Kết quả thanh tra đột xuất việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) tại 15 địa phương của Thanh tra Bộ GTVT phát hiện hàng loạt tồn tại, thiếu sót về quy hoạch cơ sở đào tạo và trung tâm sát hạch; số lượng học viên/lớp học; tiêu chuẩn giáo viên dạy thực hành...
Phát hiện nhiều sai phạm
Thanh tra Bộ GTVT đánh giá, trong đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các Sở GTVT địa phương đã triển khai thực hiện khá tốt Đề án nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp GPLX. Tuy nhiên, kết quả thanh tra, kiểm tra tại một số địa phương vừa qua cho thấy, vẫn còn nhiều tồn tại trong lĩnh vực này.
Theo đó, trong quá trình thanh tra, kiểm tra, các đoàn thanh tra đã kiến nghị xử lý đối với 20 tổ chức và 16 cá nhân; xử phạt vi phạm hành chính đối với 5 đơn vị đã có các hành vi vi phạm trong đào tạo, sát hạch, cấp GPLX đồng thời đình chỉ hàng loạt các cơ sở trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe ở các địa phương.
Cụ thể, đoàn thanh tra đã cảnh cáo đối với 2 cơ sở đào tạo lái xe ôtô do thiếu xe tập lái, giáo viên và yếu kém về công tác giáo vụ; đình chỉ tuyển sinh 10 cơ sở đào tạo lái xe ôtô và xe máy do không đủ tiêu chuẩn theo quy định và công tác giáo vụ yếu kém; đình chỉ hoạt động 1 trung tâm sát hạch lái xe loại 3 do sân sát hạch không bảo đảm điều kiện theo quy định. Đối với những trung tâm có số học viên vượt quá so với quy định, Thanh tra Bộ GTVT cũng tiến hành hạ lưu lượng 5 cơ sở đào tạo lái xe ôtô để phù hợp với số lượng xe tập lái và giáo viên hiện có; kiểm điểm, xử lý 8 sát hạch viên có sai sót trong việc chấm bài thi sát hạch lý thuyết môtô hạng A1 không chính xác.
Ngoài ra, kiểm tra đột xuất tháng 7-2013, Vụ Tổ chức cán bộ và Thanh tra Bộ GTVT đã đình chỉ sát hạch 2 trung tâm và 1 Hội đồng sát hạch lái xe, yêu cầu kiểm điểm, xử lý trách nhiệm; đình chỉ tuyển sinh 1 cơ sở đào tạo; xử phạt vi phạm hành chính đối với 3 trung tâm sát hạch và 1 cơ sở đào tạo lái xe với số tiền 30 triệu đồng.
Nhằm “siết” chặt công tác đào tạo lái xe, đoàn thanh tra đã xử phạt vi phạm hành chính 3 cơ sở do tổ chức thực hiện đào tạo không đủ chương trình thời gian quy định; tuyển sinh, đào tạo học viên không đủ điều kiện theo quy định; vi phạm về sân tập lái và giáo viên dạy thực hành lái xe.
Phân cấp cho địa phương
Để nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, ông Nguyễn Văn Huyện, Chánh Thanh tra Bộ GTVT cho hay, Thanh tra Bộ đã kiến nghị Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu bổ sung, sửa đổi cơ chế, chính sách quản lý về công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX theo hướng phân cấp địa phương quản lý trực tiếp (quản lý đào tạo, tổ chức sát hạch, cấp GPLX...). Tổng cục Đường bộ phải nghiên cứu về chương trình đào tạo tập trung học pháp luật giao thông đường bộ, kỹ năng lái xe và xử lý các tình huống giao thông đồng thời đổi mới nội dung đào tạo các môn lý thuyết (nghiệp vụ vận tải, cấu tạo và sửa chữa; bảo dưỡng...) cho phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Ngoài ra, nhằm công khai, minh bạch trong sát hạch, Thanh tra Bộ GTVT cũng yêu cầu các trung tâm đào tạo công khai kế hoạch sát hạch trên cổng thông tin điện tử để nhân dân tham gia giám sát, phòng chống tiêu cực; quy định tiêu chuẩn cụ thể và tăng cường giám sát sát hạch trên đường.
Theo An ninh Thủ đô