Công tác đấu tranh phòng chống tội phạm là một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và phát biểu ý kiến. Dưới đây là một số ý kiến được PV báo BVPL lược ghi.
 
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cho hay, ông đánh giá cao những kết quả đã đạt được của Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân trong công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật, tội phạm, công tác truy tố, xét xử, thi hành án. Có thể nói, trong năm 2017, các cơ quan tư pháp đã có rất nhiều cố gắng, nỗ lực trong thực hiện các chỉ tiêu về công tác tư pháp mà Quốc hội giao trong các nghị quyết về công tác tư pháp, rất nhiều vụ án nghiêm trọng, phức tạp được cơ quan tư pháp khám phá, điều tra rất nhanh chóng. 
 
Bên cạnh đó, nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận quan tâm cũng được xét xử nghiêm minh, kịp thời, được dư luận nhân dân đồng tình. 
 
Song theo Đại biểu, vẫn còn những hạn chế, tồn tại, yếu kém kéo dài, chậm được khắc phục, như tình trạng vi phạm pháp luật và tội phạm vẫn còn diễn biến phức tạp, gây lo ngại trong nhân dân; tình trạng vi phạm thời hạn, vi phạm trong quy trình, thủ tục tố tụng; những vi phạm trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn trong tố tụng; việc ra bản án không rõ, khó thi hành; tỷ lệ án hành chính, tỷ lệ thi hành án dân sự đạt hiệu quả còn thấp v.v... đó là những hạn chế, bất cập. 
 
Từ những đánh giá đó, Đại biểu tán thành các giải pháp mà các cơ quan tư pháp đã đề ra, đồng thời đề nghị Quốc hội và các cơ quan tư pháp quan tâm tới một số vấn đề như:  hiện nay, chúng ta đánh giá về hoạt động tư pháp căn cứ vào các báo cáo của chính các cơ quan tư pháp, đồng thời chúng ta cũng căn cứ vào kết quả giám sát, khảo sát, căn cứ vào ý kiến cử tri và căn cứ vào dư luận báo chí, nhưng còn một kênh rất quan trọng để đánh giá hoạt động của cơ quan tư pháp, đó là đánh giá hoạt động tư pháp thông qua điều tra xã hội học, thông qua cảm nhận của người dân về hoạt động tư pháp như thế nào thì chúng ta chưa thực hiện. Đối với hoạt động hành pháp thì chúng ta thực hiện việc này khá có hiệu quả, chúng ta có nhiều điều tra xã hội học liên quan tới trải nghiệm của người dân, sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ hành chính và các chỉ số về PAPI, SIPAS v.v... “Chúng tôi cho rằng, đối với hoạt động tư pháp, tiến tới chúng ta cũng phải đánh giá chất lượng hoạt động tư pháp thông qua sự hài lòng của người dân đối với hoạt động tư pháp. Nếu như cơ quan tư pháp mà khẳng định hoạt động tư pháp là tốt, không có tiêu cực nhưng dư luận nhân dân người ta không đánh giá như thế thì những đánh giá của cơ quan tư pháp cũng cần phải xem lại”- Đại biểu nêu ý kiến.
 
Một vấn đề tiếp theo, hiện nay chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ thông tin và trong thời đại công nghệ thông tin thì sức mạnh của báo chí, sức mạnh của mạng xã hội có vai trò rất quan trọng, rất nhiều thông tin tiêu cực về hoạt động tư pháp được đăng tải trên báo chí và đăng tải trên các mạng xã hội mà nếu như chúng ta không có giải trình kịp thời sẽ gây nên sự hoang mang, sự mất niềm tin trong dư luận. Vì vậy, Đại biểu đề nghị cơ quan tư pháp phải tích cực, chủ động hơn trong hoạt động giải trình khi mà có những thông tin trái chiều hoặc những thông tin trên các mạng xã hội thì cần phải có sự chủ động giải trình, để qua đó tạo niềm tin của người dân đối với hoạt động tư pháp.
 
Liên quan đến loại tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (Hoà Bình) cho rằng, loại tội phạm này có chiều hướng gia tăng, ở một số nơi có diễn biến phức tạp và ngày càng nghiêm trọng. Nạn nhân bị xâm hại thường là các cháu nhỏ ở độ tuổi từ 3 đến dưới 15 tuổi, là những người chưa tiếp cận kiến thức về giới tính và cũng chưa được trang bị kỹ năng tự bảo vệ bản thân. Có những vụ án đối tượng phạm tội chính là những người thân thích với nạn nhân. Các vụ xâm hại tình dục trẻ em thường để lại hậu quả vô cùng nặng nề cả về tinh thần cũng như sự phát triển của trẻ nhỏ. Điều đó cho thấy sự báo động về suy đồi, xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức, lối sống, sự coi thường pháp luật cũng như tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm người khác…
 
Để công tác phòng, chống tội phạm này có hiệu quả, nhất là ở các tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, theo Đại biểu cần tập trung vào một số giải pháp cơ bản có tính đặc thù như sau: Cần đẩy mạnh và phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, tăng cường công tác giáo dục, đào tạo, nâng cao dân trí, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong đồng bào dân tộc thiểu số; Xây dựng, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể. Hình thành mạng lưới các nhân tố tích cực trong công tác giáo dục, chăm sóc và bảo vệ trẻ em; Tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục kiến thức về giới và kỹ năng tự bảo vệ bản thân trước các nguy cơ bị xâm hại; Phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của phụ nữ và trẻ em gái, sớm khắc phục tình trạng bất bình đẳng về giới.
 
Đánh giá về báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đại biểu Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) cho hay, ông cơ bản nhất trí với các nội dung được nêu trong báo cáo. Báo cáo được chuẩn bị khá chu đáo và có chất lượng. Các mặt công tác đều được thể hiện đầy đủ và đều được phân tích, đánh giá một cách toàn diện và sâu sắc. Theo báo cáo, trong năm qua, một số nhóm tội phạm tăng cao so với năm 2016, việc tăng mạnh một số tội phạm là rất đáng báo động, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Do đó, đề nghị cần tập trung phân tích làm rõ hơn về tình hình, diễn biến, nguyên nhân làm gia tăng các loại tội phạm này. Như về các tội xâm phạm an ninh quốc gia cần làm rõ hơn về đối tượng phạm tội, về phương thức thủ đoạn, mục đích phạm tội, về tình hình an ninh liên quan gì đến lĩnh vực tôn giáo,... Bên cạnh đó, cũng cần phân tích, đánh giá các nguyên nhân đích thực xem dẫn đến việc gia tăng các loại tội phạm này có liên quan đến việc vi phạm pháp luật của các cơ quan, tổ chức cá nhân làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, làm cho người dân bức xúc dẫn đến họ bị thế lực thù địch lợi dụng để phạm tội và thực hiện hành vi vi phạm pháp luật... 
 
Trước những vấn đề mà đại biểu Quốc hội cùng cử tri cả nước quan tâm, Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí cho hay: “Những vấn đề được nêu liên quan đến một số các chỉ tiêu, công tác, vấn đề án tạm đình chỉ, vấn đề băn khoăn về hình sự hóa quan hệ dân sự có thể dẫn đến oan sai, vấn đề hành chính hóa các quan hệ hình sự có thể tạo ra lọt tội phạm và đặc biệt là vấn đề oan sai, các tội xâm phạm tình dục trẻ em. Những vấn đề đại biểu phát biểu bức xúc cũng là những trăn trở, suy nghĩ của tôi trong cương vị công việc của mình hiện nay”. 
 
Đối với các vụ án xâm phạm tình dục trẻ em là một sự bức xúc của toàn xã hội, một nỗi đau của xã hội mà chúng ta cần phải bảo vệ đối tượng trẻ em. Việc này đang là vấn đề chúng ta phải quyết tâm ngăn chặn…
 
Ngoài ra, đối với vấn đề oan sai, vấn đề án tạm đình chỉ, Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí cho biết, ngành Kiểm sát coi đây là vấn đề hết sức quan trọng bởi vì hậu quả xảy ra không thể khắc phục hết được. “Nó không phải lợi ích vật chất, không phải vấn đề chúng ta dễ khắc phục mà còn là vấn đề uy tín, danh dự không chỉ của cá nhân con người đó mà còn của dòng họ, quê hương, nên chỗ này chúng ta phải quyết liệt”- Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí nói.
 
Minh Nhật - Đức Thắng