(BVPL) - Một bộ phận báo chí vì lo doanh thu, hoặc yếu kém về chuyên môn mà chạy theo thị hiếu tầm thường, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp đang làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của đội ngũ báo giới nước nhà.

 

 
 
Đây là cảnh báo được đưa ra tại hội thảo “Đạo đức nghề báo trong khai thác và xử lý nguồn tin” tại Hà Nội ngày 11/10. 
 
Một ví dụ điển hình gần đây nhất, vi phạm nghiêm trọng “Đạo đức nghề báo trong khai thác và xử lý nguồn tin” được thảo luận tại Hội thảo, đó là một nhà báo đã bịa ra câu chuyện giật gân về quan hệ bố chồng - nàng dâu rồi đưa lên một tờ báo điện tử, ngay lập tức rất nhiều tờ báo mạng khác đã tin vào sự chính thống của tờ báo này để sao chép và đưa lên trang thông tin của mình, vô hình chung đã nhân bản rộng rãi một sai phạm nghiêm trọng.   
 
Nhà báo Đỗ Phượng, Nguyên Tổng biên tập Thông tấn xã Việt Nam cho rằng: “Phải rà soát lại đội ngũ lãnh đạo các báo, nhất là báo mạng, trước khi rà soát đội ngũ phóng viên. Tôi tin các phóng viên trẻ họ chỉ cần sự hướng dẫn đúng đắn, họ sẽ cho chúng ta nguồn tin tốt”.
 
Một thống kê đáng chú ý được đưa ra tại hội thảo là, trong khi một phóng viên có kinh nghiệm sẽ mất thời gian đáng kể cho bài viết, trong khi một nhân viên cắt dán cần mẫn trong một ngày có thể tạo ra hàng chục tin bài. Kết cục là có những trang điện tử mỗi tuần có đến hơn 1000 tin, trong đó có đến 90% là tin cắt- dán, trong khi đó, ở không ít trường hợp cũng chính nhà báo đó và nhiều nhà báo khác luôn tự cho mình quyền phán xét nhạc sĩ đạo nhạc, hay nhà văn vi phạm bản quyền.
 
Nhận diện các dạng vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong thực tiễn hoạt động báo chí, các tham luận tại hội thảo này đã cho rằng, vi phạm có ở nhiều bước trong hoạt động tác nghiệp, nhưng tập trung nhiều nhất ở quy trình khai thác xử lý nguồn tin. 
 
Ông Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo trung ương: “Nơi cung cấp thông tin phải cung cấp cho báo chí, nhất là trong các trường hợp nhạy cảm. Thứ hai, người làm báo phải được trang bị kiến thức, trau dồi nghiệp vụ và đạo đức người làm báo. Và một tầng nấc nữa là “bộ lọc” của các thư ký tòa soạn, các ban biên tập. Nếu bộ lọc kỹ, tốt và chặt chẽ thì sẽ hạn chế được về nghiệp vụ”.
 
Dù trong thời đại bùng nổ thông tin, nhưng độc giả vẫn có thể nhận diện được những tờ báo có xu hướng giật gân, câu khách và những cây bút còn bị nghiêng ngả bởi lợi ích cá nhân. Tuy vậy, với những tờ báo và nhà báo giữ được đạo đức nghề nghiệp và có trách nhiệm xã hội thì vẫn được độc giả tin cậy. Đó là động lực để đội ngũ những người làm báo tiếp tục dấn thân để đưa tới độc giả và khán giả của mình những thông tin chân thực từ cuộc sống.        
 
Theo Ngọc Hà
VOV Online
.