Chính phủ đã chính thức đề xuất với Quốc hội việc tăng thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, rượu bia và đưa lộ trình thực hiện sớm.

 


Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá mà Việt Nam đã tham gia ký kết từ năm 2005 quy định “Các biện pháp về giá và thuế là những biện pháp quan trọng và hữu hiệu để giảm tiêu thụ thuốc lá trong các tầng lớp dân cư, đặc biệt là thanh thiếu niên”.

Cũng theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, qua tổng kết, đánh giá cho thấy mức tiêu dùng thuốc lá, rượu, bia ở Việt Nam tăng dần và ở mức cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.

Đối với thuốc lá, Việt Nam thuộc nhóm 15 nước có tỷ lệ người hút thuốc lá thuộc nhóm cao trên thế giới. Theo Điều tra toàn cầu năm 2010 về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành (trên 15 tuổi) tại Việt Nam: Tỷ lệ người hút thuốc lá ở độ tuổi từ 15 tuổi trở lên là 47,4% đối với nam giới, 1,4% đối với nữ giới và tỷ lệ hút thuốc lá chung là 23,8 % (tương đương với 15,3 triệu người).

Đối với mặt hàng rượu, thực hiện cam kết khi gia nhập WTO, Quốc hội đã thông qua Luật thuế TTĐB với quy định: Rượu từ 20 độ trở lên áp dụng 45% (từ ngày 01/01/2010 đến hết ngày 31/12/2012) và 50% từ ngày 01/01/2013; rượu dưới 20 độ áp dụng 25% từ ngày 01/01/2010. Theo đó, đã giảm thuế suất đối với loại rượu từ 40 độ trở lên, qua đó đã làm tăng sức mua, dẫn đến lạm dụng rượu.

Đối với mặt hàng bia, thực hiện yêu cầu gia nhập WTO, Luật thuế TTĐB quy định áp dụng thống nhất một mức thuế suất đối với tất cả loại bia là 45% (từ ngày 01/01/2010 đến 31/12/2012) và sau đó nâng lên 50% từ ngày 01/01/2013. Theo đó, mức thuế suất đối với bia chai đã được điều chỉnh giảm từ 75% xuống 45% - 50% (01/01/2013). Tính riêng năm 2013, lượng bia tiêu thụ là 3 tỷ lít và tính bình quân đầu người là 32 lít/người.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã đánh giá tác động đối với doanh nghiệp và việc làm khi đề xuất tăng thuế các mặt hàng trên.

Theo tính toán, việc tăng thuế suất thuế TTĐB làm tăng giá bán, góp phần giảm sản lượng tiêu thụ thuốc lá theo mục tiêu đề ra. Việc tăng thuế có thể có một số ảnh hưởng đối với các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá, theo đó, việc tăng thuế TTĐB có thể sẽ làm giảm tỷ lệ lợi nhuận trên một đơn vị sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất thuốc lá trong nước trong thời gian khoảng 1 năm đầu. Tuy nhiên, với mức tăng thấp như dự kiến, xét về tổng thể, doanh nghiệp sản xuất thuốc lá trong nước hầu như không bị ảnh hưởng do doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp vẫn có xu hướng tăng theo sự gia tăng dân số, sự thay đổi về mức sống của người dân,… . Ngoài ra, việc tăng thuế TTĐB đối với mặt hàng thuốc lá theo đề xuất của Dự án Luật cũng được thực hiện theo lộ trình nên các doanh nghiệp sẽ có thời gian để điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh cho phù hợp.

Khi điều chỉnh tăng thuế suất thuế TTĐB thêm 15% đối với mặt hàng rượu trên 20 độ và thêm 10% đối với mặt hàng rượu dưới 20 độ, sẽ tác động đến giá bán, từ đó có tác dụng điều chỉnh hành vi của người tiêu dùng, do đó tác động đến sản lượng tiêu thụ và doanh thu của doanh nghiệp sản xuất.

Với doanh nghiệp sản xuất bia, căn cứ vào sự thay đổi sản lượng tiêu dùng so với giá đối với mặt hàng bia, nếu tăng thuế TTĐB 5%/năm theo lộ trình thì giá bia tăng thêm 5,5%, sản lượng tiêu thụ bia giảm 3,68% mỗi lần tăng (trường hợp doanh nghiệp chuyển 100% mức tăng thuế vào giá bán).

Như vậy, sau khi được sự nhất trí của đa số Ủy viên Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã chính thức đề xuất Quốc hội thông qua dự luật này. Theo chương trình họp, vào ngày 4/11 tới, Quốc hội sẽ thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt vào cuối kỳ họp.
 

Theo Dân trí

.