Ngày 16-10, Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương họp phiên thứ 7, thảo luận “Dự thảo Báo cáo Bộ Chính trị về việc phân công nhiệm vụ đào tạo nghề cho cán bộ có chức danh tư pháp và công tác đào tạo, tuyển dụng cán bộ pháp luật của TAND và VKSND"...

 
Cho ý kiến về đề án “Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật TPHCM thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật”. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng ban Chỉ đạo CCTP Trung ương chủ trì phiên họp.  
 
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chủ trì Phiên họp lần thứ 7 Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương . Ảnh: Nguyễn Khang
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chủ trì Phiên họp lần thứ 7 Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương . Ảnh: Nguyễn Khang
 
Tham gia Phiên họp có Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Trưởng ban chỉ đạo, Chánh án TANDTC Trương Hoà Bình, Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hoà Bình, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương là thành viên của Ban Chỉ đạo.
 
Xây dựng trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật
 
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng ban Chỉ đạo CCTP Trung ương đề nghị các đại biểu thảo luận cho ý kiến về những nội dung quan trọng nêu tại 2 văn bản, nhất là vấn đề đổi mới công tác quản lý nhà nước đối với đào tạo cán bộ có chức danh tư pháp; xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật TPHCM thành các trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật theo đúng tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược CCTP đến năm 2020 và Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới để có cơ sở chỉ đạo việc tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện đề án.
 
Đề án “Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật TPHCM thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật" do Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu là mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu về số và chất lượng đào tạo cán bộ về pháp luật, tăng cường hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học pháp lý (nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng giải quyết các vấn đề trên thực tiễn), phát triển đội ngũ giảng viên (cơ hữu có trình độ, đào tạo bài bản trong và ngoài nước, cùng đội ngũ giảng viên thỉnh giảng có kinh nghiệm thực tiễn); đầu tư phát triển cơ sở vật chất; tăng cường hợp tác trao đổi với các cơ sở đào tạo luật uy tín trên thế giới và giữa 2 trường đại học để chia sẻ giảng viên, tài liệu, sinh viên, hoạt động nghiên cứu khoa học.
 
Đồng thời cũng kiến nghị đầu tư kinh phí bằng ngân sách nhà nước, ưu tiên các dự án xây dựng cơ sở vật chất, được qui định mức học phí phù hợp cho từng ngành, xã hội hóa một số ngành có nhiều người học, bố trí trụ sở để các trường phát triển phù hợp qui hoạch của thành phố, bổ sung tín dụng ưu đãi của nhà nước…
 
Theo đó, hiện có gần 20 trường đại học được công nhận là trọng điểm nhưng chưa có trường nào đào tạo luật. Hai trường Đại học Luật hiện có đủ quy mô, năng lực đào tạo luật hàng đầu trong cả nước. Hàng năm đào tạo được 60% sinh viên luật tốt nghiệp. Trong khi các cơ quan tư pháp thiếu nhân lực thì sinh viên không muốn về, làm trái nghề còn nhiều.
 
Theo Thường trực Ban chỉ đạo, việc xây dựng trường Đại học Luật Hà Nội và trường Đại học Luật TP.HCM thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật là nhiệm vụ quan trọng, có tầm chiến lược lâu dài, được xác định trong nhiều văn bản quan trọng của Đảng (như Nghị quyết 08/NQ-TW, Nghị quyết 49/NQ-TW) để hai trường làm tốt vai trò cung cấp nguồn nhân lực pháp luật cho các cơ quan, tổ chức nhà nước, quan trọng là các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, hội nhập quốc tế và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.
 
Tuy nhiên, thường trực Ban chỉ đạo cho rằng, Đề án còn thiếu các giải pháp đột phá, chưa đề cập sâu đến vai trò quản lý nhà nước của Bộ chủ quản và sự phối hợp của các cơ quan liên quan trong đào tạo, xã hội hóa, đào tạo cơ bản, chuyên ngành, ngoại ngữ, tin học, thực tế… theo yêu cầu của cải cách tư pháp. Đề nghị bổ sung quan điểm, đảm bảo đa ngành theo yêu cầu xã hội nhưng trọng tâm là đào tạo cán bộ cho các cơ quan tư pháp, theo chiến lược phát triển nguồn nhân lực đến 2020. Sau 2016 phải đáp ứng đủ yêu cầu trường trọng điểm, nhất là nhu cầu của ngành Toà án và Viện kiểm sát đến 2020 phải đạt được uy tín về đào tạo đa ngành và chuyên ngành.
 
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, việc xây dựng 2 trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật TPHCM thành các trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật là hết sức quan trọng. Những năm qua, 2 trường đã đóng góp nguồn nhân lực quan trọng cho các cơ quan tư pháp. Trước tình hình trình độ một bộ phận cán bộ tư pháp còn hạn chế, việc đào tạo xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước vững vàng chuyên môn, bản lĩnh chính trị cho 2 trường là hết sức cần thiết. Chủ tịch nước lưu ý, trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, 2 trường cần phải nâng cao chất lượng đào tạo nhất là về luật pháp quốc tế, cập nhật, đổi mới thường xuyên giáo trình giảng dạy; đánh giá lại chất lượng sinh viên và nhu cầu phát triển tuyển dụng của các cơ quan tư pháp để có định hướng phát triển phù hợp.
 
Phân công đào tạo các chức danh tư pháp một cách hợp lý
 
Về dự thảo Báo cáo Bộ Chính trị về việc phân công nhiệm vụ đào tạo nghề cho cán bộ có chức danh tư pháp và công tác đào tạo, tuyển dụng cán bộ pháp luật của TAND, VKSND, các thành viên Ban Chỉ đạo cho rằng: Dự thảo Báo cáo đã được xây dựng khá công phu, đã hệ thống hóa được các chủ trương của Bộ Chính trị và quan điểm của Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương về công tác đào tạo các chức danh tư pháp.
 
Tuy nhiên một số đại biểu cho rằng cần phải có sự đánh giá cụ thể  với công tác đào tạo của  Học viện Tư pháp đối với 3 chức danh Thẩm phán, Kiểm sát, Luật sư, cả về thực trạng và cơ sở lý luận; việc đào tạo bồi dưỡng của 2 Trường Cán bộ Tòa án và Trường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát; đồng thời dự báo nhu cầu tuyển dụng cán bộ pháp luật và đào tạo nghề nghiệp cho cán bộ có chức danh tư pháp của 2 ngành Tòa án và Kiểm sát.
 
Một số thành viên Ban Chỉ đạo đề nghị Học viện Tư pháp tiếp tục đào tạo nghề nghiệp chung cho 3 chức danh: Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư để 3 chức danh này có mặt bằng chung về kiến thức, chính trị, tư tưởng, pháp luật, kỹ năng và đạo đức hành nghề, tạo điều kiện thuận lợi cho các chức danh này cùng thực hiện tốt hoạt động tố tụng nhằm nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa; mở rộng nguồn bổ nhiệm Thẩm phán, Kiểm sát viên và luân chuyển cán bộ giữa các cơ quan Trung ương theo định hướng của Đảng.
 
Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch nước cho rằng, cần phải đánh giá thực trạng đào tạo và đào tạo lại, cũng như nhu cầu đào tạo các chức danh tư pháp để có sự phân công cho phù hợp. Chủ tịch nước cũng cho rằng Chiến lược CCTP đến năm 2020 là nhất quán. Những vướng mắc có thể kiến nghị, xem xét điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tư pháp góp phần vào xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Chủ tịch nước đề nghị các ban ngành chức năng và Ban soạn thảo tiếp tục tổng hợp ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo trình Bộ Chính trị cho ý kiến.
 
Theo P.Lan 
Congly.com.vn
.