấn đề quan điểm phát triển, tôi đề nghị Quốc hội quan tâm vấn đề này. Nếu làm được như vậy, chúng ta mới giải quyết được tình trạng mà ta thường nói, nông sản Việt Nam xuất khẩu là toàn “ăn tươi, nuốt sống”, đó là biện pháp mang tính chiến lược về nông nghiệp”.
Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (đoàn Hậu Giang) đề nghị bổ sung việc áp dụng thuế suất 10% đối với các DN sản xuất cây giống, con giống, công nghệ sinh học phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, các DN nuôi trồng và chế biến thủy sản, các DN chuyên nghề muối, DN phục vụ trong lĩnh vực lâm nghiệp, các DN nghề cá và hậu cần nghề cá đánh bắt xa bờ.
Bỏ mức khống chế đối với chi phí quảng cáo
Thảo luận quy định về chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng của DN nâng mức khống chế được trừ từ 10% lên 15%, nhiều đại biểu đề nghị nên có lộ trình bỏ mức khống chế này. Đại biểu Mai Hữu Tín (đoàn Bình Dương) đề nghị bỏ tỷ lệ khống chế đối với chi phí quảng cáo, khuyến mại ngay trong lần sửa đổi này. Theo đại biểu Tín, việc bỏ tỷ lệ khống chế sẽ làm giảm nguồn thu thuế thu nhập DN vào ngân sách. DN buộc phải chi các khoản này để tồn tại, để cạnh tranh được, để tăng thị phần và để gia tăng lợi nhuận của chính họ. Họ không có lý do gì để chi tiền nhiều hơn nhằm giảm lợi nhuận của họ và dẫn đến giảm thuế thu nhập DN phải nộp. Thực tế những DN trong một số ít ngành hàng mới cần chi ở mức cao, trong khi đại đa số DN không cần chi nhiều. “Đặt ra giới hạn tỷ lệ chi trong khi hầu hết các nước không áp dụng, theo tôi không phải là một cách làm hay mà còn tự trói tay các doanh nghiệp của chúng ta trong cạnh tranh thay vì hỗ trợ cho họ”, ông Tín phát biểu.
PV