Bão số 6 có khả năng đổ bộ vào khu vực Nam Định-Hải Phòng từ đêm nay (7/8) đến rạng sáng mai (8/8). Miền Bắc và Thanh Hóa có thể có mưa lớn, miền núi đề phòng lũ quét, sạt lở đất.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo PCLB T.Ư ứng phó với bão số 6 chiều 6/8, ông Bùi Minh Tăng, GĐ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư cho biết, đến 16 giờ hôm qua (6/8), tâm bão nằm trên khu vực phía nam quần đảo Hoàng Sa, cách bờ biển Thừa Thiên-Huế đến Quảng Ngãi khoảng 290 km về phía đông đông bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (từ 62 đến 74 km/h), giật cấp 9, cấp 10.
Sau đó, bão tiếp tục đi theo hướng tây bắc, theo bờ các tỉnh Trung bộ, vào vịnh Bắc bộ, trước khi đổ bộ vào đất liền ở các tỉnh miền Bắc. Ông Tăng nhận định, khi bão số 6 đổ bộ, nếu thấp về phía Nam có thể vào giữa Thanh Hóa - Nam Định, còn cao hơn sẽ vào khu vực Thái Bình - Hải Phòng. Theo ông Tăng, nếu sớm, khả năng khoảng 20-21 giờ ngày 7/8, còn muộn khoảng 3-4 giờ sáng 8/8, tâm bão sẽ cập bờ. Lúc đó, bão có cường độ cấp 7-8, giật cấp 9-10. Sau đó, bão sẽ suy yếu nhanh.
Chuyên gia khí tượng cho biết, công tác chuẩn bị phòng chống bão trên bờ, phải xong trước 18 giờ hôm nay (7/8). Từ sáng nay 7/8, khu vực vịnh Bắc bộ gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Đến chiều tối cùng ngày, vùng biển Quảng Ninh - Thanh Hóa gió mạnh dần lên cấp 6, vùng gần tâm bão cấp 7, cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Bão vào trúng thời kỳ triều cường, nên nước dâng từ 2,5 - 4m dọc từ Quảng Ninh đến Nam Định.
Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn cho hay, lực lượng quân đội cũng huy động trên 233.000 chiến sĩ, trên 1.460 phương tiện. Trong đó, hơn 820 tàu thuyền, hơn 620 ô tô và 6 máy bay sẵn sàng tham gia cứu hộ, cứu nạn.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng, Phó trưởng Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư, yêu cầu các tỉnh từ Thanh Hóa - Quảng Ninh đến trưa 7/8, phải hoàn tất việc thông báo, kêu gọi, di chuyển tàu thuyền, lồng, bè nuôi trồng thủy sản vào khu vực an toàn.
Miền Trung - Chủ động đối phó với bão số 6
Trước dự báo cơn bão số 6 di chuyển dọc theo bờ biển miền Trung, ngày 6/8, Ban chỉ huy PCLB và TKCN các địa phương đã triển khai các biện pháp cấp bách giảm thiểu thiệt hại. Theo đó, tổ chức kiểm tra, huy động các lực lượng tổ chức gia cố đê kè chắn sóng dọc theo bờ biển; túc trực tại những vùng sạt lở, vùng xung yếu sẵn sàng di dời những hộ dân sống tại những nơi bị biển xâm thực đến nơi an toàn.
Bên cạnh đó, BĐBP đã tổ chức bắn pháo hiệu, kêu gọi các tàu thuyền và hàng chục ngàn lao động đang trên biển khẩn trương tìm nơi trú ẩn an toàn.
Theo thống kê đến chiều 6/8, trên vùng biển phía tây khu vực quần đảo Trường Sa còn 73 tàu cá đánh bắt xa bờ cùng 1.550 lao động của Quảng Nam đang hoạt động. Các đài canh của BĐBP tỉnh sẽ liên tục phát các bản tin về vị trí hướng đi của bão cho các tàu cá đang hoạt động trên biển thoát ra khỏi hoặc không đi vào vùng nguy hiểm.
Theo Tiền Phong